Ngành điện cần quan tâm giải quyết dứt điểm kiến nghị của cử tri

Thanh Lê 10/05/2019 12:08

(Baonghean.vn) - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Thanh Hiền đề nghị Công ty Điện lực Nghệ An và các dự án thủy điện cần quan tâm, giải quyết có trách nhiệm, xử lý dứt điểm các kiến nghị của cử tri.

“Nóng” vấn đề tăng giá điện

Theo báo cáo của Đoàn ĐBQH tỉnh, liên quan đến ngành điện có 28 lượt ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến ngành Điện từ sau kỳ họp thứ nhất đến kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV, chủ yếu tập trung vào các nội dung: Công tác tiếp nhận, hoàn trả và nâng cấp lưới điện nông thôn; đưa điện về các thôn, bản vùng sâu, vùng xa chưa có điện, cách tính giá điện phải hợp lý hơn... Đây cũng là những vấn đề được ngành Điện quan tâm giải quyết trong thời gian qua.

Giải trình ý kiến cử tri đề nghị UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo ngành Điện đưa điện về các xã, bản chưa có điện lưới quốc gia trên toàn tỉnh, Giám đốc Công ty Điện lực Nghệ An Trịnh Phương Trâm cho biết: Hiện tại giai đoạn 1 đã hoàn thành 100% kế hoạch đóng điện cho 48 thôn, bản, trung tâm thuộc 16 xã của 3 huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Quỳ Châu.

Giám đốc Công ty Điện lực Nghệ An giải trình các kiến nghị của cử tri. Ảnh: Thanh Lê
Giám đốc Công ty Điện lực Nghệ An Trịnh Phương Trâm giải trình các kiến nghị của cử tri. Ảnh: Thanh Lê

Giai đoạn 2 của dự án sẽ được điện lưới quốc gia đến 185 thôn, bản trên địa bàn 54 xã thuộc 8 huyện của tỉnh. Công tác lập dự án Công ty Điện lực Nghệ An đã thực hiện xong, tuy nhiên đến thời điểm hiện tại vẫn đang chờ vốn ngân sách để tiếp tục thực hiện.

Liên quan đến nội dung này, Phó Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Huy Cương cho biết: Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1740/QĐ- TTg về việc phê duyệt chương trình mục tiêu cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo, giai đoạn 2016-2020 trong đó danh mục, nhu cầu đầu tư và cân đối nguồn vốn chương trình cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo giai đoạn 2016 - 2020 cho tỉnh Nghệ An. Theo đó, vốn đầu tư điện lưới quốc gia tỉnh Nghệ An do EVN làm chủ đầu tư là 718 tỷ đồng, trong đó vốn đối ứng của EVN là 108 tỷ đồng.

a
Ông Tạ Hữu Hùng - Phó Giám đốc phụ trách Công ty Thủy điện Bản vẽ làm rõ nội dung cử tri kiến nghị. Ảnh: Thanh Lê

Theo ông Cương mục tiêu đến hết năm 2020 tất cả thôn, bản có điện khó đạt, bởi có nhiều bản cách trung tâm xã hàng chục cây số, chưa đến 10 hộ dân sinh sống, không có đường giao thông đi vào bản, để kéo điện lưới vào các bản này là điều rất khó.

"Để cấp điện cho các bản vùng sâu, vùng xa UBND tỉnh đã có dự án Cấp điện nông thôn từ nguồn năng lượng tái tạo do UBND tỉnh làm chủ đầu tư là 83 tỷ đồng, trong đó vốn đối ứng của UBND tỉnh là 12 tỷ đồng. Khi hoàn thành các dự án này thì tất cả các thôn, bản trên địa bàn tỉnh sẽ được cấp điện lưới quốc gia từ nguồn năng lượng tái tạo"- ông Cương khẳng định.

Vấn đề “nóng” đang được cử tri quan tâm là tăng giá điện, phương pháp tính giá điện được ông Trịnh Phương Trâm làm rõ: Hóa đơn tiền điện của khách hàng tăng trong tháng vừa qua cơ bản thực hiện đúng. Do việc chốt hóa đơn khách hàng điện sinh hoạt vào ngày 20 hàng tháng nên việc tính theo giá mới chỉ có 2 ngày. Vì vậy, tiền điện tháng 5 mới thể hiện rõ giá điện mới.

“Đây là vấn đề thuộc vĩ mô thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Bộ Công thương, còn điện lực các địa phương thực hiện theo quy định. Liên quan đến việc tăng giá điện, Chính phủ chỉ đạo thanh tra đề nghị Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực làm rõ”- ông Trâm nói.

Đầu tư hệ thống cảnh báo lũ

Với các dự án thủy điện, nội dung được cử tri tập trung kiến nghị vẫn là vấn đề giao đất sản xuất còn chậm trễ, nhiều bất cập dẫn đến các hộ dân tái định cư đang quay lại sinh sống trong lòng hồ; những ảnh hưởng, hệ lụy của thủy điện gây ra đối với đời sống đồng bào các huyện miền núi.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Trần Văn Mão, cho rằng Nghệ An là tỉnh có nhiều thủy điện, ảnh hưởng rất lớn đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống dân sinh. “Lo nhất là tình trạng sạt lở ở các huyện miền núi hiện nay, Công ty Thủy điện Bản vẽ cần phối hợp với các địa phương cần có chiến lược lâu dài, cần có chính sách để đầu tư lại các vùng có thủy điện.

Đồng thời, tập trung thực hiện điều hành tốt xả lũ, quan tâm đầu tư hệ thống cảnh báo lưu lượng lũ đổ về các lòng hồ thủy điện, đưa công tác vận hành công trình Thủy điện Bản Vẽ an toàn, hiệu quả phù hợp với yêu cầu cắt, giảm lũ cho vùng hạ du vào mùa lũ, cấp nước hạ du mùa cạn”- ông Trần Văn Mão đề nghị.

Thủy điện Bản Vẽ xả lũ. Ảnh tư liệu: Nhật Lân
Thủy điện Bản Vẽ xả lũ. Ảnh tư liệu: Nhật Lân

Tại cuộc làm việc, ý kiến ngành điện cũng đề nghị đoàn ĐBQH tỉnh có đề xuất với Chính phủ, Bộ Công thương... chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam ứng vốn trước để thực hiện dự án cấp điện nông thôn; tạo điều kiện tối đa trong công tác bồi thường GPMB các công trình điện theo mục tiêu, tiến độ yêu cầu, đảm bảo quỹ đất cho dự án; có quy định riêng cho việc thay thế cột điện nguyên trạng trong vi phạm đất dành cho đường bộ,…

Đề nghị Đoàn ĐBQH tỉnh đề xuất Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm trình Thủ tướng Chính phủ sửa đổi quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Cả trước mùa mưa bão năm 2019; sớm triển khai thực hiện dự án hệ thống ra đa quan trắc khí tượng thủy văn sớm triển khai, nâng cao chất lượng dự báo khí tượng thủy văn cho sông Cả.

Phó Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Huy Cương phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Thanh Lê
Phó Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Huy Cương phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Thanh Lê

Kết luận cuộc làm việc, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Thanh Hiền ghi nhận những nỗ lực cố gắng của ngành Điện phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh cũng mong muốn ngành Điện tiếp tục quan tâm thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, thực hiện tốt các kết luận của Chính phủ, bộ, ban, ngành và tỉnh Nghệ An. Đồng thời yêu cầu điện lực Nghệ An và các dự án thủy điện quan tâm, giải quyết có trách nhiệm, xử lý dứt điểm các kiến nghị của cử tri.

Thanh Lê