Xây dựng đội ngũ “trinh sát” trên mặt trận truyền thông
(Baonghean) - Trao đổi của ông Lê Văn Nghiêm - Nguyên Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại, Bộ Thông tin và Truyền thông với Báo Nghệ An về giải quyết khủng hoảng truyền thông (KHTT) ở các cơ quan nhà nước.
Phóng viên: Thưa ông! KHTT đang trở thành mối đe dọa, nguy cơ phát sinh nhiều hệ lụy đối với cơ quan nhà nước các cấp, nhất là trong bối cảnh hiện nay công chúng và dư luận xã hội dễ đẩy KHTT trở thành điểm nóng phát sinh các vấn đề về an ninh trật tự. Xin ông cho biết, nguyên nhân và cách giải quyết KHTT?
Ông Lê Văn Nghiêm: KHTT đối với cơ quan nhà nước đó là tình huống cơ quan nhà nước trở thành tâm điểm của truyền thông một cách không mong muốn và có nguy cơ làm tổn hại đến hình ảnh và uy tín của cơ quan nhà nước, thủ trưởng cơ quan đó. KHTT xuất hiện khi các sự cố không mong muốn như thiên tai, dịch bệnh, thảm họa môi trường, hỏa họa, tai nạn giao thông, tai nạn lao động; hoặc các hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức, sai sót, yếu kém trong thi hành công vụ hoặc hành vi tiêu cực tham nhũng, lãng phí xảy ra..., được dư luận quan tâm đặc biệt và lan truyền nhanh trên mạng xã hội, các tờ báo trong nước và báo chí nước ngoài, nhưng cơ quan nhà nước chưa lên tiếng hoặc người phát ngôn đã cung cấp thông tin song chưa rõ ràng, chưa có sự giải thích đầy đủ, thuyết phục.
Các sự cố không mong muốn xuất hiện trên mạng xã hội, các tờ báo trong nước và nước ngoài đã gây nên khủng hoảng truyền thông (Hình ảnh tư liệu chỉ có tính minh họa) |
Khi thông tin không được cung cấp đầy đủ, kịp thời từ phía các cơ quan nhà nước thì dẫn đến các thông tin về các sự cố, sự việc, vấn đề xảy ra dễ bị nhiễu, thêm thắt, thiếu chính xác; thậm chí bịa đặt và đưa ra những ý kiến, bình luận thiếu văn hóa và căn cứ từ một lực lượng không thiện chí. Điều này làm cho KHTT phức tạp thêm và khó giải quyết hơn.
"Nguyên nhân đó là hiện nay, các cơ quan nhà nước đang thiếu một bộ máy “phòng cháy, chữa cháy” truyền thông chuyên nghiệp; nghĩa là các cơ quan nhà nước và thủ trưởng các cơ quan chưa có đội ngũ tham mưu phòng ngừa KHTT, xử lý KHTT bài bản và đúng cách. Và thực tiễn thời gian qua, khi KHTT xảy ra thông thường các cơ quan nhà nước đang lúng túng trong ứng phó và giải quyết".
Phóng viên: Để giải quyết tốt KHTT, mỗi cơ quan nhà nước các cấp cần phải có những giải pháp, biện pháp gì, thưa ông?
Ông Lê Văn Nghiêm: Như chúng ta đã biết, KHTT phía sau đó là khủng hoảng chính trị, khủng hoảng lòng tin của người dân, ảnh hưởng đến việc đảm bảo trật tự an toàn… Chính vì lẽ đó, khi KHTT xảy ra, yêu cầu đầu tiên đối với các cơ quan nhà nước cần phải nhạy bén và sớm nhận biết được KHTT khi nó vừa mới xuất hiện, giống như khi xảy ra hỏa hoạn, nếu phát hiện được càng sớm thì xử lý dễ hơn, ngược lại nếu phát hiện chậm thì xử lý càng khó khăn và tác động tiêu cực của nó là rất lớn. Muốn phát hiện sớm thì cần thiết phải có chế độ và bộ phận chuyên trách “trinh sát” trên mặt trận truyền thông nhằm theo dõi, tổng hợp dư luận xã hội thường xuyên trên mạng xã hội và qua báo chí để phát hiện sớm sự cố KHTT. Hoặc các cơ quan nhà nước có thể thuê dịch vụ truyền thông, tư vấn truyền thông để họ theo dõi dư luận xã hội một cách thường xuyên và liên tục.
Ông Lê Văn Nghiêm trao đổi với các phóng viên, nhà báo về chuyên đề khủng hoảng truyền thông. Ảnh: Đào Tuấn |
Yêu cầu thứ 2 đối với các cơ quan nhà nước khi KHTT thì phải làm chủ tình hình, đánh giá được quy mô, tính chất, mức độ, phạm vi, từ đó có giải pháp xử lý phù hợp. Về mặt truyền thông, cơ quan nhà nước cần xác định đầu mối cung cấp thông tin và công bố danh tính đầu mối đó trên cổng thông tin điện tử hoặc trang web của cơ quan, tạo thuận lợi cho các cơ quan báo chí tiếp cận thông tin. Mặt khác, các cơ quan nhà nước phải chủ động thông tin sớm với thái độ cởi mở, công khai, không che giấu thông tin, bưng bít thông tin hoặc từ chối cung cấp thông tin. Bởi khi KHTT xảy ra thì nhu cầu thông tin của nhân dân tăng vọt và nếu chủ động thông tin sớm, rộng rãi, giải thích cặn kẽ cho nhân dân thì các cơ quan nhà nước đã chiếm lĩnh “trận địa” thông tin, đồng nghĩa là những thông tin thiếu chuẩn xác, sai lệch hoặc quy kết thiếu căn cứ, xuyên tạc, vu khống sẽ được triệt tiêu và giải tỏa.
Về phía thủ trưởng các cơ quan cần thể hiện trách nhiệm, sẵn sàng thừa nhận sai phạm, khuyết điểm nếu có, nhận trách nhiệm của cá nhân mình và cấp dưới. Thủ trưởng các cơ quan nhà nước cũng cần thể hiện được năng lực của mình khi xảy ra KHTT thông qua sâu sát thực tiễn, nắm chắc vấn đề thực tế, cập nhật thông tin và có hướng xử lý, khắc phục với tinh thần cầu thị, biết lắng nghe và tiếp thu dư luận.
"Việc xử lý tốt khủng hoảng truyền thông là một trong những thước đo về bản lĩnh, năng lực điều hành của cơ quan nhà nước và người đứng đầu cơ quan nhà nước đó".
Lực lượng chức năng TP. Vinh tiến hành cưỡng chế thu hồi đất để thực hiện dự án đường 72m. Ảnh tư liệu: Khánh Ly |
Phóng viên: Vậy, vai trò của báo chí trong xử lý KHTT đối với các cơ quan nhà nước như thế nào, thưa ông?
Ông Lê Văn Nghiêm: Các giải pháp, biện pháp của cơ quan nhà nước áp dụng để xử lý KHTT, như đăng thông cáo báo chí hoặc bài viết, trả lời phỏng vấn, tổ chức họp báo, cập nhật tiến độ giải quyết…, đều được thực hiện thông qua các công cụ, phương tiện truyền thông, từ cổng thông tin điện tử, đến các trang web, trang facebook cá nhân và các cơ quan báo chí, như đăng thông cáo báo chí hoặc bài viết, trả lời phỏng vấn, tổ chức họp báo.
Như vậy, báo chí có vai trò cùng đồng hành và là những người trong cuộc giúp các cơ quan nhà nước giải quyết KHTT thông qua việc tư vấn giúp các cơ quan nhà nước về các biện pháp, giải pháp truyền thông để giải quyết một cách hiệu quả nhất; đồng thời giúp cơ quan nhà nước đăng tải các thông tin phát ngôn, tiến độ giải quyết liên quan đến sự cố xảy ra một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất. Mặt khác, báo chí cũng được coi là lực lượng truyền thông chuyên nghiệp cho các cơ quan nhà nước.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay, một số cơ quan và thủ trưởng một số cơ quan chưa nhận thức đúng vai trò của cơ quan báo chí là bạn đồng hành, đối tác chiến lược giúp cơ quan và thủ trưởng cơ quan xử lý sự cố KHTT; ngược lại coi các cơ quan báo chí là lực lượng gây khó dễ cho mình nên không chủ động cung cấp thông tin cho báo chí để cùng đồng hành tham gia, mà đang “đơn phương độc mã” giải quyết KKTT. Kể cả Nghị định số 09/2017/NĐ-CP, ngày 9/2/2017 quy định chi tiết việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan hành chính nhà nước, thì thủ trưởng nhiều cơ quan, bao gồm các sở, ngành cấp tỉnh và UBND cấp huyện cũng chưa nhận thức và hiểu đúng trách nhiệm phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí của mình mà đang còn “khoán trắng” cho cấp phó hoặc Chánh văn phòng cơ quan, địa phương làm thay. Đó là những vấn đề mà các cơ quan nhà nước cần khắc phục, để đảm bảo mọi thông tin được chủ động công khai sớm đến với cơ quan báo chí cùng vào cuộc, đồng hành xử lý KHTT.
Về phía các cơ quan báo chí cần có trách nhiệm giữ đúng vai trò, sứ mệnh mà Đảng và nhân dân giao phó để nâng cao hiệu quả thông tin, thực sự là chỗ dựa cho các cơ quan quản lý nhà nước trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo cũng như xử lý các vấn đề bất cập, bức xúc xảy ra, tránh tình trạng cơ quan báo chí và nhà báo đi ngược lại tôn chỉ, mục đích hoạt động của mình để các cơ quan nhà nước “ke” và “cảnh giác” với mình.
Phóng viên: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!