Thủ tướng Chính phủ nêu các thách thức trong công tác phòng, chống thiên tai

Hoài Thu 20/06/2019 14:06

(Baonghean.vn) - Đây là một trong các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác PCTT-TKCN năm 2018.

Sáng 20/6, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai (PCTT) tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác PCTT-TKCN năm 2018, triển khai nhiệm vụ thời gian tới do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng - Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về PCTT, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia PCTT-TKCN; Nguyễn Xuân Cường - Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Phó trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo đồng chủ trì. Hội nghị có sự tham dự trực tuyến của hơn 25 nghìn đại biểu của 18 tỉnh, thành và các bộ, ngành Trung ương

Phía điểm cầu Nghệ An, các đồng chí: Lê Hồng Vinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Hoàng Nghĩa Hiếu - Giám đốc Sở NN&PTNT; Trần Hải Bình - Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Chỉ huy trưởng BCH Bộ đội Biên phòng tỉnh chủ trì. Tham dự có các thành viên Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh và đại diện các cơ quan, đơn vị liên quan.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị. Ảnh: Quang Hiếu (VGP)
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị. Ảnh: Quang Hiếu (VGP)

Dựa vào cộng đồng để phòng, chống thiên tai

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã cảm ơn các tổ chức quốc tế đã tham gia hỗ trợ người dân Việt Nam khắc phục hậu quả thiên tai; biểu dương các cấp, ngành Trung ương, địa phương có nhiều nỗ lực trong PCTT thời gian qua.

Đồng chí Thủ tướng Chính phủ cũng nhấn mạnh, các bộ, ngành địa phương không được chủ quan lơ là và phải chung tay góp sức và có những sáng kiến, nhiều phương án phòng, chống thiên tai một cách chủ động, nêu cao tinh thần trách nhiệm trước nhân dân về PCTT. Theo đó, phương châm là chủ động hơn, kịp thời hơn, hiệu quả hơn để ổn định, bảo vệ, hạn chế thấp nhất số lượng người dân bị thiệt hại do thiên tai gây ra. Bên cạnh đó, đồng chí Thủ tướng Chính phủ cũng nêu những tồn tại, hạn chế trong công tác PCTT và yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần phải khắc phục kịp thời.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, cộng đồng là nơi hiểu biết rõ nhất về cách PCTT, vì vậy lưu ý cần chủ động và dựa vào cộng đồng để PCTT. Trong đó, lưu ý các nhận diện, thách thức trong PCTT - TKCN để có phương án phòng, chống hiệu quả, như: nhận thức đúng các tác động của thiên tai đối với một số công trình hạ tầng, ví như tình trạng khai thác nước ngầm quá mức, nạo vét khai thác cát ở các lòng sông... Không tách rời sự phát triển đất nước với công tác PCTT. Khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp. Một số bộ, ngành, địa phương có lúc ý thức PCTT còn kém. Đảng và Nhà nước luôn xem PCTT là nhiệm vụ trước mắt, thường xuyên lâu dài với sự vào cuộc của cả xã hội và lấy phòng ngừa làm chính, tiến tới xây dựng xã hội an toàn trước thiên tai.

Các địa biểu tại điểm cầu Nghệ An tham dự hội nghị. Ảnh: Hoài Thu
Các địa biểu tại điểm cầu Nghệ An tham dự hội nghị. Ảnh: Hoài Thu

Nỗ lực lớn trong phòng, chống thiên tai

Trước đó, đánh giá, tổng kết công tác PCTT năm 2018, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, năm qua các bộ, ban, ngành từ Trung ương đến địa phương đã nỗ lực lớn trong PCTT-TKCN, góp phần giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản. Trong đó, công tác chỉ đạo ứng phó được thực hiện kịp thời, quyết liệt. Nhiều cách làm hiệu quả, sáng tạo, nhất là công tác chỉ đạo vận hành hồ chứa, khắc phục hậu quả, tái thiết sau thiên tai đã được triển khai.

Song, bên cạnh đó vẫn còn bộc lộ những tồn tại, hạn chế cần phải khắc phục. Ví như việc hệ thống văn bản pháp luật, cơ chế chính sách, tiêu chuẩn, định mức kỹ thuật trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai còn nhiều khoảng trống và tồn tại bất cập ảnh hưởng đến việc triển khai, áp dụng trên thực tế; Lực lượng tham gia phòng, chống thiên tai từ Trung ương tới địa phương hầu hết còn thiếu các công cụ hỗ trợ các điều kiện bảo đảm để thực thi nhiệm vụ, nhất là khi triển khai công tác thực địa tại hiện trường; Quy trình tiếp nhận viện trợ, phục vụ cứu trợ khẩn cấp và khắc phục hậu quả thiên tai còn phức tạp, không kịp thời, giảm hiệu quả sử dụng; công tác dự báo, cảnh báo có lúc chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn…

Chính quyền, các lực lượng vũ trang tham gia ứng cứu, hỗ trợ người dân khắc phục các hậu quả mưa lũ năm 2018. Ảnh tư liệu

Nhận định tình hình và các nhiệm vụ trọng tâm

Hội nghị cũng đã nhận định tình hình thiên tai năm 2019 về bão, mưa, lũ và hạn hán với dự báo có nhiều diễn biến bất thường, cực đoan có thể tiếp tục xảy ra tại nhiều khu vực và rủi ro thiên tai có xu hướng gia tăng. Trong đó xu hướng bão muộn hơn, nắng nóng với nhiệt độ cao hơn và kéo dài hơn, khả năng thiếu hụt mưa những tháng cuối mùa ở Bắc bộ và Tây Nguyên. Ngoài ra, sạt lở bờ sông, bờ biển, sụt lún đất hiện vẫn đang diễn ra ngày một trầm trọng hơn, nhất là khu vực đồng bằng sông Cửu Long và ven biển miền Trung.

Năm 2018, thiệt hại do thiên tai: 224 người chết và mất tích; 1.967 nhà bị đổ, trôi; 31.335 nhà bị ngập, hư hỏng và di dời khẩn cấp; 261.377 ha lúa và hoa màu bị ngập, thiệt hại; 43.159 ha cây công nghiệp, cây ăn quả bị đổ, gãy; 29.400 con gia súc và 774.427 con gia cầm bị chết; 11.900 ha nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại; 884 km đê, kè, kênh mương, bờ bao và 8,4 triệu m3 đất đá đường Quốc lộ, tỉnh lộ và đường giao thông nông thôn bị sạt trượt; hơn 86 km bờ sông, bờ biển bị sạt lở; 107 tàu thuyền bị chìm do bão. Tổng thiệt hại về kinh tế ước tính gần 20.000 tỷ đồng

Vì vậy, hội nghị xác định các mục tiêu chính đối với công tác phòng, chống thiên tai năm 2019 gồm: Văn phòng thường trực cấp tỉnh đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, trong đó 50% các khu vực trọng điểm về thiên tai được giám sát trực tuyến, 100% kết nối phòng họp giao ban trực tuyến. 100% các hộ dân bị mất nhà ở trong các đợt thiên tai hiện phải đi ở nhờ, ở tạm được hỗ trợ kinh phí để ổn định nơi ở trước mùa mưa lũ năm 2019. Có 100% các đối tượng vùng có nguy cơ chịu ảnh hưởng thiên tai nhận được thông tin dự báo, cảnh báo, hướng dẫn kỹ năng ứng phó. Tối thiểu 30% các xã, thôn, bản hoàn thành xây dựng và hoạt động lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai trong năm 2019, đến hết năm 2020 hoàn thành 100%.

Dự báo thiên tai trong năm 2019. Ảnh tư liệu

Hội nghị cũng được nghe các tham luận của các Bộ Tài nguyên và Môi trường, Công Thương, các địa phương Hà Nội, Thanh Hóa, Khánh Hòa, Thừa Thiên - Huế, Cà Mau và đại diện tổ chức Liên hợp quốc tại Việt Nam về thực hiện hỗ trợ, cải thiện công tác giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.

Dịp này, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đã tặng Bằng khen cho 34 tập thể 55 cá nhân có thành tích xuất sắc, đột xuất trong công tác chỉ đạo, thực hiện, truyền thông về công tác PCTT - TKCN năm 2018. Trước đó, Hội nghị cũng đã công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ về kiện toàn Ban chỉ đạo Trung ương về PCTT.

Hoài Thu