Vì sao không thể xử lý vụ tranh chấp đất kéo dài của người dân 2 xã ở Tân Kỳ?

Phạm Bằng 20/06/2019 15:40

(Baonghean) - Tình trạng tranh chấp 21 ha đất rừng tại khu vực Khe Đá của người dân xã Phú Sơn và Nghĩa Hành (Tân Kỳ) đã kéo dài nhiều năm mà chưa giải quyết dứt điểm. Chính quyền cơ sở nói rằng, đã “bất lực”...

ĐẤT THUỘC XÃ PHÚ SƠN

Tháng 11/2018, Báo Nghệ An đã có bài viết phản ánh về tình trạng tranh chấp đất rừng giữa người dân 2 xã Phú Sơn và Nghĩa Hành (huyện Tân Kỳ). Cụ thể, gia đình ông Hồ Văn Công và nhiều hộ dân khác ở xóm Trung Sơn, xã Phú Sơn vào năm 2002 đã được Hạt Kiểm lâm huyện Tân Kỳ, phòng địa chính huyện Tân Kỳ, xã Phú Sơn bàn giao đất thực địa tại khu vực Khe Đá.

Tuy nhiên, đến năm 2016, khi ông Công và mọi người vào tổ chức phát sẻ để trồng cây tại khu vực này thì UBND xã Nghĩa Hành yêu cầu không được thực hiện vì cho rằng, phần đất này thuộc địa giới hành chính xã Nghĩa Hành. Sau đó, nhiều hộ dân xã Nghĩa Hành đã âm thầm tổ chức lực lượng vào phát rừng, trồng cây keo trên diện tích đất rừng đã được giao cho người dân xã Phú Sơn.

Người dân xã Phú Sơn bất lực nhìn người dân xã Nghĩa Hành vào canh tác trên đất của mình. Ảnh: P.B
Người dân xã Phú Sơn bất lực nhìn người dân xã Nghĩa Hành vào canh tác trên đất của mình. Ảnh: P.B

Tình trạng tranh chấp đất đai giữa người dân 2 xã tại khu vực này ngày càng diễn biến phức tạp. Ngày 4/5/2017, Ban chỉ đạo 513 của huyện Tân Kỳ ban hành thông báo số 55 về tuyến địa giới hành chính giữa hai xã.

Thông báo nêu rõ, phần đất xảy ra tranh chấp, xâm lấn thuộc địa giới hành chính xã Phú Sơn, do đó UBND xã Nghĩa Hành có trách nhiệm tuyên truyền, vận động cán bộ và nhân dân xã Nghĩa Hành không được xâm canh, xen lẫn nhau. Xã Nghĩa Hành cũng phải tạo mọi điều kiện thuận lợi để người dân Phú Sơn được canh tác trên phần đất đã được Nhà nước giao quyền sử dụng.

Tuy nhiên, sau khi có thông báo này, người dân xã Phú Sơn vào canh tác sản xuất thì lại bị UBND xã Nghĩa Hành ra văn bản đình chỉ. Sau đó một số người dân xã Nghĩa Hành tiếp tục tự ý phát sẻ và xâm lấn trên địa giới hành chính của xã Phú Sơn đã giao cho các hộ dân quản lý, dẫn đến mâu thuẫn, làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự.

Người dân xóm 1, xã Nghĩa Hành vào khu vực Khe Đá tranh chấp đất, tự phát sẻ, đốt dọn thực bì trên khu vực được Nhà nước giao cho người dân xã Phú Sơn. Ảnh: P.B
Người dân xóm 1, xã Nghĩa Hành vào khu vực Khe Đá tranh chấp đất, tự phát sẻ, đốt dọn thực bì trên khu vực được Nhà nước giao cho người dân xã Phú Sơn. Ảnh: P.B

Ngày 27/12/2018, UBND huyện Tân Kỳ có Kết luận số 21/KL-UBND nêu rõ, khu vực công dân xóm 1, xã Nghĩa Hành tiến hành phát sẻ rừng trái phép tại các thửa đất số 248, 254, 273, 277, 284, 288, 292 tờ bản đồ số 2 thuộc địa giới hành chính xã Phú Sơn đã được Nhà nước giao đất cho xóm Trung Sơn, xã Phú Sơn năm 1997. Đến năm 2002, diện tích này đã được giao cho các hộ gia đình thuộc xóm Trung Sơn sử dụng khoanh nuôi, bảo vệ và trồng rừng.

Không đồng tình với kết luận này, ông Hoàng Đức Thắng và nhiều công dân xóm 1, xã Nghĩa Hành tiếp tục khiếu nại lên UBND tỉnh. Sự việc sau đó được Chủ tịch UBND tỉnh giao trách nhiệm cho Sở Tài nguyên và Môi trường, phối hợp với Sở Nội vụ và các ban, ngành, lập tổ công tác liên ngành để tập trung chỉ đạo giải quyết dứt điểm.

Trên cơ sở kết quả xác minh, ngày 22/5, UBND tỉnh ban hành Công văn số 3423/UBND-BTD yêu cầu UBND huyện Tân Kỳ giải quyết dứt điểm tình trạng xâm lấn đất lâm nghiệp của công dân xã Nghĩa Hành với công dân xã Phú Sơn.

Tại Văn bản số 2623/BC.STNMT-TTr ngày 15/5/2019, Sở Tài nguyên và Môi trường đã kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh không công nhận việc một số công dân trú tại xóm 1, xã Nghĩa Hành đòi quyền sử dụng diện tích 21 ha khu vực Khe Đá gồm các thửa đất số 248, 254, 273, 277, 284, 288, 292 tờ bản đồ số 2 thuộc địa giới hành chính xã Phú Sơn.

UBND tỉnh giao Chủ tịch UBND tỉnh giao cho UBND huyện Tân Kỳ tổ chức thực hiện nghiêm túc, kịp thời các nội dung được nêu tại Kết luận số 21/KL-UBND ngày 27/12/2018 về kết quả kiểm tra, xác minh, giải quyết việc xâm lấn đất lâm nghiệp của công dân xã Nghĩa Hành với công dân xã Phú Sơn. Tại Công văn số 3423/UBND-BTD ngày 22/5/2019, UBND tỉnh Nghệ An cũng đã đồng ý với kiến nghị này.

CHÍNH QUYỀN XÃ BẤT LỰC

Nhiều cây trồng lớn cũng bị đốn hạ, đốt trụi, diện tích bị xâm hại rộng hơn 10ha. Ảnh: P.B
Nhiều cây trồng lớn cũng bị đốn hạ, đốt trụi, diện tích bị xâm hại rộng hơn 10ha. Ảnh: P.B

Trong kết luận vào tháng 12/2018, UBND huyện Tân Kỳ đã giao Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hành tăng cường công tác quản lý đất đai, tuyên truyền cho người dân không được lấn chiếm, phát sẻ và trồng rừng trên diện tích đã được giao cho các hộ dân xã Phú Sơn. Nếu để xảy ra việc công dân xã Nghĩa Hành khu vực trên lấn chiếm đất đai thì Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hành phải chịu trách nhiệm.

Tuy nhiên, tình trạng người dân xã Nghĩa Hành vào khu vực trên để phát sẻ, đốt cây vẫn tiếp tục tái diễn mặc dù chính quyền xã Nghĩa Hành đã thống nhất xác định địa giới hành chính thuộc xã Phú Sơn.

“Ông Hoàng Đức Thắng và một số công dân xóm 1, xã Nghĩa Hành đã biết khu vực Khe Đá thuộc địa giới hành chính xã Phú Sơn, nhưng tiếp tục có đơn phản ánh. Mặc dù UBND xã Nghĩa Hành đã nhiều lần giải thích, tuyên truyền, vận động nhưng đến nay người dân vẫn không đồng ý”.

Lãnh đạo UBND xã Nghĩa Hành (Tân Kỳ)

Mới đây, theo phản ánh của người dân xã Phú Sơn, mỗi ngày có hàng chục người dân xóm 1, xã Nghĩa Hành tiếp tục đến phần đất này ồ ạt phát sẻ, đốt thực bì. Liên tiếp trong các ngày 14, 15 và ngày 16/6 vừa qua, bất luận nắng nóng với nhiệt độ trên 38 độ C, bất chấp khuyến cáo của chính quyền địa phương không được đốt rừng, nhóm người này vẫn đốt rừng, dọn thực bì trên phần đất lấn chiếm.

"Bây giờ chính quyền xã cũng đã bất lực, nếu để người dân xã Phú Sơn kéo lên thì có thể tạo thành điểm nóng về an ninh trật tự".

Ông Đinh Xuân Công - Chủ tịch UBND xã Phú Sơn

“Trách nhiệm của xã là phải bảo vệ công dân của mình theo kết luận của huyện và tỉnh. Tuy nhiên, lực lượng công an xã có 3 đồng chí, rồi lực lượng công an thôn thì cũng rất ít. Trong khi người dân xã Nghĩa Hành mỗi lần lên là gần 50 người thì có bắt được hay không, bắt rồi xử lý thế nào khi thẩm quyền xã cũng có hạn”, ông Công nói và cho rằng, nếu không xử lý dứt điểm thì lâu dài có thể trở thành điểm nóng. Vì bây giờ, không chỉ xã Phú Sơn mà xã Nghĩa Hành cũng đã bất lực.

Theo hình ảnh ghi lại được, cả một vùng rừng rộng lớn hơn 10 ha bị đốt cháy nham nhở, nhiều thân cây lớn bị đốn hạ không thương tiếc. Do khu vực rừng bị đốt trải dài, nằm sát với các khu vực trồng keo trước đó của các hộ dân khác nên đã ảnh hưởng.

Tình trạng người dân xóm 1, xã Nghĩa Hành vào khu vực đất rừng đã được giao cho người dân xóm Trung Sơn, xã Phú Sơn tranh chấp đất, trồng keo đã kéo dài nhiều năm nhưng chưa được giải quyết dứt điểm. Ảnh: P.B
Tình trạng này đã kéo dài nhiều năm nhưng chưa được giải quyết dứt điểm. Ảnh: P.B

“Ngày 18/6, Chủ tịch UBND xã và Bí thư Đảng ủy xã cũng ra báo cáo trực tiếp với lãnh đạo huyện để xin ý kiến xử lý. Bây giờ, huyện đang giao cho xã ổn định tình hình, không để người dân mâu thuẫn, đánh nhau và trở thành điểm nóng như một số địa phương khác trước đây”, Chủ tịch xã Phú Sơn nói.

Theo lãnh đạo huyện Tân Kỳ, để xảy ra sự việc trên có phần trách nhiệm của chính quyền cơ sở. Vì vậy, huyện đã giao cho UBND xã Nghĩa Hành tuyên truyền cho người dân trên địa bàn xã không được lấn chiếm, phát sẻ và trồng rừng trên diện tích đã được giao cho các hộ dân xóm Trung Sơn, xã Phú Sơn. Đồng thời giao cho UBND xã Phú Sơn vận động nhân dân không để xảy ra tình trạng tranh chấp mâu thuẫn dẫn đến mất an ninh trật tự trên tuyến ranh giới hành chính của xã Phú Sơn và Nghĩa Hành.

“Đối với những vấn đề phát sinh, huyện đã chỉ đạo các cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ và giải quyết dứt điểm”.

Ông Hoàng Quốc Việt – Chủ tịch UBND huyện Tân Kỳ

Phạm Bằng