Đô Lương khánh thành công trình tu bổ phần mộ Uy Minh Vương Lý Nhật Quang

CTV 28/05/2019 22:07

(Baonghean.vn) -Tại buổi lễ, lãnh đạo huyện Đô Lương cho biết, thời gian tới huyện sẽ tiếp tục kêu gọi các đơn vị doanh nghiệp đóng góp kinh phí, xây dựng đền Quả Sơn trở thành một trong những điểm đến tâm linh của nhân dân và du khách.

Chiều 28/5 tại đền thờ Uy Minh Vương – Lý Nhật Quang, huyện Đô Lương tổ chức lễ khánh thành tu bổ, tôn tạo phần mộ Uy Minh Vương – Lý Nhật Quang.

Phần mộ Uy Minh Vương ở Đô Lương vừa được tôn tạo.

Công trình được khởi công xây dựng đầu năm 2018 đến nay đã hoàn thành do một công ty trên địa bàn huyện cung tiến toàn bộ kinh phí với số tiền 950 triệu đồng.

Tại buổi lễ, lãnh đạo huyện Đô Lương cho biết, thời gian tới huyện sẽ tiếp tục kêu gọi các đơn vị doanh nghiệp đóng góp kinh phí, xây dựng các hạng mục khác để xây dựng đền Quả Sơn trở thành một trong những điểm đến tâm linh của nhân dân và du khách.

Uy Minh Vương Lý Nhật Quang là con trai thứ 8 của Vua Lý Thái Tổ, từ nhỏ nổi tiếng thông minh, 8 tuổi biết làm thơ, 10 tuổi tìm hiểu kinh sử. Ông được vua cha và hoàng tộc chăm lo dạy dỗ để sớm thành rường cột nước nhà.

Năm 1039, ông được Lý Thái Tông cử vào châu Nghệ An lo việc thu thuế. Tại đây, Lý Nhật Quang làm việc cần mẫn, thu đủ số thuế được giao và không như các vị tiền nhiệm hà lạm thuế của dân nên được tiếng là thanh liêm, chính trực.

Năm 1041, xét thấy Lý Nhật Quang là người tin cẩn, Lý Thái Tông phong ông làm Tri châu Nghệ An - tước hiệu là Uy Minh hầu. Lúc này, Nghệ An là một vùng biên ải phía Nam của nước Đại Việt, việc quản lý còn lỏng lẻo. Nhiều cuộc nổi dậy ở địa phương có tính chất phản loạn, gây sự phiền nhiễu cho nhân dân, triều đình phải nhiều phen dẹp loạn. Nhưng sau khi Lý Nhật Quang được cử làm Tri châu, tình hình xã hội ở Nghệ An dần dần ổn định, kỷ cương phép nước được lập lại.


Lý Nhật Quang hết sức coi trọng việc phát triển kinh tế, khuyến khích, hướng dẫn nhân dân mở mang nghề nghiệp, khai thác mọi tiềm năng của vùng đất xứ Nghệ. Cùng với việc chiêu dân, khai hoang, lập ấp, ông còn dạy cho dân chúng nghề nông trang, dệt lụa, dệt vải... Ông trở thành tổ sư của nhiều ngành nghề thủ công nghiệp ở Nghệ An.

Lý Nhật Quang đã chọn vùng Bạch Đường (nay gồm 3 xã: Ngọc Sơn, Lam Sơn, Bồi Sơn - huyện Đô Lương) - là nơi có vị trí trung tâm của cả châu, công thủ đều thuận lợi - để xây dựng lỵ sở. Các vùng Khe Bố, Cự Đồn (Con Cuông), Nam Hoa (Nam Đàn), Hoàng Mai (Quỳnh Lưu), Công Trung (Yên Thành), Vinh, Nghi Xuân, Kỳ Anh (Hà Tĩnh)... là do ông chiêu dân lập ấp, khai khẩn đất hoang.
Hiện vẫn còn nhiều giả thuyết về cái chết của Lý Nhật Quang. Thần phả đền Quả Sơn viết rằng Lý Nhật Quang hi sinh trong trận chiến với giặc, ông qua đời vào ngày 17 tháng 8 năm 1057 tại núi Quả.

Theo thống kê, tại Nghệ An, Hà Tĩnh và Thanh Hóa, có hơn 50 đền thờ Lý Nhật Quang, Trong đó ngôi đền chính nổi bật nhất là đền Quả Sơn tại huyện Đô Lương với lễ hội tạ ơn bà Bụt vào ngày 19 đến 21 tháng Giêng hàng năm.

CTV