Truy trách nhiệm, ngăn chặn 'rút ruột' tài nguyên quặng thạch anh
(Baonghean) - Việc để quặng thạch anh - tài nguyên có giá trị cao bị “rút ruột” trong một thời gian dài ở xã biên giới Thanh Sơn (Thanh Chương), cần phải truy xét trách nhiệm các tổ chức, cá nhân liên quan; đồng thời, quản lý chặt chẽ, không để tài nguyên quý này tiếp tục “chảy máu”.
Ai đã thiếu trách nhiệm trước tình trạng khai thác quặng thạch anh trái phép ở khu vực biên giới?
(Baonghean.vn) - Trước tình trạng khai thác quặng thạch anh trái phép, Sở TN&MT và UBND huyện Thanh Chương đã có văn bản về vụ việc.
Ngày 5/6/2019, Báo Nghệ An điện tử đưa thông tin “khoáng tặc” hoành hành ở bản Nhạn Cán, xã biên giới Thanh Sơn (bài viết “Nghệ An: Đột nhập “mỏ” quặng thạch anh trái phép ở khu vực biên giới Việt - Lào”). Cùng ngày, Sở TN&MT có Văn bản số 3089/STNMT-KS gửi UBND huyện Thanh Chương về việc xử lý tình trạng khai thác khoáng sản trái phép tại xã Thanh Sơn (văn bản này đồng thời được gửi đến UBND tỉnh và các cơ quan liên quan).
Tại văn bản này, Sở TN&MT đề nghị UBND huyện Thanh Chương tăng cường công tác quản lý khoáng sản trên địa bàn, chấm dứt tình trạng khai thác khoáng sản trái phép. Đồng thời, xử lý các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.
Cũng trong ngày 5/6/2019, UBND huyện Thanh Chương có Văn bản hỏa tốc số 852/UBND-TNMT gửi Công an huyện, Đồn Biên phòng Ngọc Lâm và UBND xã Thanh Sơn để chỉ đạo xử lý hoạt động khai thác khoáng sản trái phép.
Biên bản Tổ công tác Sở TN&MT lập tại hiện trường và văn bản hỏa tốc của UBND huyện Thach Chương chỉ đạo các cơ quan xử lý hoạt động khoáng sản trái phép ở xã Thanh Sơn. Ảnh: PV |
Với UBND xã Thanh Sơn, yêu cầu tổ chức lực lượng giải tỏa, chấm dứt hoạt động khai thác khoáng sản trái phép, phục hồi môi trường khu vực đã khai thác trái phép; tạm giữ và quản lý phương tiện khai thác, vận chuyển trái phép chờ cơ quan có thẩm quyền giải quyết; tổ chức họp, kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc để xảy ra hoạt động khai thác khoáng sản trái phép trong thời gian dài mà chậm xử lý, xử lý không dứt điểm, không báo cáo sự việc xảy ra cho UBND huyện Thanh Chương để chỉ đạo xử lý kịp thời...
Với Đồn Biên phòng Ngọc Lâm, tăng cường công tác kiểm tra người và phương tiện hoạt động trong khu vực biên giới. Nếu phát hiện có vi phạm thì xử lý theo quy định của pháp luật.
Đối với Công an huyện, điều tra, xác minh và tham mưu xử lý các vi phạm của tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động khai thác khoáng sản trái phép, vận chuyển và kinh doanh khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp tại xã Thanh Sơn theo quy định của pháp luật.
Đồng thời, làm rõ thông tin phản ánh của UBND xã Thanh Sơn đã báo cáo Công an huyện và Công an huyện đã vào kiểm tra nhưng không được xử lý dứt điểm.
Chủ tịch UBND xã Thanh Sơn Lữ Văn Đương (bên phải) nghiên cứu biên bản trước khi ký. Ảnh: P.V |
Như Báo Nghệ An thông tin tại phóng sự điều tra “Bất động trước khoáng tặc thạch anh” (nhật báo Nghệ An số ra ngày 6/6/2019), khi được hỏi về trách nhiệm, đại diện chính quyền và Công an xã Thanh Sơn đã nói rằng họ “bất lực”. Và rằng, đã có báo đến cơ quan cấp trên về tình trạng khai thác khoáng sản trái phép. Qua xác minh, khẳng định chính quyền xã Thanh Sơn chưa thành khẩn.
Bằng chứng là xã này từng có văn bản báo cáo UBND huyện Thanh Chương, trong đó khẳng định đã thực hiện kiểm tra (ngày 26/12/2018) nhưng không phát hiện hoạt động khai thác khoáng sản trái phép (Văn bản số 107/BC-UBND.ĐC ngày 27/12/2019 về việc kiểm tra xử lý các trường hợp hoạt động khoáng sản (khai thác đá trắng) trái phép trên địa bàn xã).
Dù vậy, rất cần làm rõ phản ánh của UBND xã Thanh Sơn là “đã báo cáo Công an huyện và Công an huyện đã vào kiểm tra nhưng không được xử lý dứt điểm” như UBND huyện chỉ đạo. Bởi nội dung này, chính quyền và Công an xã Thanh Sơn không chỉ thông tin với các PV Báo Nghệ An, mà còn được Tổ công tác Sở TN&MT đưa vào biên bản được lập tại hiện trường ngày 4/6/2019, đó là: “Theo báo cáo của ông Lô Văn Mão - Trưởng Công an xã - đã báo cáo Công an huyện (đã vào kiểm tra) nhưng không được xử lý dứt điểm”.
Bên cạnh đó, cần xem xét vai trò của lực lượng biên phòng quản lý địa bàn biên giới xã Thanh Sơn. Bởi với thực trạng hết sức nhức nhối đã diễn ra, lực lượng này không thể đứng ngoài trách nhiệm...
“Theo báo cáo của ông Lô Văn Mão - Trưởng Công an xã - đã báo cáo Công an huyện (đã vào kiểm tra) nhưng không được xử lý dứt điểm”.
Phương tiện máy xúc của khoáng tặc sử dụng khai thác quặng thạch anh. Ảnh: P.V |
Từ vụ việc này, ngoài truy xét trách nhiệm để xử lý nghiêm theo quy định pháp luật các tổ chức, cá nhân có liên quan, cấp thẩm quyền cần chỉ đạo cơ quan chuyên ngành khảo sát, đánh giá đầy đủ về loại tài nguyên quý này. Khảo sát không chỉ ở khu vực xã Thanh Sơn, Thanh Chương mà toàn vùng biên giới Việt - Lào để quản lý chặt chẽ, không để tiếp tục xảy ra tình trạng “chảy máu” tài nguyên!