Chánh án TAND tối cao: Chống hành vi dâm ô trẻ em nhưng không tạo rào cản quan hệ xã hội

TTXVN/VIETNAM+ 27/05/2019 15:07

Đây là một trong những nội dung được Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình chia sẻ bên lề Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV sáng 27/5.

Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình trao đổi với báo chí sáng 17-5 bên lề Kỳ họp thứ bảy - Quốc hội khóa XIV.
Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình trao đổi với báo chí sáng 27/5 bên lề Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV.

Liên quan đến Nghị quyết hướng dẫn một số điều của Bộ luật Hình sự về tội hiếp dâm, cưỡng dâm (đặc biệt là dự thảo Nghị quyết hướng dẫn chi tiết việc xác định hành vi giao cấu, dâm ô trẻ em), sáng 27/5, trao đổi với báo chí bên lề Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, ông Nguyễn Hòa Bình - Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao khẳng định, sẽ có những quy định, hướng dẫn cụ thể để xác định hành vi dâm ô.

“Tội hiếp dâm, cưỡng dâm, hành vi giao cấu, dâm ô trẻ em là vấn đề luôn được xã hội hết sức quan tâm. Lẽ ra, khi xây dựng Bộ luật Hình sự, vấn đề này cần được thảo luận kỹ hơn tại Quốc hội. Theo thông lệ của nhiều nước trên thế giới, việc xác định những hành vi này được quy định rõ trong Luật Hình sự, không cần văn bản phải hướng dẫn. Tuy nhiên, hiện nay, Quốc hội giao Tòa án Nhân dân tối cao triển khai Nghị quyết hướng dẫn thì Tòa án Nhân dân tối cao sẽ thực hiện nghiêm túc” - ông Nguyễn Hòa Bình nói.

Với Nghị quyết mà Tòa án Nhân dân tối cao đang dự thảo, hành vi hôn vào những bộ phận, vùng nhạy cảm như bộ phận sinh dục, ngực, vùng mặt, đầu, đùi, mông... trên cơ thể người dưới 16 tuổi mà không nhằm mục đích giao cấu sẽ thuộc vào tội dâm ô.

“Tất cả vẫn đang là dự thảo, chưa phải quyết định cuối cùng. Theo đúng quy trình, sau khi có dự thảo, đơn vị liên quan sẽ phải lấy ý kiến chuyên gia và các nhà khoa học, cán bộ hoạt động thực tiễn trong lĩnh vực này. Khi đăng tải công khai, nội dung dự thảo đã được dư luận, các cơ quan báo chí rất quan tâm” - Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao nhấn mạnh.

Chia sẻ kỹ hơn về vấn đề này, ông Nguyễn Hòa Bình cho biết, đây mới là dự thảo lần thứ nhất. Yêu cầu đặt ra là phải đảm bảo độ chính xác cao, tạo ra được hành lang pháp lý cho cuộc đấu tranh chống hành vi lạm dụng tình dục trẻ em nhưng cũng không tạo ra rào cản cho các quan hệ xã hội thông thường.

Theo ông Nguyễn Hòa Bình, hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao thường được xây dựng trên thực tế xét xử. “Tuy nhiên, Bộ luật Hình sự mới có hiệu lực hơn 1 năm trở lại đây. Thực tiễn xét xử chưa đủ để tổng kết các vướng mắc và ban hành Nghị quyết. Chúng tôi đã tổng kết các vụ án đã xét xử, tham khảo kinh nghiệm quốc tế khi xây dựng dự thảo, đưa ra các quy định, trong đó đảm bảo phù hợp với thuần phong mỹ tục và truyền thống pháp lý của Việt Nam” - Chánh án Nguyễn Hòa Bình khẳng định.

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Hòa Bình cho hay, còn nhiều khoảng trống pháp lý cần tiếp tục bổ sung, làm rõ trong những bản dự thảo tiếp theo, ví dụ như quy định về loạn luân. Về vấn đề này, dự thảo lần thứ nhất đề cập đến khía cạnh cùng huyết thống. Dẫu vậy, trên thực tế, truyền thống đạo đức xã hội của Việt Nam quan niệm vấn đề loạn luân trên diện rộng hơn (xét cả trên mối quan hệ giữa cha dượng với con riêng của vợ, bố chồng với con dâu...).

Trong dự thảo, Tòa án Nhân dân tối cao đã nêu rõ các trường hợp bị quy kết vào tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi quy định tại Điều 146 Bộ luật Hình sự. Theo đó, dâm ô là một trong các hành vi nhằm thỏa mãm nhu cầu tình dục của người phạm tội, nhưng không nhằm mục đích giao cấu hoặc thực hiện các hành vi quan hệ tình dục khác với người dưới 16 tuổi.

Các hành vi dâm ô gồm: Sờ, bóp, hôn vào những bộ phận, vùng nhạy cảm như bộ phận sinh dục, ngực, vùng mặt, đầu, đùi, mông... trên cơ thể người dưới 16 tuổi. Dụ dỗ, ép buộc người dưới 16 tuổi sờ, bóp, hôn vào những vùng nhạy cảm trên cơ thể người phạm tội hoặc người khác.

Cố ý đụng chạm bộ phận cơ thể mình hoặc sử dụng các đồ vật tác động vào các bộ phận, vùng nhạy cảm trên cơ thể người dưới 16 tuổi cũng là hành vi dâm ô.

Các hành vi dâm ô có thể thực hiện trực tiếp hoặc gián tiếp, ví dụ qua lớp quần áo.

TTXVN/VIETNAM+