Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Phát triển đội ngũ doanh nhân để xây dựng nền kinh tế tự cường
Sáng 17/6, tại trụ sở Chính phủ, gặp mặt đoàn đại biểu Ban Chấp hành Trung ương Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam và một số doanh nhân tiêu biểu, Thủ tướng mong muốn các doanh nghiệp tư nhân có khát vọng làm giàu chính đáng, làm giàu bằng trí tuệ, bản lĩnh, kinh nghiệm của mình và tham gia chống tham nhũng, tiêu cực…
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại cuộc gặp mặt. Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Tại cuộc gặp mặt, các doanh nhân đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tư nhân và nêu một số kiến nghị như mong muốn Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa, giảm bớt các thủ tục, dành cho doanh nghiệp tư nhân những việc mà doanh nghiệp có thể làm được.
Các doanh nghiệp khẳng định cam kết, nếu được tạo thuận lợi, kinh tế tư nhân có thể đóng góp tới 80% GDP chứ không chỉ 40% như hiện nay.
Các doanh nhân mong muốn Chính phủ tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, công bằng để doanh nghiệp phát triển. Cách đây 3 năm, khi bắt đầu nhiệm kỳ Chính phủ khóa mới, Thủ tướng đã có cuộc gặp mặt cộng đồng doanh nghiệp, sự kiện rất quan trọng để củng cố niềm tin đối với doanh nhân. Theo các doanh nhân, niềm tin đã trở lại, các doanh nhân cùng chung tay, nỗ lực đóng góp vào sự phát triển đất nước.
Nhắc lại phát biểu của Thủ tướng tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2019, có doanh nhân cho rằng, các từ khóa mà Thủ tướng nêu ra để phát triển khu vực kinh tế tư nhân: "Bình đẳng", "được bảo vệ", "khích lệ" và "trao cơ hội" là những điều mà doanh nhân rất cần, nhất là “được bảo vệ”.
Doanh nhân cũng mong muốn Chính phủ tăng cường chống tham ô, lãng phí, tiêu cực, chống tình trạng “phong bao, phong bì”.
Ghi nhận các ý kiến của doanh nghiệp tư nhân, Thủ tướng cho rằng, đây là một kênh thông tin quan trọng để “Chính phủ có chính sách tốt, sát cuộc sống, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt nhất”.
Thủ tướng nêu rõ, nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế nhiều thành phần và đều bình đẳng trước pháp luật, đều được tạo điều kiện phát triển, trong đó, kinh tế tư nhân được xác định là một động lực quan trọng để phát triển đất nước, như Nghị quyết 10 của Trung ương. Hiện kinh tế tư nhân đóng góp trên 40% GDP và có xu hướng ngày càng tăng, trong đó doanh nghiệp tư nhân góp khoảng 10%, còn lại là kinh tế hộ. Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần mà Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nói là không được thành kiến với kinh tế tư nhân, cần phải bình đẳng, công bằng đối với kinh tế tư nhân, phát triển mạnh mẽ hệ thống doanh nghiệp Việt Nam lớn mạnh. Hiện có nhiều doanh nghiệp tư nhân Việt Nam lớn mạnh, có nhiều sản phẩm uy tín trên thị trường quốc tế.
Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Theo Thủ tướng, cuộc gặp hôm nay là để lắng nghe các ý kiến của doanh nghiệp tư nhân về các trở ngại, khó khăn, để sơ kết, tiếp tục thể chế hóa Nghị quyết 10 tốt nhất.
“Chúng ta phải xây dựng một nền kinh tế tự cường trong hội nhập quốc tế. Vì vậy, phải có đội ngũ doanh nghiệp với các loại hình doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp tư nhân Việt Nam”, Thủ tướng nêu rõ và tái khẳng định những nguyên tắc, “từ khóa” quan trọng mà Thủ tướng từng đưa ra tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân là: "Bình đẳng", "được bảo vệ", "khích lệ" và "trao cơ hội".
Thủ tướng nhấn mạnh, một trong những nhiệm vụ rất quan trọng của Chính phủ trong nhiệm kỳ này là thúc đẩy phát triển các loại hình doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp tư nhân. “Một câu hỏi đặt ra mà chúng tôi trăn trở suy nghĩ cũng giống như ý kiến của quý vị hôm nay, đó là làm thế nào để doanh nghiệp tư nhân Việt Nam gia tăng nhanh chóng về quy mô, về số lượng, sức cạnh tranh trên thị trường cả trong và ngoài nước, từ đó, tiến vào các lĩnh vực giá trị cao trên chuỗi cung ứng toàn cầu”. Chính các doanh nghiệp cũng cần tập trung trả lời câu hỏi này hay góp ý cho Chính phủ giải quyết câu hỏi đó".
Thủ tướng cũng đặt vấn đề, làm thế nào doanh nghiệp tư nhân Việt Nam có thể bán sản phẩm và kết nối với các doanh nghiệp FDI cũng như với doanh nghiệp Nhà nước.
Phần lớn doanh nghiệp tư nhân Việt Nam mới thành lập, công nghệ, nguồn vốn, nguồn lực chưa tốt. Vậy làm sao tiếp cận công nghệ, nguồn vốn và nguồn nhân lực có chất lượng để phát triển kinh tế tư nhân Việt Nam? Làm thế nào để toàn bộ hệ thống hành chính phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn? Làm thế nào để doanh nhân Việt Nam có tầm nhìn sáng tạo, kinh doanh văn minh, có đạo đức kinh doanh? Và vai trò của Hội Doanh nhân tư nhân đóng góp vào vấn đề này là gì?, Thủ tướng nêu vấn đề.
“Tôi nghĩ các doanh nghiệp của Hội chúng ta mong muốn nhiều hơn, nhất là khâu kết nối giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp FDI, để tạo nên khát vọng vươn lên với trách nhiệm cao hơn”, Thủ tướng nói.
Thủ tướng chụp ảnh lưu niệm với các doanh nhân Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Thủ tướng cũng mong muốn cộng đồng doanh nghiệp tư nhân nói chung và Hội Doanh nhân tư nhân nói riêng “có khát vọng làm giàu chính đáng, làm giàu bằng trí tuệ, bản lĩnh, kinh nghiệm của mình, đồng thời trong quá trình ấy, có chiến lược, chiến thuật hợp lý, kiểm soát tốt rủi ro kinh doanh, làm sao đóng góp nhiều hơn cho chất lượng, hiệu quả tăng trưởng, kể cả giải quyết việc làm, thu ngân sách, đổi mới sáng tạo”.
Doanh nghiệp tư nhân kinh doanh liêm chính, quan tâm tới trách nhiệm xã hội, phát triển xanh, bền vững, có ý thức bảo vệ môi trường, tuân thủ pháp luật, cam kết quốc tế. Doanh nghiệp tư nhân Việt Nam tham gia chống tham nhũng, tiêu cực trong kinh doanh, “nói không với tham nhũng, tiêu cực”.
Doanh nghiệp tư nhân cần chú trọng hơn nữa phát triển nội lực, năng lực cạnh tranh, trong đó có con người và công nghệ, kể cả việc xây dựng thương hiệu. Phối hợp trong ngành hàng của mình, chia sẻ kinh nghiệm, đặc biệt tham gia một số chương trình, dự án sản phẩm của Nhà nước, FDI…
Thủ tướng cũng mong muốn Hội Doanh nhân tư nhân hoạt động thiết thực, năng động hơn, luôn mang lại lợi ích thiết thực cho hội viên, tránh việc chỉ đơn thuần là thu hội phí với các hoạt động nghèo nàn, mang tính phong trào, bộ máy hành chính xơ cứng. Hội hoạt động công khai, minh bạch, thu hút nhiều nhà khoa học, nhà quản lý để có chương trình công tác thiết thực, đề xuất những chính sách, nguyện vọng của kinh tế tư nhân Việt Nam lên Chính phủ, các cấp chính quyền.