Vì sao lao động Nghệ An đổ xô vào Quảng Nam 'làm vàng'?

Tiến Hùng 20/06/2019 09:42

(Baonghean) - Sập hầm, tệ nạn ma túy, mại dâm bủa vây, những cuộc chém giết vì tranh giành lãnh địa hay bị chủ bãi vàng tra tấn, “xù” lương nhưng những năm qua, hàng nghìn lao động khắp cả nước vẫn đổ xô vào các bãi vàng ở Quảng Nam làm việc. Đặc biệt, trong số đó, phần lớn là lao động đến từ miền Tây Nghệ An.

Hẩm hiu đời phu vàng

Vài năm trước, khi còn làm việc ở Quảng Nam, tôi gặp Cụt Văn Hành (huyện Kỳ Sơn), trong một chuyến công tác ở vùng cao. Hành là một phu vàng lâu năm từng lăn lộn khắp các bãi vàng Quảng Nam. Cái tên Cụt Văn Hành thật ra mãi đến sau này, thông qua giới làm vàng tôi mới được biết. Còn lúc gặp anh ta trong một bãi vàng trái phép tận rừng sâu, nam thanh niên một mực không chịu tiết lộ tên thật cũng như quê quán.

Thời điểm đó, Hành đang là đầu cánh cho một chủ bãi vàng khét tiếng, cai quản hàng chục lao động cùng quê. Bãi vàng trúng lớn, Hành nhiều lần được ông chủ thưởng, vì thế lúc nào tiền cũng rủng rỉnh trong người.

“Nghề làm vàng nhìn vậy chứ bạc lắm, mất nhiều hơn được. Mà đã theo cái nghề này thì sống nay, chết mai. Chẳng ai nói trước được điều gì. Người thì chết vì sập hầm, có người chết vì nghiện ngập, người bị nhiễm HIV rồi chết,… Biết thế, nhưng không sao dứt bỏ được cái nghiệp này”,

Hành tâm sự

Lao động làm việc ở bãi vàng Quảng Nam. Ảnh: Tiến Hùng
Lao động làm việc ở bãi vàng Quảng Nam. Ảnh: Tiến Hùng

Mới đây, trong dịp quay trở lại Quảng Nam, chúng tôi tìm đến hàng loạt bãi vàng, từ có phép đến trái phép để mong gặp lại phu vàng này. Tuy nhiên, Hành đã không còn. Hỏi thăm một số giới thạo vàng, chúng tôi được biết, cách đây không lâu, Hành bị rơi xuống hầm vàng sâu hun hút, thi thể không còn nguyên vẹn....

Lúc này, tôi sực nhớ lại những lời tâm sự về đời phu vàng của Hành trong lần gặp gỡ trước. Tôi tự hỏi, vì sao biết trước những hiểm nguy luôn rình rập, thậm chí là cái chết, nhưng nhiều người như Hành vẫn bất chấp tất cả để tìm đến những bãi vàng!? Để lý giải cho câu hỏi này, mỗi lần có dịp gặp phu vàng, tôi đều hỏi họ, và đa số những người mà chúng tôi gặp, họ đều trả lời rất mơ hồ: “đây là cái nghiệp khó lòng mà dứt ngang được”.

Tâm lý “đi theo”

Như đã đề cập ở trên, phần lớn các phu vàng đang làm việc ở Quảng Nam là người Nghệ An. Họ là những thanh niên dân tộc thiểu số đến từ các huyện Kỳ Sơn, Tương Dương..., đông đảo hơn cả là người Khơ Mú. Để tiếp tục đi tìm lời giải cho việc lao động đổ xô vào bãi vàng làm việc bất chấp hiểm nguy, chúng tôi quyết định tìm lên những địa phương này.

Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Văn Hải - Bí thư Huyện ủy Tương Dương nói rằng, ở địa phương này, mặc dù việc làm cho lao động không nhiều nhưng có không ít lựa chọn tốt hơn so với việc vào Quảng Nam làm vàng bất chấp nguy hiểm.

“Hiện nay, đi xuất khẩu lao động cũng là một lựa chọn tốt. Nhà nước cũng có nhiều chính sách hỗ trợ nhưng lại tuyển được rất ít người đi, nó do tâm lý của người vùng cao này”, ông Hải nói.

Lao động trái phép làm việc ở bãi vàng trong một lần bị truy quét. Ảnh: Tiến Hùng
Lao động trái phép làm việc ở bãi vàng trong một lần bị truy quét. Ảnh: Tiến Hùng

Theo vị Bí thư Huyện ủy, lao động ở địa phương chủ yếu có tay nghề, trình độ thấp. Trong khi để đi xuất khẩu lao động thì phải qua đào tạo, học tiếng, làm nhiều thủ tục.

Họ không muốn học. Làm việc chính thống, được đảm bảo các quyền lợi, có thu nhập ổn định thì không muốn, mà cứ muốn đi làm trái phép”

Ông Nguyễn Văn Hải - Bí thư Huyện ủy Tương Dương

Ông Hải nói và cho hay: những lao động vùng cao thường có tâm lý không muốn làm việc trong các công ty, là những môi trường có tính kỷ luật, có giờ giấc làm việc cụ thể, mặc dù được đảm bảo quyền lợi, thu nhập ổn định. Họ chỉ muốn làm tự do, đặc biệt là những công việc mà có thể nhận “tiền tươi” luôn trong ngày, bất chấp rủi ro.

Thấp thoáng bóng những người đào đãi vàng bên hầm khai thác Ảnh : PV

Ông Hải kể, cách đây vài tháng, ông trực tiếp về Đô Lương gặp giám đốc một doanh nghiệp may lớn để xin cho 50 lao động Tương Dương về làm việc. Tuy nhiên, sau khi xuống công ty, nghe những quy định, giờ giấc làm việc xong thì 30 người bỏ về luôn trong ngày. Còn 20 người khác cũng chỉ làm vài ngày rồi bỏ, trong khi làm việc ở nhà máy này có thu nhập khá cao...

Còn vì sao họ lại chọn các bãi vàng ở Quảng Nam, theo ông Hải đó là do tâm lý “đi theo” của người vùng cao này. “Họ cứ thấy một người đi về mà có chút tiền là đổ xô kéo nhau theo. Ngoài ra, các tay môi giới của bãi vàng về tuyển người cũng thường dụ dỗ bằng cách đánh vào tâm lý của người dân như “làm việc môi trường thoải mái giờ giấc, được ứng tiền lương trước, được nghỉ phép thoải mái....”, ông Hải lý giải.

Tôi là người thiểu số ở đây luôn nhưng nhiều lúc cũng không hiểu được tâm lý của họ. Ở đây nếu đi làm phụ hồ tiền công cũng còn cao hơn cả đi làm bãi vàng, nhưng họ vẫn đổ xô vào đó làm, bất chấp rủi ro

Bà Vy Thị Bích Thủy - Bí thư Đảng ủy xã Xá Lượng

Cùng quan điểm với ông Hải, bà Vy Thị Bích Thủy - Bí thư Đảng ủy xã Xá Lượng cho hay: người dân địa phương thường có thói quen, một người đi làm ở đâu đó về thường rủ rê người khác đi cùng.

Trong khi đó, tại huyện Kỳ Sơn, ông Lê Hồng Lập - Trưởng Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện cho rằng, hiện nay huyện có đến hơn 5.300 lao động phải rời quê để đi làm ăn xa bởi trên địa bàn rất thiếu việc làm. Cơ hội lập nghiệp ở quê nhà quá hẹp. Số lao động này chủ yếu đi làm việc tự do, thông qua giới thiệu của bạn bè, người thân. Đầu năm nay, huyện đã tổ chức gặp mặt gần 2.000 lao động ở xa về để nắm bắt.

Qua buổi gặp mặt này, huyện Kỳ Sơn nhận thấy, những lao động địa phương đi làm ăn trong nước (đặc biệt là vào Quảng Nam làm vàng), thường bị nợ lương. Do không được trang bị kiến thức về công việc sắp làm, chưa có nhiều kinh nghiệm sống nên dễ bị cuốn vào thói hư tật xấu, tệ nạn xã hội...

Bất chấp rủi ro, nhiều lao động Nghệ An vẫn đổ xô vào Quảng Nam làm vàng. Ảnh: Tiến Hùng
Bất chấp rủi ro, nhiều lao động Nghệ An vẫn đổ xô vào Quảng Nam làm vàng. Ảnh: Tiến Hùng

Lý giải vì nhiều lao động vào Quảng Nam làm vàng, ông Lập cho rằng, do trình độ dân trí thấp, tính kỷ luật lao động yếu. Khi vào các khu công nghiệp hoặc sang nước ngoài làm việc không chịu được tác phong. “Người ở địa phương họ chỉ muốn tự do, thoải mái. Thích làm thì làm, thích nghỉ là nghỉ. Làm ngày nào có tiền ngày đó dẫn đến việc ngại ký hợp đồng theo quy định. Nhiều người muốn kiếm tiền nhanh nhưng không muốn học nghề, thấy bảo đi làm vàng có khi may mắn đổi đời nên lôi kéo nhau cùng đi”, ông Lập nói.

Tiến Hùng