Công ty CP mía đường Sông Con: Ứng phó với tình trạng giảm nguyên liệu
(Baonghean) - Trước thực trạng diện tích mía sụt giảm, do giá thu mua mía giảm mạnh, Công ty cổ phần Mía đường Sông Con đã chú trọng các giải pháp nâng cao năng suất, chất lượng mía nguyên liệu, nhằm đảm bảo sản lượng mía nguyên liệu cho nhà máy hoạt động.
Diện tích trồng mía giảm
Theo báo cáo của Công ty cổ phần Mía đường Sông Con, niên vụ mía năm 2019 - 2020, diện tích mía nguyên liệu giảm so với niên vụ trước. Đặc biệt, diện tích trồng mới chỉ đạt khoảng 50% kế hoạch. Nguyên nhân cơ bản là do giá mía trong năm qua giảm mạnh, từ trên 900 đồng/kg, xuống còn hơn 730 đồng/kg, khiến người trồng mía lãi thấp.
Qua tính toán, thu nhập từ cây mía đạt trung bình 40 - 45 triệu đồng/ha/năm, trong khi chi phí cho phân bón, giống, công làm đất, thu hoạch… cao nên phần lãi chỉ còn một nửa.
Trồng mía nguyên liệu là cây trồng chính của phần lớn các xã trên địa bàn huyện Tân Kỳ. Ảnh Xuân Hoàng |
Những năm gần đây, do sự phát triển các khu công nghiệp đã thu hút một lực lượng lớn lao động từ nông nghiệp chuyển sang công nghiệp, dẫn đến thiếu hụt lao động, nhất là trong thời vụ trồng và thu hoạch mía. Thiếu lao động, dẫn đến chi phí thuê nhân công tăng.
Tại các địa phương, chi phí chặt mía, làm cỏ mía hiện nay từ 170.000 - 200.000 đồng/ngày, đặc biệt vào vụ thu hoạch, do phải mất nhiều công sức chặt, bó, bốc vác, vận chuyển… khiến chi phí cao hơn. Chi phí này chiếm từ 20 - 25% tổng thu nhập từ trồng mía, khiến nhiều hộ trồng mía lãi thấp, trong khi năng suất mía chưa cao.
Mặc dù những năm qua, các địa phương đã quan tâm đến quy hoạch vùng trồng mía tập trung, thâm canh tăng năng suất, áp dụng các tiến bộ KHKT, nhưng phần lớn sản xuất vẫn còn mang tính nhỏ lẻ, diện tích manh mún, chủ yếu là sản xuất quy mô hộ gia đình (trung bình, mỗi hộ trồng mía hiện chỉ có 0,3 – 0,5 ha).
Một số hộ trên địa bàn huyện Tân Kỳ đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt cho cây mía. Ảnh: Xuân Hoàng |
Ngoài ra còn một số nguyên nhân khiến diện tích mía nguyên liệu khó mở rộng, như cơ giới hóa vào sản xuất còn hạn chế, mới chỉ ứng dụng được trong khâu làm đất, vận chuyển, dẫn đến chi phí thu hoạch, bốc xếp tăng cao. Thời tiết diễn biến bất thường, mưa lụt, nắng hạn kéo dài, sâu bệnh… làm ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển của mía, nhiều diện tích mía đã canh tác nhiều năm chưa được luân canh.
Chú trọng tăng năng suất, chất lượng
Khó khăn trong mở rộng diện tích, việc nâng cao năng suất, chất lượng mía nguyên liệu được coi là lời giải pháp thiết thực, hiệu quả nhất cho Công ty cổ phần Mía đường Sông Con hiện nay, khi năng suất mía trung bình vùng nguyên liệu của công ty mặc dù cao nhất tỉnh nhưng mới đạt bình quân 57 - 60 tấn/ha.
Bà con nông dân xóm Thống Nhất, xã Tân Phú, huyện Tân Kỳ chăm sóc cánh đồng mía tập trung ứng dụng KHCN. Ảnh: Tư liệu |
Ông Nguyễn Văn Tuất, nông dân xóm Mai Tân, xã Nghĩa Hoàn (Tân Kỳ) cho biết: Trước đây, địa phương có nhiều nhân lực lao động, nên gia đình thuê đất ở Thanh Chương, Anh Sơn, Tân Kỳ trồng tới 70 ha mía. Tuy nhiên, do những năm gần đây lực lượng lao động nông thôn khó khăn, cùng với giá mía thấp, nên năm nay gia đình chỉ trồng 21 ha trên địa bàn huyện Tân Kỳ. Có nhiều kinh nghiệm trong thâm canh mía, nên toàn bộ diện tích mía của gia đình ông Tuất phát triển tốt.
Qua nhiều năm sống với nghề trồng mía, mặc dù trồng với diện tích lớn, nhưng năm nào mía của ông cũng đạt năng suất bình quân 90 tấn/ha. Năm nay rút gọn lại 21 ha gần nhà, nên có điều kiện đầu tư, chăm sóc, dự kiến năng suất mía của ông tới đây sẽ đạt 110 tấn/ha. “Người trồng mía bây giờ có thuận lợi là được công ty đồng hành, cho vay phân bón, hỗ trợ máy làm đất, giống… Vì vậy, bà con có điều kiện nâng cao năng suất để có lãi
Bà con nông dân Tân Kỳ trồng mía bằng máy. Ảnh: Tư liệu |
Những năm gần đây, các xã trên địa bàn huyện Tân Kỳ đã thực hiện 30 mô hình thâm canh tăng năng suất mía diện tích 3 ha trở lên, đặc biệt có 3 mô hình trồng mía tập trung 50 ha ở các xã Tân Xuân, Giai Xuân, Nghĩa Hoàn. Các mô hình chủ yếu là xen canh, cày sâu, trồng hàng đôi, trồng giống mía mới… Dự kiến năng suất mía tại các mô hình đạt trên 80 tấn/ha, tối đa sẽ đạt từ 120 tấn/ha.
Hàng năm, công ty tiếp tục trồng khảo nghiệm một số giống mía mới để theo dõi, đánh giá khả năng thích nghi với điều kiện đất đai, khí hậu, khả năng chống chịu sâu bệnh và cho năng suất của các giống để làm cơ sở lựa chọn bộ giống tốt, phục vụ cho việc nâng cao năng suất, chất lượng vùng mía nguyên liệu.
Công ty ban hành chính sách đầu tư phát triển vùng nguyên liệu trong từng niên vụ. Trong đó, hỗ trợ người dân phát triển diện tích, tích tụ ruộng đất, xây dựng mô hình thâm canh, trồng mới, làm đất, cung ứng phân bón hữu cơ khoáng và các loại vật tư khác; chăm sóc mía lưu gốc; cho vay phân bón trả chậm… hỗ trợ sửa chữa và đầu tư đường giao thông nội đồng, đường vận chuyển, cam kết giá mua mía nguyên liệu bình quân không thấp hơn giá mua trong nước. Hiện, Công ty cổ phần Mía đường Sông Con đã triển khai các mô hình thâm canh mía nguyên liệu tiên tiến năng suất đạt trên 100 tấn/ha, điều chỉnh cơ cấu, bộ giống có năng suất, chất lượng cao với các giống chủ lực là LK9211, AK9, K2000, SQĐ21, Roc 10, Việt đường… Những giống mía này, nếu chăm sóc theo hình thức thâm canh, sẽ đạt trên 100 tấn/ha.
Thu hoạch mía ở Tân Kỳ. Ảnh: Tư liệu |
Ông Quý cho biết thêm: Từ hiệu quả các mô hình thâm canh tăng năng suất tại các mô hình cho năng suất đạt trên 80 tấn/ha, hiện Công ty cổ phần Mía đường Sông Con đang tiếp tục phối hợp với các địa phương xây dựng cánh đồng lớn sản xuất mía nguyên liệu. Sự phối hợp đồng hành, chia sẻ của Công ty sẽ giảm áp lực cho người trồng mía trước giá thu mua mía trên thị trường trên cả nước có chiều hướng giảm.
Thời điểm thời tiết nắng kéo dài, Công ty cổ phần Mía đường Sông Con vận động người trồng mía sử dụng máy bơm đưa nước từ các ao, hồ, sông, suối lên chống hạn cho mía. Đồng thời hướng dẫn bà con cách phòng trừ rệp xơ bông trắng, bởi hiện nay đã có một số diện tích mía ở Tân Hợp, Giai Xuân, Tân Xuân… xuất hiện rệp xơ bông trắng tỷ lệ thấp.