Tăng cường quản lý buôn bán sản phẩm lợn ở Tương Dương
(Baonghean.vn) - Huyện Tương Dương (Nghệ An) là một trong những huyện nằm giữa tâm dịch trên quốc lộ 7A. Điều đó khiến người tiêu dùng ở huyện miền núi này tâm lý lo lắng, vì vậy, chính quyền địa phương tăng cường siết chặt quản lý công tác giết mổ, buôn bán sản phẩm lợn.
Xã biên giới Mai Sơn (Tương Dương) nằm sát huyện Kỳ Sơn nơi đã có 11 xã xảy ra dịch tả lợn châu Phi. Chính vì vậy, thời gian gần đây, người dân ở đây khó khăn trong việc chọn mua thịt lợn.
Huyện Tương Dương tăng cường công tác tuyên truyền đến các hộ dân về cách phòng chống dịch tả lợn châu Phi. Ảnh: May Huyền |
Đó cũng là thực trạng chung của người dân huyện miền núi Tương Dương trước “cơn bão” dịch tả lợn châu Phi đang phát tán với tốc độ nhanh trên địa bàn tỉnh.
Với một số xã vùng sâu, vùng xa của huyện Tương Dương, từ trước tới nay, các loại thực phẩm phục vụ nhu cầu ăn uống của người dân hàng ngày chủ yếu thông qua những chuyến xe hàng rong. Vì thế, trong khi dịch tả lợn châu Phi đang lây lan rộng, chính quyền các xã thắt chặt hơn trong khâu kiểm soát những xe hàng rong ra vào địa bàn.
Cơ quan chức năng của huyện Tương Dương kiểm tra sản phẩm lợn bán tại các chợ trên địa bàn huyện. Ảnh: May Huyền |
Ông Vi Văn Miên – Phó Chủ tịch UBND xã Tam Đình (Tương Dương) cho biết: Đề phòng với sản phẩm thịt lợn bán rong, xã thường xuyên tổ chức kiểm tra, đề nghị những người làm nghề bán hàng rong đăng ký với địa phương bán thực phẩm rõ nguồn gốc. Khi có dấu hiệu bán thực phẩm bẩn, xã sẽ xử lý ngay.
Mặc dù dịch tả lợn châu Phi chưa xảy ra trên địa bàn Tương Dương, nhưng mức tiêu thụ thịt lợn trên địa bàn huyện có giảm, song giá cả không thay đổi nhiều. Hiện thịt lợn ở Tương Dương có giá từ 100 - 120 nghìn đồng/kg.
Người dân bản Can, xã Tam Thái, huyện Tương Dương phun hóa chất khử trùng phòng bệnh cho đàn lợn. Ảnh: Xuân Hoàng |
Ông Mai Văn Hoàng – Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Tương Dương cho hay: Trên địa bàn huyện hiện có gần 29 nghìn con lợn. Cơ quan thú y huyện đã tổ chức ký cam kết với chủ hộ không mổ lợn không rõ nguồn gốc. Đồng thời tuyên truyền rõ về các biện pháp phòng chống dịch tả lợn châu Phi và những cách lựa chọn nguồn thực phẩm an toàn”./.