Đường Trường Sơn luôn là niềm tự hào

Thanh Sơn 15/05/2019 10:44

(Baonghean) - Với người cựu thanh niên xung phong (TNXP) Trần Quang Nhật, những tháng ngày mở đường Trường Sơn trong kháng chiến chống Mỹ luôn là niềm tự hào, là kỷ niệm sống mãi không bao giờ quên.

Rời biển, lên rừng, vượt thác
Sau 3 lần trượt khám tuyển quân sự vì lý do “thấp bé nhẹ cân”, Bí thư Chi đoàn thanh niên thôn Phú Liên (xã Quỳnh Long, huyện Quỳnh Lưu) Trần Quang Nhật đăng ký tham gia lực lượng TNXP phục vụ chiến trường miền Nam, chống Mỹ cứu nước.

Vào TNXP, tôi ở C302, cùng các đồng chí, đồng đội mình thực hiện nhiệm vụ làm đường qua dốc Bò Lăn, ngã ba Đồng Lào, Dốc Lụi ở huyện Nghĩa Đàn. Đến tháng 8/1965 được cấp trên điều động vào Quảng Bình ở C168, rồi lại sang C225 làm nhiệm vụ vận chuyển, thồ hàng tại miền Tây Quảng Trị. Ở C225, tôi và một số anh em có quê gần biển, thạo nghề sông nước như Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc được cử tham gia vào tiểu đội “đặc biệt” thực hiện vận chuyển hàng trên sông Sê Băng Hiêng - con sông có nhiều thác lắm ghềnh”.

Cựu TNXP Trần Quang Nhật (72 tuổi) bồi hồi về những xúc cảm ngày ấy: “Trong những ngày ấy, thanh niên chúng tôi ai cũng muốn được trở thành Bộ đội Cụ Hồ. Đăng ký mãi không được, tôi tự nhủ mình vào TNXP cũng được. Ngày 15/5/1965, tôi gia nhập vào lực lượng TNXP...”. Ảnh: Tư liệu - Thành Cường
Cựu TNXP Trần Quang Nhật (72 tuổi) bồi hồi về những xúc cảm những ngày mở đường Trường Sơn. Ảnh: Tư liệu - Thành Cường

“Trong những ngày ấy, thanh niên chúng tôi ai cũng muốn được trở thành Bộ đội Cụ Hồ. Đăng ký mãi không được, tôi tự nhủ mình vào TNXP cũng được. Ngày 15/5/1965, tôi gia nhập vào lực lượng TNXP...”.

Cựu TNXP Trần Quang Nhật (xã Quỳnh Long, huyện Quỳnh Lưu)

Ông Trần Quang Nhật kể: “Thực tế từ khu rừng nứa ở Cù Bai nơi C225 đóng đến trạm nhận hàng vẫn có đường bộ vận chuyển, song con đường này đồi dốc, vận chuyển rất khó khăn. Mỗi chuyến, mỗi người chỉ có thể cõng 25-30 kg. Nhằm nâng cao hiệu suất, đường vận chuyển trên sông Sê Băng Hiêng được tính đến. Tuyến vận chuyển trên sông này chỉ dài 8 km nhưng phải vượt qua 3 con thác. Tiểu đội tôi được nhận 3 con thuyền ba ván được TNXP Quảng Bình khiêng vác từ sông Nhật Lệ lên...”.

Ngày xuất quân, thủ trưởng đơn vị ra tận bến sông căn dặn: “Đây là chuyến đầu tiên, tiểu đội các đồng chí cần đi để rút kinh nghiệm. Trọng tải cho phép 1 tấn. Sông có 2 thác, một thác Gỗ, thác Đá. Thác Đá rất nguy hiểm không coi thường”... Lời căn dặn của thủ trưởng đã bị “bỏ ngoài tai” khi tiểu đội của ông Nhật chỉ thấy đoạn sông trước mặt trong xanh, nước chảy hiền hòa, phong cảnh hữu tình. Các TNXP đưa cả đàn, sáo và sổ nhật ký lên thuyền, hát ca vui như hội.
Ông Trần Quang Nhật kể về chuyến tiền trạm “sợ đến già” này: “Xuôi chèo mát mái một lúc bỗng thấy thuyền như hẫng đi, nước cuốn kéo thuyền lao vun vút. Thác Đá hiện lên trước mặt với 2 chữ viết bằng sơn trắng phía bờ đá ven bờ và chiếc sọ người báo hiệu nguy hiểm. Cửa thác chỉ đủ cho 1 chiếc thuyền xuyên qua, độ chênh thác gần 3m và ở thế cua gấp, nước đổ ào tung bọt trắng xóa. Thuyền lao như tên, không đủ thời gian trao đổi cùng anh em, tôi cuống cuồng đưa mái bắt mũi thuyền vào cửa thác. Thuyền chở 1 tấn gạo cùng 4 anh em bị nước đẩy khá xa và nhấn chìm sâu”.

Ký ức của người cựu binh về đường Trường Sơn.

Nhờ bơi lội giỏi nên không bị đuối nước nhưng thuyền và gạo đã nằm dưới đáy sông gần 4m nước chảy xiết. Đội của ông Nhật động viên nhau cố gắng lặn xuống cứu gạo, cứu thuyền nhưng bất thành. Loay hoay cả tiếng đồng hồ mà không được, cái đói, cái mệt xuất hiện, 4 người trong đội trào nước mắt vì tuyệt vọng. “Một hạt gạo đem được vào đến đây là đánh đổi bao mồ hôi và máu. Bây giờ về biết báo cáo thế nào với chỉ huy?”.
Trong nỗi tuyệt vọng, đội của ông Nhật đã gặp được một cụ già người Vân Kiều. Cụ bảo: “Bộ đội không làm được, để trai bản làm cho. Họ bơi giỏi lắm”... Ông Nhật kể: “Bản của cụ cách thác chừng nửa giờ đi bộ. Ông cụ đã gọi 6 thanh niên ra giúp chúng tôi. Họ bơi rất giỏi, nhẹ nhàng kéo được 6 bao gạo lên bờ, rồi tập trung đưa thuyền lên nốt. Do bao gạo đã được gói chặt bằng ni lông và bạt nên không bị ngấm nước. Cụ già và các trai bản đã truyền lại cho chúng tôi kinh nghiệm vượt thác Đá và thác Gỗ sau đó.
Một lòng đau đáu Trường Sơn
Chuyến “tiền trạm” đầy hiểm nguy và những lần hạ tải chuyển cả tấn hàng tăng bo qua đoạn sông cạn, kéo thuyền ngược dòng 5-6 km là kỷ niệm sâu sắc không bao giờ quên với người cựu TNXP Trần Quang Nhật... Trong quãng thời gian tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước trên tuyến đường Trường Sơn, ông Nhật còn có nhiều kỷ niệm khác như quá trình tham gia mở đường 20 - Quyết thắng nối Đông Trường Sơn với Tây Trường Sơn.

Trần Quang Nhật (72 tuổi) bây giờ kể về những xúc cảm ngày ấy: “Trong những ngày ấy, thanh niên chúng tôi ai cũng muốn được trở thành Bộ đội Cụ Hồ. Đăng ký mãi không được, tôi tự nhủ mình vào TNXP cũng được. Ngày 15/5/1965, tôi gia nhập vào lực lượng TNXP...”. Ảnh tư liệu
Qua cầu khỉ trên đường Trường Sơn. Ảnh tư liệu.

Ông kể: “Trên tuyến đường 20 - Quyết thắng, tôi được Ban cầu đường phân công làm nhiệm vụ mở đường, bốc vác, làm kho và tạm trú tại phân trạm NH, thuộc Binh trạm 14, Đoàn 559. Tất cả mọi người ở phân trạm đều là bộ đội, chỉ có mỗi tôi là TNXP, sinh hoạt rất bất tiện. Thế là Ban cầu đường đã chuyển tôi sang làm bộ đội... Tôi là bộ đội ở phân trạm NH từ năm 1967 đến lúc bị thương vào tháng 5/1969”.


Đường Trường Sơn theo dòng suối, 1995 - Thuốc nước trên giấy, 64 x 80 cm - họa sĩ Nguyễn Thanh Châu
Đường Trường Sơn theo dòng suối, 1995 - Thuốc nước trên giấy, 64 x 80 cm - Tranh của họa sĩ Nguyễn Thanh Châu.

Đầu hè năm 1969, máy bay Mỹ tăng cường ném bom phá hoại. B52 rải thảm dọc đường Hồ Chí Minh, cày nát bán kính cách đường 2 km. Kho đạn, xăng dầu, quân nhu do phân trạm NH bảo vệ bị trúng bom cháy rừng rực. Ông Nhật và 7 đồng chí của mình đã bị thương trong quá trình cứu kho đạn. Lửa cháy bỏng khắp người ông từ mặt mũi đến tay chân. Từ năm 1969 - 1970, ông Nhật nằm viện từ Trạm xã binh trạm, rồi ra Hương Bình (Hương Khê, Hà Tĩnh), Vĩnh Lộc (Thanh Hóa), rồi xuất ngũ.


Mở đường Trường Sơn. Ảnh tư liệu
Mở đường Trường Sơn. Ảnh tư liệu

Đi học ở Trường Trung cấp Giao thông thủy bộ (Vĩnh Phú) được gần 1 năm thì ông Trần Quang Nhật xin về nhà bởi lúc này bố ông vừa mất, mẹ già yếu, bản thân là con trai một. Năm 1972, ông Nhật về tham gia công tác Đoàn và làm công tác Đảng ở Hợp tác xã Hải Long chuyên đánh bắt cá ở địa phương. Cũng trong năm, ông lập gia đình với cựu TNXP cùng xã. Hai ông bà có với nhau 6 người con, 3 trai và 3 gái... Vì kế sinh nhai, ông Nhật thôi công tác ở Hợp tác xã và cùng anh em mua thuyền, mua lưới đánh cá kiếm sống. Đến năm 2012, vì sức khỏe không còn cho phép, ông bán thuyền nghỉ ngơi, vui cùng con cháu và công tác Hội Cựu TNXP.

Đường Trường Sơn, quãng đời hoạt động TNXP luôn là niềm tự hào bất diệt trong lão ngư Trần Quang Nhật. Khi Ban liên lạc Cựu TNXP rồi Hội Cựu TNXP ra đời, ông Nhật hăng hái tham gia ngay và đến nay ông đã có 3 khóa làm Chủ tịch Hội Cựu TNXP xã Quỳnh Long.

“Hạnh phúc nhất là được gặp lại đồng đội cũ, ôn chuyện hàn huyên những năm tháng không thể nào quên đã qua; thăm hỏi chuyện cuộc sống bây giờ... buồn vui cùng nỗi niềm quá vãng. Nuối tiếc nhất là vì cuộc sống, vì sức khỏe, đến bây giờ tôi vẫn chưa được một lần về thăm lại chiến trường xưa”.

Cựu TNXP Trần Quang Nhật (xã Quỳnh Long, huyện Quỳnh Lưu)

Thanh Sơn