Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An góp ý dự án Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi)
(Baonghean.vn) - Sáng 13/6, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, Quốc hội thảo luận dự án Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi). Các thành viên Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An đã đóng góp một số ý kiến vào dự luật này.
Trung tướng Nguyễn Doãn Anh - Tư lệnh Quân khu IV, đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An phát biểu tại phiên thảo luận của Quốc hội ngày 13/6. Ảnh: CTV |
Tên gọi luật có tính lịch sử và kế thừa
Phát biểu tại phiên thảo luận, Thiếu tướng Nguyễn Doãn Anh - Tư lệnh Quân khu IV, đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An khẳng định tên gọi Luật Dân quân tự vệ là hoàn toàn phù hợp, đúng bản chất hoạt động của lực lượng dân quân tự vệ, vừa có tính lịch sử, vừa có tính kế thừa.
Đại biểu lý giải, dân quân tự vệ ngày nay tiền thân là đội tự vệ được thành lập theo Nghị quyết về đội tự vệ và được thông qua ngày 28/3/1935, tại Đại hội Đảng lần thứ nhất tổ chức tại Macao - Trung Quốc. Trải qua các thời kỳ cách mạng, lực lượng dân quân tự vệ được xây dựng, chiến đấu và phát triển không ngừng với những tên gọi Tự vệ đỏ, Du kích dân quân và hiện nay là Dân quân tự vệ.
Có thể nói, từ ngày đầu thành lập cũng như hiện nay, về bản chất, vị trí, chức năng, nhiệm vụ của lực lượng này được tổ chức ở xã, phường hay cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp luôn được xác định thống nhất. Dân quân tự vệ là tổ chức vũ trang quần chúng, không thoát ly sản xuất, công tác, là thành phần của lực lượng vũ trang nhân dân, là lực lượng bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân, tài sản của Nhà nước, làm nòng cốt cùng toàn dân đánh giặc ở địa phương, cơ sở khi có chiến tranh.
Bên cạnh đó, tên gọi dự thảo Luật Dân quân tự vệ là kế thừa tên gọi của lực lượng này đã được sử dụng thống nhất trong nhiều văn kiện của Đảng, các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước, gần đây nhất là Chỉ thị số 16 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với lực lượng dân quân tự vệ và lực lượng dự bị động viên trong tình hình mới và quy định tại Điều 66 Hiến pháp năm 2013 cũng như Luật Dân quân tự vệ năm 2009, Luật Quốc phòng năm 2018 và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Dân quân tự vệ xã An Hòa, huyện Quỳnh Lưu tham gia xây dựng nông thôn mới. Ảnh tư liệu: Trọng Kiên |
Biên độ rộng về độ tuổi, thời hạn dân quân tự vệ là phù hợp
Đại biểu Nguyễn Thanh Hiền - Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh cho rằng, quy định về độ tuổi và thời hạn thực hiện nhiệm vụ tham gia dân quân tự vệ, tại Điều 8 trong dự thảo luật là cơ bản kế thừa các quy định của Luật Dân quân tự vệ năm 2009.
Thực tế cho thấy, nếu lực lượng thanh niên trong độ tuổi nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ không bị thu hút đến các khu đô thị, các khu công nghiệp, khu chế xuất, đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động, giải quyết mối quan hệ cung - cầu trong lao động thì việc hạ thấp độ tuổi thực hiện nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ và thời hạn thực hiện nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ vừa đảm bảo nguồn nhân lực trẻ, khỏe cho lực lượng dân quân tự vệ, vừa giảm bớt gánh nặng nghĩa vụ cho công dân là cần thiết.
Tuy nhiên, hiện nay ở nước ta, do số lượng thanh niên dịch chuyển đến nơi có cơ hội việc làm ngày càng nhiều, số lượng doanh nghiệp Nhà nước ngày càng giảm, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ngày càng phát triển. Số lao động đi xuất khẩu cũng tăng lên dẫn đến ở nhiều khu vực nông thôn, miền núi, lực lượng thanh niên ở lại rất ít nên gặp khó khăn về nguồn bổ sung cũng như bảo đảm cho sự ổn định của lực lượng dân quân tự vệ.
Trong bối cảnh đó, để bảo đảm tổ chức và hoạt động của dân quân tự vệ có chất lượng và có hiệu quả thì về độ tuổi và thời hạn thực hiện nghĩa vụ dân quân tự vệ quy định về biên độ rộng như trong dự thảo, trên cơ sở kế thừa quy định đã được thực tiễn kiểm nghiệm của Luật Dân quân tự vệ hiện hành là phù hợp.
Về đăng ký quản lý dân quân tự vệ tại Điều 9, đại biểu Nguyễn Thanh Hiền cho rằng dự thảo luật đã bổ sung một số quy định để mang tính tích cực, tạo thuận lợi cho công dân. Đó là quy định Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, người đứng đầu cơ quan, tổ chức căn cứ vào kết quả đăng ký nghĩa vụ quân sự để lập danh sách công dân đủ 18 tuổi thực hiện nghĩa vụ dân quân tự vệ thay vì yêu cầu công dân đến đăng ký như trước đây.
Tuy nhiên, tại Khoản 2 quy định thay đổi nơi cư trú, Khoản 6 quy định thời gian tạm vắng từ 3 tháng trở lên, đại biểu đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu để quy định theo hướng tạo thuận lợi hơn cho công dân khi Nhà nước chuẩn bị vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Theo đó, khi công dân đến đăng ký tạm trú hoặc thường trú của chính quyền địa phương thì kết hợp giải quyết luôn những vấn đề về nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ.