Ngô Quang Trường - chiến binh thép của Sông Lam Nghệ An

Trung Kiên 10/05/2019 15:43

(Baonghean.vn) - Trong lịch sử SLNA, Ngô Quang Trường được biết đến với biệt danh Trường “trâu” nhờ thể lực sung mãn và lối chơi quyết liệt. Nhưng chỉ những người từng xem anh thi đấu mới thấy rằng anh còn là một mẫu tiền vệ "chơi bóng bằng cái đầu".

Đồ họa: Trung Kiên
Đồ họa: Trung Kiên

Sông Lam Nghệ An luôn được biết đến là đội bóng sản sinh ra những cầu thủ có lối chơi máu lửa, quyết liệt. Thế hệ Ngô Quang Trường thừa hưởng tinh thần đó và họ cũng chính là biểu tượng cho lối chơi như những chiến binh.

Quang Trường là một trong những nhân tố xuất chúng, cùng thời với những Hữu Thắng, Văn Lưu, Thanh Tuấn, Văn Tiến, Sỹ Hùng... làm khuynh đảo bóng đá Việt Nam. Trong giai đoạn 6 năm SLNA bất bại tại “Chảo lửa Thành Vinh” từ 1996-2002, Quang Trường chính là người đeo tấm băng thủ quân.

“Tôi đã từng rất khó chịu vì được gọi là Trường "trâu", vì để chơi bóng không chỉ cần thể lực. Nhưng dù sao được mọi người biết đến, nhớ đến và yêu quý cũng là một niềm hạnh phúc”.

HLV Ngô Quang Trường

Trật đại học và bước ngoặt cuộc đời

Quang Trường sinh năm 1972 tại Hưng Nguyên. Anh có họ hàng với ông Ngô Xuân Quýnh, cây đại thụ của bóng đá Việt Nam, một danh thủ thời kỳ đầu tiên của CLB Thể Công. Từ nhỏ, Quang Trường đã có tố chất và đam mê bóng đá.

Sau khi trật đại học, Quang Trường lại tìm đến niềm vui từ bóng đá. Vốn chỉ quen với những trận bóng quên giờ học ngoài đê, Quang Trường lần đầu tham dự giải bóng đá nông dân tập thể huyện Hưng Nguyên khi vừa tốt nghiệp THPT. Thi đấu đầy ấn tượng, một người thầy đã giới thiệu Quang Trường xuống SLNA thử việc.

Chưa từng được đào tạo bài bản, nhưng Quang Trường được tuyển thẳng vào đội 1 SLNA nhờ khả năng tổ chức, "đánh hơi bàn thắng" và quan trọng nhất là nền tảng thể lực sung mãn.

Từ một cầu thủ nghiệp dư sang chơi chuyên nghiệp, Quang Trường gặp rất nhiều khó khăn vì thua thiệt về kỹ thuật so với các đồng đội. Nhưng nhờ có thể lực và sự cần cù, anh sớm khỏa lấp được những khoảng cách đó.

Ý chí sắt đá và tác phong tập luyện, thi đấu máu lửa giúp Quang Trường tạo dựng được tên tuổi của mình cùng với SLNA. Năm 2001, bóng đá Việt Nam chính thức lên chuyên nghiệp, SLNA đoạt chức vô địch V.League đầu tiên và Quang Trường là thủ quân của SLNA lúc bấy giờ.

Ngô Quang Trường trong màu áo SLNA. Ảnh: Quang Minh
Ngô Quang Trường trong màu áo SLNA. Ảnh: Quang Minh

Thời kỳ đó, Thể Công đã có bề dày truyền thống và lối chơi mang đậm những dấu ấn về kỹ, chiến thuật. Còn CA TP Hồ Chí Minh, theo như tâm sự của Quang Trường là đội bóng có độ quái trong bóng đá, hay Công an Hà Nội cũng là một đội bóng đáng gờm. Còn SLNA lại lấy nền tảng thể lực, tinh thần làm sức mạnh.

“Khi tôi còn là một cầu thủ trẻ được xem anh Quang Trường đá với Thể Công, anh ấy là trung tâm của mọi pha tấn công. Khi anh Quang Trường có bóng, các vệ tinh xung quanh anh ấy lao theo hướng di chuyển của Quang Trường. Anh ấy như một chiến binh trên sân cỏ” - Cựu trung vệ Nguyễn Huy Hoàng cho biết.

Tố chất thủ lĩnh và sự lạnh lùng của Quang Trường trên sân bóng không chỉ thể hiện bằng những đường chuyền kiến thiết, những bàn thắng mà thậm chị còn bằng cái đầu... bốc hỏa.

Trong trận cầu đinh nảy lửa giữa SLNA và Thể Công trên sân Vinh năm 1998, phút cuối trận trong một pha lộn xộn trước khung thành đội khách, Hải Biên túm tóc một cầu thủ SLNA. Ngay lập tức, cái đầu của người thủ lĩnh Quang Trường không còn giữ được bình tĩnh, đội trưởng SLNA tung nắm đấm rất mạnh vào mặt đối phương khiến anh bị treo giò 6 trận.

Mãi về sau này, người ta vẫn thường nhắc đến nắm đấm của Quang Trường và những trận cầu quyết liệt quá mức cần thiết giữa Thể Công và SLNA.

Đôi chân không lành lặn

Cũng vì lối chơi bóng quyết liệt, máu lửa nên cái giá mà Quang Trường phải trả là những chấn thương rất nặng. Sau này, cứ mỗi khi thời tiết thay đổi, hai đầu gối của anh lại đau ê ẩm vì những vết thương khi còn thi đấu.

Năm 1992 khi SLNA thi đấu với đội Đường sắt Việt Nam tại Huế, trong điều kiện sân trơn, một lần tranh chấp quyết liệt với đối phương khiến anh bật khớp đầu gối, toàn bộ dây chằng bung ra. Thời đó, công tác y tế và khoa học không tiên tiến như bây giờ, nên Quang Trường chỉ được sơ cứu và băng bó lại chứ không hề được phẫu thuật.

Sau 4 tháng “nằm gai nếm mật”, Quang Trường xỏ giày ra sân tập vì nhớ bóng, nhưng khi vừa ra sân chạy thì khớp đầu gối bục ra. Không đành nhìn học trò đau đớn, HLV Nguyễn Thành Vinh quyết định để Quang Trường nghỉ chơi bóng một thời gian. Đến lần thứ 2, lần thứ 3 cũng như vậy và đến lần thứ 4 tái phát chấn thương, HLV Thành Vinh khuyên Quang Trường sớm từ giã sân cỏ để theo nghiệp huấn luyện.

Nhưng như một phép màu, sau 3 năm kể từ chấn thương rất nặng đó, Quang Trường thi đấu đỉnh cao trở lại một cách bình thường mà không hề phải phẫu thuật.

Ảnh: Quang Minh
Dấu ấn của Quang Trường khi còn thi đấu cho SLNA là rất đậm nét. Ảnh: Quang Minh

Ở SLNA, vị trí của Quang Trường là bất khả xâm phạm, anh được gọi lên ĐTQG Việt Nam để chuẩn bị cho những chiến dịch lớn của bóng đá Việt Nam. Tuy nhiên, trong bối cảnh bóng đá Việt Nam còn nhiều bất cập, và với tính cách lặng lẽ, ít nói, Quang Trường ít được nhiều người biết đến. Một trong những thành tích đầu tiên của Quang Trường trong màu áo ĐTQG là Huy chương Bạc Tiger Cup 1996 tại Malaysia.

Năm 2004, khi đã 32 tuổi, nhiều người nghĩ rằng Quang Trường đã “hết thời”, nhưng anh được Hoàng Anh Gia Lai chiêu mộ từ SLNA theo dạng biệt phái. Ở bên kia sườn dốc của sự nghiệp, Quang Trường vẫn để lại dấu ấn đậm nét trong đội hình đội bóng phố núi, nâng cao chiếc Cúp vô địch V.League năm đó.

Dấu ấn nghiệp làm thầy

Sau khi giải nghệ, Quang Trường đầu tư cho chuyện học nghề HLV từ năm 2008 và bắt đầu công tác đào tạo trẻ tại SLNA.

Ngay trong lần dẫn dắt U17 SLNA tham dự VCK U17 QG năm 2012 tại Huế, anh cùng với những học trò Văn Khánh, Tuấn Tài, Văn Đức, Xuân Mạnh đoạt chức vô địch. Đó cũng là chức vô địch U17 duy nhất của SLNA kể từ năm 2009 đến nay.

Năm 2014, anh cùng với U19 SLNA giành Huy chương Bạc Quốc gia. Và những gương mặt mà anh chăm bẵm năm xưa giờ là trụ cột của SLNA cũng như ĐTQG Việt Nam.

Cuối năm 2014, khi HLV Hữu Thắng bất ngờ chia tay SLNA, Quang Trường là người được chọn để chèo lái con thuyền xứ Nghệ tại V.League. Chỉ vài tháng sau khi nắm đội 1, Quang Trường cùng với đội 1 SLNA đoạt chức vô địch Đại hội TDTT toàn quốc.

Tại V.League 2015, đã có nhiều thời điểm SLNA nằm trong nhóm đầu của bảng xếp hạng, nhưng rồi sự ra đi của những trụ cột như Quang Tình, Hoàng Thịnh, Đình Đồng và ngoại binh kém chất lượng khiến SLNA lún sâu tại V.League 2016.

HLV Ngô Quang Trường hiện đang là GĐKT CLB Hải Phòng. Ảnh: VTC
HLV Ngô Quang Trường hiện đang là GĐKT CLB Hải Phòng. Ảnh: VTC

Giữa một cuộc đua khốc liệt như V.League, HLV Quang Trường nhiều lần đề nghị xin rút khỏi vị trí HLV trưởng. Nhưng lãnh đạo và các cầu thủ đều một lòng mong muốn anh tiếp tục chèo lái đội bóng vượt qua khó khăn trước mắt,cho đến đến khi HLV Đức Thắng nhận lời làm HLV trưởng SLNA.

Trong 2 năm làm huấn luyện viên tại V.League, mái tóc của Quang Trường ngày một bạc đi nhiều nhưng đổi lại, cũng giúp anh có nhiều trải nghiệm quý giá trong công tác quản lý bóng đá.

Trở lại với công tác đào tạo trẻ, tiếp quản đội U15 SLNA, Quang Trường tiếp tục học nâng cao trình độ, bằng cấp. Sau khi sở hữu chứng chỉ huấn luyện viên chuyên nghiệp AFC Pro, cựu HLV trưởng SLNA được CLB Hải Phòng mời ra làm việc ở vị trí giám đốc kỹ thuật.

Tại Hải Phòng lúc này, Quang Trường cùng với người đồng đội cũ của anh năm xưa tại ĐTQG là Trương Việt Hoàng đang cùng Hải Phòng chinh chiến tại V.League 2019. Đội bóng đất Cảng với nhiều cầu thủ từ lò SLNA cũng như ngoại binh chất lượng đang là một thế lực tại giải quốc nội.

Tại vòng 9 V.League, khi SLNA làm khách Hải Phòng, các cầu thủ SLNA sẽ gặp lại người thầy cũ của mình. Và với riêng Quang Trường, đó chắc chắn là một trận đấu mang cảm xúc đặc biệt.

Trong lịch sử của đội bóng SLNA, Quang Trường góp phần làm nên tên tuổi cho đội bóng và cũng chính SLNA đã tạo nên một danh thủ, một biểu tượng tinh thần của đội bóng xứ Nghệ. Và giờ, Quang Trường cùng với những đồng đội cùng thời như Hữu Thắng, Sỹ Sơn, Thành Công, Đức Thắng đang là một phần không thể thiếu của sân chơi V.League trên băng ghế huấn luyện./.

Trung Kiên