Chủ sử dụng cần chấp hành nghiêm các quy định về an toàn lao động
(Baonghean.vn) - Đó là yêu cầu của đồng chí Lê Ngọc Hoa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh tại hội nghị đối thoại giữa hội đồng an toàn, vệ sinh lao động tỉnh và các doanh nghiệp tỉnh Nghệ An về an toàn, vệ sinh lao động và chế độ, chính sách người lao động.
Chiều 18/6, UBND tỉnh tổ chức hội nghị đối thoại giữa hội đồng an toàn, vệ sinh lao động tỉnh và các doanh nghiệp tỉnh Nghệ An về an toàn, vệ sinh lao động và chế độ, chính sách người lao động.
Đồng chí Lê Ngọc Hoa – Phó Chủ tịch UBND tỉnh, chủ trì buổi đối thoại cùng dự có đại diện Sở LĐ-TB&XH, LĐLĐ tỉnh, BHXH tỉnh, Khu kinh tế Đông Nam.
Tham dự hội nghị còn có hơn 30 đơn vị doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Đức Anh |
Tránh tình trạng "mất bò mới lo làm chuồng"
Theo báo cáo của Cơ quan thư ký hội đồng, trước thềm hội nghị đã có hơn 100 ý kiến tham gia của 33 cơ quan đơn vị, doanh nghiệp, thuộc 6 nhóm vấn đề liên quan đến công tác ATVSLĐ, chế độ chính sách cho người lao động trên địa bàn.
Phát biểu tại buổi đối thoại, đồng chí Đặng Cao Thắng – Phó Giám đốc Sở LĐ-TB & XH cho biết: “Trong những năm qua công tác quản lý nhà nước về ATVSLĐ, chế độ chính sách cho người lao động ngày càng được thực hiện một cách nề nếp, bài bản. Công tác phổ biến, tuyên truyền, huấn luyện từng bước được đổi mới, đa dạng, phong phú. Công tác thanh tra, kiểm tra về ATVSLĐ, chế độ chính sách cho người lao động được tăng cường, hiệu lực, hiệu quả đang được nâng cao.”
Hội đồng ATVSLĐ tỉnh sẽ trực tiếp giải đáp thắc mắc của các doanh nghiệp tại hội nghị đối thoại. Ảnh: Đức Anh |
Từ đó, theo Phó Giám đốc Sở LĐ-TB &XH, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh đã có ý thức, nghiêm túc triển khai thực hiện các quy định về công tác ATVSLĐ; xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch ATVSLĐ hàng kỳ; phân định rõ chế độ trách nhiệm của bộ phận trong công tác huấn luyện ATVSLĐ; công tác kiểm định, khai báo đối với các nhà máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về ATLĐ đã được các đơn vị quan tâm thực hiện.
Phó Giám đốc Sở LĐ-TB & XH mong muốn: “Tại hội nghị đối thoại các đơn vị doanh nghiệp cần nêu rõ những khó khăn vướng mắc gặp phải trong quá trình thực hiện các quy định về ATVSLĐ tại đơn vị mình để hội đồng lắng nghe từ đó đưa ra hướng tháo gỡ. Qua đó rút ra bài học kinh nghiệm, tránh tình trạng “mất bò mới lo làm chuồng.”
Cán bộ Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh kiểm tra môi trường lao động tại Công ty TNHH Mía đường Nghệ An. Ảnh tư liệu |
Phát biểu tại buổi đối thoại, đại diện Công ty xi măng Vicem Hoàng Mai cho biết: Việc gặp khó của công ty trong công tác đảm bảo ATVSLĐ chủ yếu là do thiết bị công nghệ sản xuất của công ty qua hơn 20 năm hoạt động, hiện đã xuống cấp, việc sản xuất, khắc phục, sửa chữa tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn.
Điện lực Nghệ An cũng nêu ý kiến: Hiện lưới điện hạ áp nông thôn khi tiếp nhận đã xuống cấp nhưng đến nay vẫn chưa thể cải tạo nâng cấp do còn hạn chế về nguồn vốn. Hiện nay ở công ty, nguồn lao động có kinh nghiệm nhưng tuổi cao nên thường mắc các bệnh nghề nghiệp dẫn đến nguy cơ mất an toàn trong lúc làm việc.
Hệ thống văn bản còn chồng chéo, bất cập
Bên cạnh đó nhiều ý kiến cho rằng, quy định về huấn luyện còn chồng chéo, trùng lặp khiến quá trình thực hiện công tác đảm bảo ATVSLĐ gặp nhiều khó khăn.
Công tác đảm bảo ATVSLĐ trong các đơn vị khai thác khoáng sản luôn được đề cao. Ảnh tư liệu |
Việc chia đối tượng huấn luyện thành quá nhiều nhóm (6 nhóm) gây khó khăn trong việc phân loại, tổ chức huấn luyện. Đối với doanh nghiệp không có chức năng tự huấn luyện thì rất khó khăn để mở lớp huấn luyện lần đầu khi tuyển dụng mới.
Trả lời các ý kiến này đồng chí Lê Ngọc Hoa cho rằng: Đơn vị, doanh nghiệp nào cũng phải có chương trình ATVSLĐ của đơn vị đó. Về việc cấp chứng chỉ an toàn lao động, đồng chí yêu cầu các sở ban, ngành liên quan cần cập nhật chính sách mới để có những điều chỉnh phù hợp.
Hội nghị cũng nóng với nhiều ý kiến về chính sách cho người lao động. Điển hình như về chính sách đối với các lao động bị mắc bệnh nghề nghiệp; hay chính sách cá biệt đối với lao động bị chủ sử dụng lạm dụng quỹ bảo hiểm. Về vấn đề này, đại diện BHXH tỉnh cho biết: Các bệnh được BHXH chi trả phải nằm trong các danh mục bệnh nghề nghiệp được Bộ Y tế quy định.
Đồng chí Lê Ngọc Hoa kết luận tại hội nghị. Ảnh: Đức Anh |
Đại diện BHXH cũng cho biết, đơn vị đã xử phạt các chủ sử dụng lao động lạm dụng, chiếm dụng quỹ bảo hiểm của người lao động. Nếu người lao động muốn chốt sổ để chuyển nơi làm việc khi chủ sử dụng hiện tại có hành vi chiếm dụng quỹ bảo hiểm thì BHXH tỉnh sẽ thực hiện các chế độ cá biệt để đảm bảo quyền lợi cho người lao động.
Hội nghị đã ghi nhận 9 ý kiến trao đổi, thảo luận của các cơ quan quản lý. Thông qua buổi đối thoại nhiều thông tin đã được chia sẻ, giải đáp cũng như thảo luận để tiếp tục được hoàn thiện, nâng cao hiệu quả thực thi hệ thống pháp luật về ATVSLĐ, chế độ chính sách cho người lao động.
Tại hội nghị, UBND tỉnh trao Bằng khen cho các đơn vị có thành tích trong việc triển khai, thực hiện an toàn vệ sinh lao động trên địa bàn tỉnh, năm 2018. Ảnh: Thanh Nga |
Kết luận tại buổi đối thoại đồng chí Lê Ngọc Hoa – Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu: Thời gian tới các thành viên hội đồng cần đổi mới nội dung hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về ATVSLĐ, chế độ chính sách cho người lao động. Đồng thời đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về ATVSLĐ, chế độ chính sách cho người lao động.
Các chủ sử dụng cần chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về ATVSLĐ, chế độ chính sách cho người lao động. Kiểm tra, giám sát đôn đốc người lao động chấp hành nghiêm nội quy lao động. Đồng thời chấp hành nghiêm việc thực hiện các kiến nghị, kết luận của các đoàn thanh tra, kiểm tra, nhằm đảm bảo tốt nhất an toàn cho người lao động.