Hải Phòng - SLNA: Ai cầm trịch được hiệp 2 sẽ thắng?
(Baonghean.vn) - Hải Phòng - đối thủ khó mà dễ, dễ mà lại khó. Chỉ duy nhất SHB.Đà Nẵng có điểm mang về còn Nam Định, HAGL và B.Bình Dương đều trắng tay khi rời Hải Phòng. Điều này dự báo SLNA sẽ gặp khó khăn tại vòng 9.
Theo thống kê của Soccerway, 2 đội gặp nhau 27 lần trong quá khứ. Đáng nói, SLNA chỉ có được 9 trận thắng, 8 trận hòa và thua 11 trận trong lịch sử gặp nhau. Nhưng mùa giải năm ngoái SLNA đã từng có chiến thắng bất ngờ 3-2 ngay trên sân Lạch Tray tại vòng 17. Trước đó, vòng 13 trên sân Vinh đội bóng xứ Nghệ bất ngờ có chiến thắng Hải Phòng mở đầu cho chuỗi 8 trận thắng liên tiếp của mình.
Sân xấu, đá gấu
Hiện nay, Fagan và các đồng đội đã có 12 bàn thắng, trong đó có 7 bàn sân nhà và 5 bàn sân khách. HLV Trương Việt Hoàng là nhà cầm quân thích lối đá đơn giản, thiên về thể lực, dựa nhiều vào sự càn lướt của các ngoại binh. Các tiền vệ Hải Phòng đều không ngại va chạm trong tranh cướp bóng, sau sự ra đi của tiền vệ trung tâm Minh Châu thì Quốc Trung là cầu thủ gốc Nghệ cũng có lối đá giàu năng lượng.
Trấn giữ khung thành Hải Phòng là thủ môn trẻ Văn Toản. Ảnh VPF |
Việc có đến 7 bàn thắng được ghi trong hiệp 2, đặc biệt là có 4 bàn thắng được ghi vào 15 phút cuối trận đấu cho thấy, nếu đội nào yếu thể lực, rất dễ để Hải Phòng chọc thủng lưới cuối trận. Trong 12 bàn thắng có được tính đến thời điểm này, chỉ có 2 bàn thắng được thực hiện bằng cách tổ chức tấn công bài bản từ sân nhà, 3 bàn từ lối đá phá công. Hải Phòng có tới 7 bàn thắng từ các pha đá phạt, trong đó có 4 quả phạt góc, 1 penalty. Đây là những thông số kỹ thuật mà HLV Đức Thắng và các cầu thủ xứ Nghệ cần phải lưu ý.
Thường bóng sẽ được chuyền dài lên cho bộ 3 Jermie Lynch, Mpande, Fagan tự xoay xở và bộ 3 này lần lượt ghi được 4, 3, 2 bàn thắng. Rõ ràng với việc đóng góp 9/12 bàn thắng, ngoại binh đóng góp quan trọng trong lối đá và thành tích của đội Hải Phòng, Jermie Lynch đã có 3 bàn thắng bằng chân phải, 1 bàn thắng bằng đầu và 50% số bàn thắng của cầu thủ này từ tình huống dốc bóng phản công. Trong khi đó Mpande đá đều 2 chân, chơi bóng bổng tốt và quân bài để triển khai bóng chậm của chủ nhà nhờ kỹ thuật qua người tốt. Fagan là cầu thủ có nhiệm vụ phá lối chơi của đối thủ, sẵn sàng đua tốc độ phá sức tiền vệ SLNA.
Nhiều đội V.League đều có chung nhận xét lối đá của các cầu thủ thành phố Cảng được tóm gọn vào 4 chữ “sân xấu, đá gấu”. Với việc phải nhận 16 thẻ vàng và 2 thẻ đó, Hải Phòng đang là đội nhận nhiều thể phạt nhất giải.
Trọng tâm dồn vào hiệp 2
Fagan là cầu thủ có nhiệm vụ phá lối chơi của đối thủ, sẵn sàng đua tốc độ phá sức tiền vệ SLNA. Ảnh VPF |
Năm nay, trấn giữ khung thành Hải Phòng là thủ môn trẻ Văn Toản. Dù đã thủng lưới 12 bàn nhưng giới chuyên môn đánh giá khá cao năng lực chuyên môn của thủ môn này. Thi đấu sân nhà, Hải Phòng chỉ mới thủng lưới 4 bàn, thành tích khá tốt. Điểm yếu phòng thủ của Hải Phòng là 45 phút hiệp 2, họ đã thủng lưới tới 9 bàn, bởi đội hình dâng cao. Họ cũng để thủng lưới 5 bàn từ tình huống cố định, trong đó có 1 quả phạt penalty, 2 quả phạt corner. 5 bàn thua của Hải Phòng khi đối thủ cầm bóng chủ động tấn công.
Hải Phòng ưa thích những đối thủ chơi đôi công như S.Khánh Hòa, B.Bình Dương. Lợi thế thể lực và có các ngoại binh sắc sảo khiến cho Hải Phòng có thể biến các cơ hội thành bàn thắng cao hơn đối thủ.
Ngoại trừ mùa giải năm ngoái, SLNA luôn là đối thủ ưa thích của đội bóng thành phố hoa phượng đỏ. Trong đội bóng Hải Phòng có khá nhiều cầu thủ SLNA, bản thân cựu HLV SLNA Ngô Quang Trường cũng đang ngồi trên băng ghế kỹ thuật chủ nhà nên 2 đội chả lạ gì lối đá của nhau. Chính vì thế, đây là trận đấu khó lường và được đánh giá là cân tài, cân sức, ai làm chủ hiệp 2 sẽ có nhiều cơ hội giành chiến thắng.