Buồn vui những câu chuyện hòa giải
(Baonghean.vn) - Mỗi vụ việc gắn với mỗi hoàn cảnh, con người khác nhau và nhiều trường hợp đã để lại cho các hòa giải viên ngoài niềm vui giúp người dân giải quyết được vụ việc thì còn có những trăn trở, day dứt...
Những câu chuyện hòa giải
Từ tháng 12/2019, ông Trần Huy Lợi tham gia làm việc tại Trung tâm hòa giải, đối thoại tại Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An. Ông Lợi nguyên là Chánh tòa kinh tế Tòa án nhân dân tỉnh. Từ đó đến nay, ông đã tham gia hòa giải, đối thoại thành công hàng trăm vụ việc. Mỗi vụ việc gắn với mỗi hoàn cảnh, con người khác nhau và nhiều trường hợp đã để lại cho ông những cảm nhận sâu sắc, đặc biệt là ý nghĩa của công việc mình đang làm và khẳng định những ưu điểm của các Trung tâm hòa giải, đối thoại.
Một trong số vụ việc khiến ông Lợi nhớ mãi là vụ kiện đòi chia di sản thừa kế giữa anh H.T.X với mẹ kế là bà Đ.T.H ở xã Nghi Phú, TP Vinh. Sau khi bố mẹ anh H.T.X ly hôn, bố anh X lấy bà Đ.T.H và có 1 người con chung. Trong quá trình sinh sống, giữa anh H.T.X và bà Đ.T.H có mâu thuẫn, anh X. không chấp nhận bà H là mẹ kế. Năm 2016, bố anh X chết, tài sản được hình thành trong thời kỳ hôn nhân giữa bố anh X và bà H gồm một căn nhà 2 tầng nằm trên thửa đất 109 m2.
Cán bộ Trung tâm hòa giải, đối thoại tại Tòa án nhân dân tỉnh tư vấn cho người dân. Ảnh: Đức Cường |
Tháng 2/2018, anh X làm đơn gửi đến Tòa án nhân dân thành phố Vinh yêu cầu chia di sản thừa kế của bố anh để lại bằng 1/2 giá trị tài sản trên. Tòa án nhân dân thành phố Vinh gửi hồ sơ đến Trung tâm hòa giải để giải quyết. Trong quá trình hòa giải, bà H cho rằng tài sản là do bà và bố anh X hình thành trong thời kỳ hôn nhân, nên không chấp nhận chia cho anh X. Hai bên giữ nguyên quan điểm và không thống nhất về giá trị chia tài sản. Hòa giải viên đã đến Trung tâm quản lý đất và phòng tài chính để tham khảo giá cả; đến gặp chính quyền cơ sở để tìm hiểu thêm về giá trị giá cả thị trường tại thời điểm hòa giải. Đồng thời cũng đến tận nhà riêng từng đương sự để giải thích các quy định của pháp luật và các yếu tố liên quan.
Sau đó, qua 3 lần mời các đương sự đến Trung tâm hòa giải để làm việc, hòa giải viên Trần Huy Lợi đã thuyết phục được hai bên đi đến thống nhất, bà H đồng ý giao lại giá trị di sản thừa kế phần của anh X bằng tiền mặt, được thực hiện trong 2 tháng. Chi phí hòa giải là 300 nghìn đồng. Nhờ hòa giải thành mà hai bên không phải kéo nhau ra tòa nhưng vẫn có phán quyết của tòa án, lại giúp giảm thiểu chi phí và thời gian giải quyết (nếu ra tòa thì mỗi bên phải mất án phí là 5% giá trị tài sản tranh chấp). Sau khi hòa giải thành, những người được hưởng di sản thừa kế không chỉ được nhận lại quyền lợi về vật chất mà còn được gỡ “nút thắt” mâu thuẫn về mặt tinh thần.
Từ chỗ hai bên chưa chia sẻ cùng nhau, mất đoàn kết sâu sắc kéo dài, đã trở nên gần gũi, thân thiện hơn.
Hình minh họa intenet |
Ở một trường hợp khác, đầu năm 2019, ông Mai Lê Danh ở xã Quỳnh Hậu, huyện Quỳnh Lưu khởi kiện lãnh đạo huyện về việc bồi thường giải phóng mặt bằng thửa đất liên quan đến dự án mở rộng Quốc lộ 1A. Ông Danh có lô đất 180m2 dọc Quốc lộ 1A được đền bù một phần, tuy nhiên do Nhà nước chưa có kinh phí cấp về nên chính quyền chưa thực hiện giải ngân được. Ông Danh cho rằng chính quyền huyện có khuất tất trong quá trình giải quyết quyền lợi cho gia đình ông nên đã khiếu kiện đến các cấp, ngành và tòa án.
Tuy nhiên, Trung tâm hòa giải, đối thoại của Tòa án nhân dân tỉnh đã 2 lần kết nối, mời các bên đương sự gồm ông Danh và đại diện UBND huyện Quỳnh Lưu, các ban, ngành liên quan cùng ngồi bàn tròn đối thoại, tạo cơ hội cho hai bên trao đổi, giải thích, làm rõ những khúc mắc. Kết quả, các đương sự đã thông suốt, ông Danh đồng ý rút đơn, không tiếp tục khiếu kiện kéo dài nữa.
Còn hòa giải viên Nguyễn Thị Hường, cũng nguyên là Chánh tòa kinh tế Tòa án nhân dân tỉnh, lại trăn trở với những câu chuyện hòa giải mâu thuẫn gia đình, chủ yếu là các vụ việc liên quan ly hôn. Một lần, hòa giải vụ người vợ đòi ly hôn chồng khi mà cả hai đã ly thân, người con gái ở với bà ngoại, còn chồng thì về quê ở Nam Đàn, vợ đi theo người khác. Song khi nộp đơn xin ly hôn, người vợ khai là chưa có con cái. Phải vất vả lắm mới mời được hai đương sự ngồi lại với nhau để đối thoại, hòa giải. Sau một thời gian đối thoại, hai bên quyết định ly hôn và thừa nhận có con chung. Hồ sơ ly hôn được Trung tâm gửi lên tòa án công nhận và có hiệu lực pháp luật, không cần phải mở phiên tòa xét xử.
Khi được hỏi rằng “Nếu bố mẹ ly hôn thì con muốn ở với bố hay với mẹ?”, đứa bé con của hai vợ chồng trên đã òa khóc nức nở vì sợ phải xa bà ngoại. Bà Hường cho biết, những giọt nước mắt của cô bé khiến bà nhớ mãi, day dứt bởi có những người làm cha làm mẹ sinh con ra nhưng lại để con cái thiếu thốn tình cảm, lại còn mang gánh nặng cho cha mẹ mình... Là cha mẹ mà con trẻ lại phải lo sợ khi phải ở với mẹ, điều đó quả thực là bi kịch không đáng có.
Giảm áp lực án gia tăng tại tòa
Biểu đồ kết quả hoạt động của các trung tâm hòa giải, đối thoại tại tòa án 2 cấp trên địa bàn tỉnh. Kỹ thuật: Hoài Thu |
Hòa giải viên Nguyễn Thị Hường cho hay, đối với các vụ việc liên quan hôn nhân gia đình cũng như các vụ việc ở lĩnh vực khác, sau khi hòa giải thành công thì trung tâm hòa giải sẽ hoàn tất các thủ tục pháp lý, gửi tòa án ra công nhận kết quả hòa giải theo quy định của pháp luật mà không phải mở phiên tòa xét xử. Bên cạnh đó, nhiều trường hợp gửi đơn xin ly hôn đến tòa án, nhưng qua hòa giải viên kết nối, gặp gỡ, đối thoại các cặp vợ chồng đã hóa giải được mâu thuẫn và đồng ý rút đơn.
Ông Hồ Đình Trung - Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh cho biết, từ tháng 12/2018 đến nay, các trung tâm hòa giải tỉnh Nghệ An đã thụ lý 2.022 đơn, trong đó nhiều vụ việc tranh chấp tài sản, tranh chấp thừa kế rất phức tạp; nhiều vụ án ly hôn đã được hòa giải thành hàn gắn được hạnh phúc của nhiều cặp vợ chồng. Kết quả công tác hòa giải, đối thoại đã có hiệu quả xã hội tích cực, giải quyết được tranh chấp nhanh chóng, bền vững, tiết kiệm được rất nhiều thời gian, kinh phí tiến hành và tham gia tố tụng của cả cơ quan nhà nước cũng như các đương sự.
Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh cho biết, ngoài ý nghĩa xã hội, kết quả hòa giải cũng có tác động tích cực, hiệu quả trong việc giảm áp lực gia tăng án tại các cơ quan tòa án, giảm được số vụ việc thụ lý xét xử kéo dài thời gian giải quyết theo quy định tố tụng.
Thống kê số vụ việc dân sự hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của các tòa án có trung tâm thí điểm từ ngày 12/2018 – 5/2019 là 2.941 vụ, tăng 916 vụ so với cùng kỳ năm 2018, tương đương 45%. Tuy nhiên, trong số đó đã có 1.097 vụ việc hòa giải thành tại trung tâm hòa giải. Số vụ việc này tòa án thụ lý nhưng không phải thực hiện các bước tố tụng, mà chỉ tiến hành công nhận kết quả hòa giải ngoài tòa án và ra quyết định công nhận.