Để xứng đáng là báo chí cách mạng trên quê hương Xô viết - quê hương Bác Hồ

Nguyễn Thị Thu Hường 18/06/2019 07:01

(Baonghean.vn) - Kỷ niệm 94 năm Báo chí cách mạng Việt Nam, là dịp để Báo chí và những người làm báo Nghệ An nhìn nhận thật khách quan, nghiêm túc về những gì đã có, đã làm được, đồng thời cũng là dịp để “tự soi”, “tự sửa” những hạn chế, thiếu sót… mà mình đã vấp váp.

V. Lênin, lãnh đạo vĩ đại, nhà chiến lược thiên tài của cách mạng vô sản thế giới nhận định: Báo chí là người cổ động, người tuyên truyền đồng thời là người tổ chức của cách mạng.

Thấm nhuần luận điểm này của V.Lênin, Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc trên hành trình tìm đường cứu nước đã lăn lộn trong phong trào công nhân, phong trào giải phóng dân tộc, đã miệt mài học tập lý luận cách mạng, đồng thời kiên trì tự học, vừa học vừa làm để viết báo không chỉ bằng tiếng Việt mà còn với các ngôn ngữ khác. Kết quả là Nguyễn Ái Quốc trở thành người Cộng sản Việt Nam đầu tiên, đồng thời là Người làm báo (nhà báo) cách mạng Việt Nam đầu tiên.

Nguyễn Ái Quốc sáng lập tờ báo “Le Paria” năm 1922.
Nguyễn Ái Quốc sáng lập tờ báo “Le Paria” năm 1922. Ảnh tư liệu

Năm 1922, Nguyễn Ái Quốc sáng lập tờ báo “Le Paria” (Người cùng khổ) có tiêu đề là “Diễn đàn của các dân tộc thuộc địa” và mục đích là đấu tranh “vì lợi ích của công lý, sự thật và tiến bộ”. Báo “Le Paria” là vũ khí để chiến đấu. Sức mạnh của nó đã rõ ràng: Giải phóng con người. Tư tưởng Hồ Chí Minh về báo chí cách mạng đã hình thành: Làm cách mạng phải có công cụ báo chí. Làm báo là để làm cách mạng.

Đầu tháng 11 năm 1024, Nguyễn Ái Quốc đã đến Quảng Châu - Trung Quốc. Công việc đầu tiên của Nguyễn Ái Quốc là mở lớp huấn luyện chính trị, giáo dục lý luận cho số thanh niên yêu nước Việt Nam có mặt ở Quảng Châu lúc đó. Tháng 6 năm 1925, Nguyễn Ái Quốc sáng lập Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội. Cơ quan ngôn luận của tờ báo này là Báo Thanh niên, Nguyễn Ái Quốc là người sáng lập và là cây bút chủ chốt. Báo Thanh niên đã góp phần quan trọng vào việc truyền bá Chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam, chuẩn bị tư tưởng chính trị và tổ chức để tiến tới thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam vào đầu năm 1930.

Ngày 21/6/1925 - ngày Báo Thanh niên ra số đầu tiên trở thành ngày ra đời của báo chí cách mạng Việt Nam với người khai sinh là Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh.

Báo Thanh Niên ra đời mở đường cho dòng báo chí cách mạng  Việt Nam hình thành và phát triển.
Báo Thanh Niên ra đời mở đường cho dòng báo chí cách mạng Việt Nam hình thành và phát triển.

***

Lịch sử 94 năm qua của Báo chí cách mạng Việt Nam gắn liền với lịch sử hào hùng của cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam theo con đường cách mạng: Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Mỗi thắng lợi của cách mạng Việt Nam đều có sự đóng góp xứng đáng của Báo chí cách mạng Việt Nam. Và, qua mỗi thắng lợi của cách mạng Việt Nam, Báo chí cách mạng Việt Nam có thêm bước trưởng thành mới.

Còn gì vẻ vang hơn khi Báo chí cách mạng nước ta có người thầy vĩ đại: anh hùng giải phóng dân tộc - danh nhân văn hóa, nhà báo kiệt xuất: Chủ tịch Hồ Chí Minh. Còn gì vẻ vang hơn khi Báo chí cách mạng Việt Nam được cả dân tộc Việt Nam anh hùng tin cậy giao cho trọng trách là lực lượng xung kích trên mặt trận tư tưởng - văn hóa.

Bác Hồ đánh giá rất cao vị trí, vai trò của báo chí cách mạng và người làm báo trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân.
Bác Hồ đánh giá rất cao vị trí, vai trò của báo chí cách mạng và người làm báo trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân.

Mỗi cơ quan báo chí, mỗi người làm báo hôm nay tự hào và nguyện xứng đáng là những học trò nhỏ của người Thầy vĩ đại: Hồ Chí Minh, nguyện trung thành và sáng tạo đi theo và thực hiện đến cùng con đường báo chí cách mạng mà Người đã vạch ra, đóng góp xứng đáng hơn nữa cho sự nghiệp cách mạng vì mục tiêu Dân giàu - Nước mạnh - Dân chủ - Công bằng - Văn minh.

***

Có thể khẳng định: Nghệ An là một trong những địa phương sớm có Báo chí cách mạng. Đó là tờ báo Xích Sinh số ra đầu tiên năm 1930.

Với 7 cơ quan báo chí, 02 báo điện tử, 03 trang tin điện tử cùng hàng trăm bản tin, thông tin nội bộ và Website của các đơn vị, ngành, địa phương trong tỉnh… có thể khẳng định: Nghệ An là một trong những địa phương có nền báo chí phát triển.

Trên địa bàn tỉnh có 29 văn phòng đại diện, 23 phóng viên thường trú của 33 cơ quan Báo chí thuộc các bộ, ngành Trung ương và 08 cơ quan Báo chí của các địa phương khác. Có thể khẳng định, Nghệ An được coi là một trong những trung tâm Báo chí của cả nước.

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đắc Vinh thăm, trao đổi về quy trình xuất bản của Báo Nghệ An, ngày 22/12/2018. Ảnh tư liệu: Thành Cường.
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đắc Vinh thăm, trao đổi về quy trình xuất bản của Báo Nghệ An, ngày 22/12/2018. Ảnh tư liệu: Thành Cường.

Không chỉ có quy mô và số lượng cơ quan Báo chí khá lớn, Báo chí Nghệ An đã đạt được chất lượng tốt, có tầm cỡ. Những năm gần đây, tại các giải báo chí quốc gia đều có các tác phẩm Báo chí của Nghệ An đạt giải cao.

Trải qua các giai đoạn và thời kỳ cách mạng: Từ Xô viết Nghệ Tĩnh, Cách mạng Tháng Tám năm 1945, hai cuộc kháng chiến thần thánh… đến công cuộc “Đổi mới”, Báo chí và đông đảo những người làm báo (cả chuyên nghiệp và không chuyên) Nghệ An đã có những đóng góp xứng đáng cho sự nghiệp cách mạng trên quê hương Xô Viết, quê hương của Bác Hồ kính yêu. Báo chí và các thế hệ những người làm báo Nghệ An có quyền tự hào về những cống hiến đó. Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Nghệ An ghi nhận những đóng góp xứng đáng của Báo chí và các thế hệ những người làm Báo ở Nghệ An.

***

Kỷ niệm 94 năm Báo chí cách mạng Việt Nam, là dịp để Báo chí và những người làm báo Nghệ An nhìn nhận thật khách quan, nghiêm túc về những gì đã có, đã làm được, đồng thời cũng là dịp để “tự soi”, “tự sửa” những hạn chế, thiếu sót… mà mình đã vấp váp.

Công cuộc Đổi mới toàn diện đất nước, cũng như nhiệm vụ “làm cho Nghệ An mau trở thành một trong những tỉnh khá nhất ở miền Bắc” (Thư Bác Hồ gửi Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Nghệ An) mà cụ thể là những mục tiêu của Bộ Chính trị giao cho Nghệ An qua Nghị quyết số 26-NQ/TW về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020 đặt ra cho Báo chí và những người làm báo tỉnh ta những đòi hỏi mới, những yêu cầu mới, đồng thời càng tạo ra những điều kiện mới để Báo chí và những người làm báo tiếp tục có những đóng góp xứng đáng hơn nữa, thiết thực hơn nữa và hiệu quả hơn nữa.

Phóng viên Báo Nghệ An tác nghiệp trên mọi miền của tỉnh. Ảnh tư liệu
Phóng viên Báo Nghệ An tác nghiệp trên mọi miền của tỉnh. Ảnh tư liệu: NPV

Nhiệm vụ cốt lõi của Báo chí Nghệ An là phải nâng cao chất lượng và tính hiệu quả thông qua nội dung và hình thức, truyền tải trên các ấn phẩm báo chí vừa đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn, vừa bắt kịp được với xu thế phát triển của báo chí hiện đại. Phải gắn chặt công tác xuất bản với nhiệm vụ phát hành, đọc và sử dụng báo chí. Đây là trách nhiệm chung của các cơ quan báo chí, của các cấp ủy đảng, các cấp chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở.

Để thực hiện được nhiệm vụ cốt lõi nói trên phải:

1. Nâng cao hơn nữa trách nhiệm chính trị và hiệu quả quản lý Nhà nước đối với Báo chí, nâng cao trách nhiệm của cơ quan chủ quản của mỗi tờ báo, mỗi ấn phẩm Báo chí.

2. Xây dựng cơ quan Báo chí có bản lĩnh chính trị vững vàng, có trí tuệ sắc sảo, tinh thông nghiệp vụ, năng động, linh hoạt và sáng tạo, có khả năng tiếp cận và ứng dụng nhanh các xu thế tất yếu của Báo chí hiện đại. Với tư cách là Báo chí cách mạng, mỗi cơ quan Báo chí tỉnh ta phải thực sự là một pháo đài chiến đấu trên mặt trận tư tưởng, văn hóa và khoa học, công nghệ.

Phóng viên báo Nghệ An vượt Trường Sơn sang Lào tác nghiệp. Ảnh tư liệu: Hoài Thu - Mỹ Nga
Phóng viên báo Nghệ An vượt Trường Sơn sang Lào tác nghiệp. Ảnh tư liệu: Hoài Thu - Mỹ Nga

Để có được cơ quan Báo chí như vậy cần phải:

- Chăm lo xây dựng tổ chức đảng trong mỗi cơ quan để tổ chức đảng thực sự là hạt nhân chính trị lãnh đạo trong cơ quan theo đúng quy định của Ban Bí thư Trung ương Đảng. Nội dung hoạt động, sinh hoạt của tổ chức đảng, nhiệm vụ quản lý, giáo dục, rèn luyện đảng viên của tổ chức ở đây phải vươn đến tầm là hình mẫu của nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

- Chọn và bố trí đúng người đứng đầu của mỗi cơ quan Báo chí. Cơ quan và cấp có thẩm quyền vẫn phải đòi hỏi cao vừa tạo điều kiện cần và đủ để người đứng đầu làm tròn trọng trách của mình. Thực hiện nghiêm túc Quyết định số 362/QĐ-TTg, ngày 03/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025.

PGS.TS Phan Trọng Thưởng - Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương cùng Phó Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Nguyễn Văn Thông trao giải thưởng Trung ương cho các tác giả đạt giải về chủ đề học tập và làm theo Bác. Ảnh tư liệu: Mỹ Nga

3. Đào tạo, rèn luyện đội ngũ các nhà báo Nghệ An với số lượng phù hợp có chất lượng mọi mặt cao và ngày càng cao. Mỗi người làm báo dù chuyên nghiệp hay không chuyên nghiệp của Nghệ An phải tự vượt lên ý thức nghề nghiệp thông thường vươn tới ý thức chính trị của người làm báo cách mạng. Mỗi nhà báo của Nghệ An thực sự có đức, có tài với khí phách: Giàu sang không thể quyến rũ, nghèo khó không thể chuyển lay, uy vũ không thể khuất phục.

4. Xây dựng Hội Nhà báo Nghệ An và các chi hội của Hội thực sự trong sạch, vững mạnh, thực sự là tổ chức chính trị, xã hội nghề nghiệp của các nhà báo cách mạng ở Nghệ An.

Nguyễn Thị Thu Hường - Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy

Thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong toàn lực lượng báo chí Nghệ An một cách sát hợp với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan Báo chí và hội viên Hội nhà báo Nghệ An cụ thể là: Hội nhà báo Nghệ An chủ trì cùng các cơ quan Báo chí tổ chức thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW với chủ đề: Cơ quan Báo chí và hội viên Hội Nhà báo Nghệ An học tập và làm theo tư tưởng Báo chí Hồ Chí Minh, đạo đức Báo chí Hồ Chí Minh, phong cách Báo chí Hồ Chí Minh. Bắt đầu từ tháng 6/2019 chính thức phát động. Hàng năm vào dịp Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam tiến hành sơ kết, đánh giá từ cấp chi hội đến hội viên, coi đây vừa là sinh hoạt chính trị, vừa là sinh hoạt chuyên môn nghiệp vụ của Hội, vừa thường xuyên nêu cao ý thức tu dưỡng, rèn luyện cho hội viên.

Trong “Thư gửi Ban Chấp hành Đảng bộ Đảng Lao động Việt Nam tỉnh Nghệ An” Bác Hồ viết:

“Rất mong đồng bào và đồng chí tỉnh nhà ra sức phân đấu làm cho Nghệ An mau trở thành một trong những tỉnh khá nhất ở miền Bắc” (Hồ Chí Minh toàn tập, tập 12, trang 483).

Báo chí Nghệ An, những người làm báo Nghệ An đã đóng góp xứng đáng, càng nỗ lực đóng góp nhiều hơn nữa, thiết thực hơn nữa, hiệu quả hơn nữa cùng Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc Nghệ An thực hiện trọn vẹn mong muốn đó của Bác Hồ kính yêu.

Làm được như vậy mới thật xứng đáng là Báo chí cách mạng, người làm báo cách mạng trên quê hương của Người.

Nguyễn Thị Thu Hường