Cần xây dựng một làng quê xứ Nghệ 'thuần chất Nghệ'
(Baonghean.vn) - Để phát triển kinh tế di sản, Nghệ An cần xây dựng một làng quê xứ Nghệ thuần chất Nghệ”. Làng quê lý tưởng để xây dựng là Làng Sen và Hoàng Trù, xã Kim Liên.
Tại Hội thảo Khoa học “Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển kinh tế di sản tỉnh Nghệ An” do UBND tỉnh Nghệ An tổ chức vào sáng 8/5, nhiều nhà khoa học, nhà quản lý đã hiến kế để di sản văn hóa trở thành động lực kinh tế mới.
Đồng chí Trương Đình Tuyển - nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, Tổ trưởng tổ tư vấn của tỉnh
Phát huy kinh tế di sản đòi hỏi trách nhiệm của toàn xã hội, trong đó có người làm công tác văn hóa, người lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội. Có một điểm cần lưu ý trong quá trình bảo tồn và phát huy di sản hiện nay là tránh phá vỡ di sản làng quê Việt Nam trước xu thế đô thị hóa đang diễn ra.
Đối với vấn đề phát triển Khu Di tích Kim Liên, những người làm văn hóa phải có tư duy hết sức thông thoáng, đổi mới theo tinh thần xã hội hóa đầu tư cho các công trình văn hóa. Có như vậy chúng ta mới có thêm di sản quý giá để lại cho đời sau.
Cụ thể, khi người ta muốn xây dựng một hội trường mà ở đó người dân trước khi vào viếng Bác thì có thể xem phim về cuộc đời hoạt động của Người. Ở nhiều nước, khu di tích các danh nhân đều có hội trường này. Riêng ở ta, cô hướng dẫn viên lại “mời các đồng chí đứng ở gốc đa trước khi vào viếng Bác”... Sự vô lý này là do Sở Văn hóa Thể thao Nghệ An cho rằng không được phép động tới di sản. Tư duy như vậy là rất cứng nhắc.
Tôi biết hiện nay Ngân hàng CPTM Bắc Á cùng Tập đoàn TH có tâm nguyện tham gia thực hiện Dự án Khu du lịch sinh thái tâm linh Núi Chung. Khu du lịch này thì nhà đầu tư người ta muốn quản lý. Trong khi đó, chúng ta cứ suy nghĩ di tích Bác Hồ thì phải được cơ quan Nhà nước quản lý. Người ta đầu tư mà không được quản lý thì đầu tư làm gì?
Tôi tin rằng thời điểm chấp nhận cho Tập đoàn TH đầu tư thì chúng ta không làm rõ điều này. Sở Văn hóa Thể thao và Tập đoàn TH phải cùng giải quyết nếu không sẽ không triển khai được công trình. Có thể ở đây phải có một tư duy mới: Khu vực quê Nội và quê Ngoại của Bác thì Nhà nước quản lý. Di sản nào nằm ngoài thì cần đổi mới theo tinh thần xã hội hóa đầu tư.
PGS.TS Trần Đình Thiên – nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam
Hội thảo cho thấy chúng ta đã có sự thay đổi nhận thức về di sản văn hóa. Chúng ta đã nhìn thấy nghịch lý di sản Nghệ An nhiều như thế, tốt như thế mà lại không phát triển được? - Rõ ràng lâu nay chúng ta đã ứng xử chưa đúng với tài nguyên, di sản văn hóa.
Bây giờ tôi lấy chuyện nơi khác, lấy chuyện Khu Di tích Kim Liên để tự thấy mình trong cái chung. Ví dụ: Tại sao Đà Lạt có tài nguyên, lợi thế du lịch tuyệt với mà không có khách ngoại quốc lên? Trong khi Sapa điều kiện không bằng mà khách ngoại quốc lại lũ lượt lên!
Khu Di tích Kim Liên là một tọa độ du lịch. Lâu nay, du khách đến với Kim Liên vì cái gì? – Câu hỏi này tôi nghĩ Nghệ An và Bộ Văn hóa chưa trả lời chính xác. Muốn làm du lịch cần tiếp cận du khách và du khách lại cần sự khác biệt và đẳng cấp. Du khách về Kim Liên vì nơi ấy là quê của Bác Hồ. Nhưng lâu nay, chúng ta chưa làm quê Bác trở nên khác biệt và đẳng cấp. Ở nhiều quốc gia, quê hương của lãnh tụ được họ làm rất đẹp khiến du khách cảm nhận chỉ có thể nơi này mới sinh ra con người đó. Cần quy hoạch, xây dựng để Kim Liên khác biệt, đẹp và linh thiêng hơn.
Tiến sĩ Hà Hữu Nga - Viện Nghiên cứu Ứng dụng Văn hóa và Du lịch
Trong cả nước, hiếm vùng đất nào có nguồn tài nguyên di sản phong phú và đặc sắc, có khả năng tạo ra “giá trị sử dụng” và “giá trị không sử dụng” để phát triển kinh tế di sản như xứ Nghệ.
Vấn đề đặt ra là chính quyền và người dân xứ Nghệ cần trả lời minh bạch và bằng hành động cụ thể 5 câu hỏi: Làm gì để phát triển kinh tế di sản xứ Nghệ? Ai tham gia vào việc phát triển kinh tế di sản? Phát triển kinh tế di sản ở những khu vực nào? Khi nào thì phát triển kinh tế di sản ở những khu vực cụ thể? Làm thế nào để phát triển thành công kinh tế di sản ở một khu vực cụ thể nào đó? – Có như vậy xứ Nghệ mới tạo dựng được một nền kinh tế di sản bền vững.
Có một số gợi ý cho việc này, đó là: Phát triển kinh tế di sản trên nền tảng hệ giá trị chung của di sản văn hóa xứ Nghệ (bao gồm cả Nghệ An và Hà Tĩnh); trên nền tảng những giá trị độc nhất của di sản văn hóa xứ Nghệ (Quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh, Làng Vạc, hệ thống di chỉ khảo cổ, hệ thống đền thờ nổi tiếng linh thiêng...).
Bên cạnh đó là phát triển trên nền tảng những giá trị đặc sắc của vùng văn hóa sông Lam; trên nền tảng phát huy những giá trị nhân văn vô giá của xứ Nghệ (cần cù chịu khó, hiếu học, giữ gìn lễ nghĩa...); trên nền tảng kết nối và phát huy những giá trị dòng họ lâu đời của xứ Nghệ (những dòng họ lâu đời và có cá nhân đột xuất).
PGS.TS Dương Văn Sáu - Đại học Văn hóa Hà Nội
Tôi đưa ra ý tưởng “xây dựng một làng quê xứ Nghệ thuần chất Nghệ” để đón khách du lịch trong một chương trình mang tên gọi như “Về Làng Sen quê Bác”, “Một ngày về quê Bác”, “Một ngày làm dân xứ Nghệ”, “Quê choa như rứa”... Làng quê lý tưởng xây dựng là Làng Sen và Hoàng Trù, xã Kim Liên.
Muốn xây dựng lại làng quê thuần chất Nghệ cần phải nghiên cứu, tìm hiểu, phác dựng lại nét sinh hoạt truyền thống của một làng quê thuần Nghệ cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX với những đặc trưng riêng. Làng quê thuần Nghệ có không gian, cảnh quan xưa, có bát chè xanh, có khoai lang luộc, có ông đồ xứ Nghệ tinh thông nho – y – lý – số dạy vài ba học trò, có nghề thủ công dệt vải, thêu thùa, có nghề rèn...
Khi du khách đến đây sẽ đi bộ tham quan, nghe hướng dẫn, mua vài món đồ thủ công, ăn bữa cơm quê với những món truyền thống và đặc sản địa phương, nghe hát ví, giặm, hát phường vải.
Làng quê thuần Nghệ là “sân khấu hóa” đời thường. Nguồn nhân lực ở tất cả các khâu, bộ phận là “diễn viên” chuyên nghiệp nằm trong biên chế của một trung tâm du lịch có địa điểm gần làng. Kinh phí để nuôi sống dân làng có từ việc bán các mặt hàng truyền thống, ẩm thực.
Thạc sĩ Nguyễn Văn Cường - Viện Văn hóa nghệ thuật Quốc gia Việt Nam
Thời gian qua, Nghệ An và Hà Tĩnh đã phát triển sản phẩm du lịch từ di sản dân ca ví, giặm. Tuy nhiên, sản phẩm du lịch còn thiếu và đơn điệu; chưa đánh thức được tiềm năng, giá trị to lớn của di sản dân ca ví, giặm trong phát triển kinh tế du lịch. Từ vấn đề đặt ra, chúng ta cần thiết phải ứng dụng khoa học công nghệ 4.0 vào hoạt động bảo tồn và phát huy không gian và hình thức trình diễn dân ca ví, giặm.
Những việc cần làm là: Xây dựng phần mềm quản lý di sản dân ca ví, giặm. Xây dựng phần mềm quảng bá không gian và hình thức trình diễn dân ca ví, giặm (Quảng bá bằng hình thức Google Display Network, Google Search Ads của Google; khởi tạo, cài đặt fanpage facebook riêng của di sản dân ca ví, giặm).
Xây dựng các sản phẩm du lịch dựa trên giá trị đặc trưng của di sản dân ca ví, giặm (Số hóa hình ảnh một số điểm thực hành tín ngưỡng, các thiết chế văn hóa cộng đồng gắn với sinh hoạt dân ca ví, giặm; thực hiện phần mềm, ứng dụng công nghệ Hologram để thuyết minh với du khách – kết nối với các điểm du lịch trong không gian thực hành di sản dân ca ví, giặm). Xây dựng phần mềm tiện ích đa phương tiện hỗ trợ du khách muốn tìm hiểu, khám phá các điểm di tích, làng nghề truyền thống, danh lam, thắng cảnh nơi sinh hoạt nghệ thuật trình diễn dân ca ví, giặm.
Nhà nghiên cứu Phạm Xuân Cần - thành phố Vinh
Bảo tồn ngay những những di sản hiện đang có khả năng bảo tồn: Bảo tồn một tòa nhà, hoặc một phần tòa nhà trong khu chung cư Quang Trung; bảo tồn 3 cổng Thành Nghệ An. Bảo tồn đền Hồng Sơn như nguyên trạng; bảo tồn nguyên trạng cổng tam quan của Chùa Diệc.
Phục dựng một số di sản tiêu biểu: Phục dựng Văn Miếu, chùa Diệc, chùa Tập Phúc tại vị trí cũ nhưng diện tích, quy mô cũng thu hẹp lại; phục dựng lại một số hạng mục của Bến phà Bến Thủy khu vực ven bờ sông... Khi phục dựng, cố gắng tối đa để giữ được dáng vẻ, nét kiến trúc của công trình xưa.
Đặt bia dẫn tích cho một số di sản không có khả năng, hoặc không cần phục dựng (di sản ghi dấu sự ra đời và phát triển của thành phố Vinh thời kỳ thuộc Pháp), có thể liệt kê: chợ Vinh, phố Hoa Kiều, dinh Công sứ, Ga Vinh, Nhà băng Đông Dương, Trường Tiểu học Pháp Việt, Trường Quốc học Vinh, Nhà máy Diêm Bến Thủy, Nhà máy Điện Vinh...
Thạc sĩ quy hoạch Lê Nguyên Phương - Công ty TNHH MTV MQL và các đối tác
Để kinh tế di sản ở Nghệ An trở thành động lực tăng trưởng mới có rất nhiều việc cần làm. Trước hết cần xác lập vị thế của kinh tế di sản thuộc nhóm nền tảng, hoàn thiện khung pháp lý và thực hiện 9 phần việc chủ yếu theo 3 giai đoạn (tùy theo điều kiện mỗi địa phương để ấn định).
Giai đoạn 1: Hoàn thành nghiên cứu các giải pháp phát triển kinh tế di sản, áp dụng thí điểm cho một số khu vực di tích, di sản, bảo tàng tiêu biểu; thí điểm tại các khu vực thuận lợi trong xã hội hóa đầu tư; phát triển các dự án kinh tế di sản tại các phân vùng, địa phương (Lựa chọn các di tích, di sản cốt lõi đang thu hút được khách, kết hợp với các hoạt động đầu tư cho du lịch, các ngành kinh tế khác để gián tiếp đầu tư cho bảo tồn và khai thác di sản); triển khai lập quy hoạch cho từng khu vực di sản trọng điểm để thu hút các nhà đầu tư.
Giai đoạn 2: Thực hiện nhân rộng mô hình “mỗi di sản mỗi quần cư”, “mỗi quần cư một sản phẩm”, “mỗi sản phẩm một cảnh quan”, “mỗi di sản một phong cách”, “một sản phẩm một chuyên gia”, “mỗi di sản một doanh nghiệp”, “mỗi doanh nghiệp một cộng đồng”; tiến hành liên kết nhóm di sản tương ứng với cộng đồng doanh nghiệp và dân cư sở tại; xác lập cơ chế, chính sách theo các nhóm và từng di sản cụ thể; bàn giao di sản cho cộng đồng có trách nhiệm quản lý, khai thác.
Giai đoạn 3: Từng bước thực hiện phần việc xã hội hóa hoàn toàn công cuộc bảo tồn và đưa di sản vào chương trình phát triển mang tính phổ thông.