Trên 12.000 người Nghệ An làm việc ở vùng biên không có hợp đồng lao động theo quy định
(Baonghean.vn) - Đó là thông tin được nêu tại Hội thảo “Văn phòng thông tin di cư: Các thực tiễn tốt và xu hướng di cư mới” do Tổ chức di cư Quốc tế (IOM), Cục Quản lý lao động Ngoài nước (thuộc Bộ LĐ- TB&XH) phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Nghệ An tổ chức vào sáng 7/5.
Tham dự hội thảo có đại biểu từ Văn phòng IOM tại Thái Lan, các phái đoàn IOM và đối tác Chính phủ từ Lào, Campuchia, Myanmar và Việt Nam. Về phía tỉnh Nghệ An có đồng chí Nguyễn Thanh Hiền - Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, đại diện các sở, ngành cấp tỉnh. Ảnh: Đặng Nguyễn |
Tại hội thảo các đại biểu đã được nghe khái quát về quy mô, tình hình hoạt động của các văn phòng thông tin di cư trong tiểu vùng sông Mekong.
Tại Việt Nam, tính đến nay Văn phòng thông tin di cư (MRC) đã tư vấn hỗ trợ thông tin về di cư cho hàng nghìn lượt lao động, trong đó 70% số lượt tư vấn là qua điện thoại. Số lượng lao động cần tư vấn đang tăng lên theo thời gian, hiện nay hàng trăm lượt người/tháng.
Riêng tại Nghệ An, Văn phòng thông tin di cư đi vào hoạt động từ tháng 4/2018, đến nay đã có trên 1.000 người được tiếp cận. Bước đầu văn phòng đã trở thành địa chỉ tin cậy trong việc cung cấp thông tin cho người lao động di cư.
Ông Đặng Cao Thắng - Phó Giám đốc Sở Lao động- TB&XH tỉnh Nghệ An phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Đặng Nguyễn |
Chính bởi những lợi ích từ văn phòng mang lại, chỉ tính riêng trong giai đoạn 2015-2018 toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho 150.510 người, đạt 100,47% so với kế hoạch đề ra. Trong đó xuất khẩu lao động 53.174 lao động, tăng 15,4% so với giai đoạn 2010-2014.
Tuy nhiên, tình hình lao động di cư tự do sang làm việc và cư trú bất hợp pháp tại các nước Lào, Thái Lan, Trung Quốc... hiện nay vẫn diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng chủ yếu là địa bàn có người Mông sinh sống.
Hiện, vẫn còn 12.435 lao động Nghệ An đang làm việc ở vùng biên giới không có hợp đồng lao động theo quy định của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Vẫn còn 1.014 lao động làm việc ở vùng biên giới và XKLĐ không có hợp đồng theo quy định, tập trung chủ yếu ở các nước Lào, Trung Quốc, Thái Lan.
Một buổi tuyên truyền của phụ nữ bản Tam Bông, xã Tam Quang (Tương Dương) về vấn đề di cư, xuất khẩu lao động. Ảnh: Đặng Nguyễn |
Tại hội thảo, các đại biểu cũng đã thảo luận về sự cần thiết và cách tăng cường hợp tác giữa các văn phòng, các điểm mạnh và những vấn đề cần cải thiện như cảnh quan, dịch vụ, năng lực, nguồn lực; thảo luận về cách thức hỗ trợ vận hành văn phòng một cách bền vững.
Văn phòng thông tin di cư (MRC) được thành lập tại Việt Nam từ tháng 11/2011. Văn phòng tạo điều kiện di cư an toàn cho công dân Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, cung cấp thông tin và tăng cường hiểu biết về các vấn đề di cư lao động. Thông qua truyền thông và tư vấn sẽ thúc đẩy di cư lao động hợp pháp, phòng tránh di cư bất hợp pháp, giúp lao động di cư giảm thiểu rủi ro và tối đa hóa lợi ích của việc ra nước ngoài làm việc...
Tại Nghệ An, Văn phòng thông tin di cư Nghệ An có địa chỉ tại 22 Trường Thi, TP. Vinh, Nghệ An. Điện thoại: 0238 8.67.68.69 (trong giờ làm việc). Email: trungtamthongtindicunghean@gmail.com