Giữ mãi ngọn lửa nghề
(Baonghean.vn) - Nghề báo - nói cho cùng thì cũng chỉ là một nghề, như bao nghề khác. Có chăng, mỗi một ngày với người làm báo đều là một thử thách.
Nghề làm báo, viết chuyện “người ta” đã nhiều, nhưng khi đặt bút viết về “chúng mình” lại thấy khó xiết bao. Ngay cả khi phỏng vấn - kỹ năng cơ bản nhất của một nhà báo - áp dụng lên những đồng nghiệp cũng chẳng phát huy nhiều tác dụng. Có ai nhận ra không, những người làm báo trên vai lỉnh kỉnh nào ba lô máy tính, nào phụ kiện máy ảnh… tất bật ở các sự kiện, thường xông pha tuyến đầu ở những nơi gian khổ nhất, “dám” hỏi cho ra nhẽ những người, những chuyện gai góc ẩn sâu nhất, lại chính là những người ngại “lên” mặt báo nhất. Lòng khiêm tốn, sự bận rộn và bao lý do gì khác nữa khiến việc trở thành một nhân vật trong bài báo trở thành điều “nên tránh”. Ấy nhưng, phải công bằng chứ, nếu ngày qua ngày chúng ta đã chuyển tải, đã khắc vẽ muôn nghề trong xã hội, thì hẳn cũng phải để những độc giả thân quý hiểu thêm rằng “trần gian còn một thứ nghề” (chữ dùng của nhà báo Đỗ Doãn Hoàng - PV) - nghề báo!
Trần gian còn một thứ nghề
Ngày băn khoăn trước những lựa chọn cuộc đời, tôi không chút ngần ngại chọn nghề nhà báo. Trong trí tưởng tượng non nớt được thổi phồng bởi những bộ phim truyền hình lúc bấy giờ, nhà báo là nghề nghiệp “oách” biết bao nhiêu. Trên phim chẳng phải là nhà báo nào cũng đeo máy ảnh hiện đại, tác nghiệp nhanh, phản ứng chớp nhoáng với các vấn đề, sự kiện… ; trò chuyện, phỏng vấn toàn là những đề tài hoành tráng, thể hiện sự thông minh, sắc bén và tinh nhạy vô cùng đấy sao. Ngay cả hình ảnh nhà báo đêm đêm thức trắng viết bài cũng… đẹp lạ kỳ!
Thế mà, những tưởng tượng ấy như bong bóng xà phòng, dần tan đi khi tôi thực sự dấn bước vào nghề. Nói như một ông anh đồng nghiệp: “Tao chưa thấy nghề nào khổ như nghề làm báo!”. Thì cũng máy tính, máy ảnh, máy quay hiện đại đấy, cũng đi sự kiện, phỏng vấn đấy, cũng thâu đêm suốt sáng viết bài đấy, nhưng khi không phản chiếu qua lăng kính màu hồng, mọi công việc của người làm báo hiện ra với muôn cực nhọc đặc thù.
Ông anh đồng nghiệp thực sự là một người anh lớn cả về tuổi đời lẫn kinh nghiệm làm nghề. Vốn là tay ngang rẽ vào nghề viết lách này, nhưng chỉ độ chục năm, ông đã tung hoành khai phá được một khoảnh riêng trên cánh đồng chữ nghĩa. Có phải là “tay ngang”, nên đường đi cũng “ngang” chứ chẳng theo thông lệ, ông chọn ngay mảng phóng sự điều tra - vốn là “trọng pháo” của mọi tờ báo. Mảng phóng sự điều tra nghe qua là đã biết khó khăn thế nào, bởi đề tài điều tra đều là những vấn đề nhức nhối, nhặm nhọt trong xã hội. “Dân” trong nghề vẫn thường nói, người làm điều tra như người đi ngược dòng, mà đã ngược dòng thì luôn sẵn sàng tâm thế ứng phó với bao thử thách, gian nguy và muôn vàn cám dỗ. Vì thế, người làm phóng sự điều tra đòi hỏi nhiều phẩm chất, tố chất và kỹ năng: sự hiểu biết, lòng trung thực, dũng cảm, tính nhẫn nại, kiên trì và nhạy bén…
Ông anh đồng nghiệp mà tôi muốn nói ở đây, nom tẩm ngẩm tầm ngầm, vẻ ngoài giản dị, thậm chí có phần tuềnh toàng và lối trò chuyện nhỏ nhẹ, từ tốn. Tất cả dường như trái ngược hẳn với một cây bút trên mặt báo đầy quyết liệt. Ở anh, đồng nghiệp và đàn em trong nghề nhận thấy một con người vừa lặng lẽ, vừa nhiệt huyết, vừa âm thầm vừa dấn thân, vừa từ tốn vừa sôi sục đến tận cùng… Anh có những chuyến lội rừng thoăn thoắt, nơi mà vắt, muỗi, ruồi vàng… chốn “khỉ ho cò gáy” chực chờ bước chân người. Anh cũng có những chuyến thâm nhập lặng lẽ hàng tháng, hàng năm trời, gặp gỡ bao người chỉ để thai nghén 1 tác phẩm. Anh cũng nổi tiếng là người có kỹ năng “bám” đề tài khiến đàn em trong nghề nể phục, với anh, số phận một bài báo không dừng lại ở khoảnh khắc tờ báo xuất bản và đến tay bạn đọc, mà hơn cả, là ảnh hưởng của “nó” đến những cuộc đời, những phận người.
Đề tài mà anh theo đuổi đều là những tuyến đề tài nóng, nhiều đường ngang ngõ tắt lắt léo, chịu tác động và áp lực nhiều chiều của chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng và dư luận xã hội; thậm chí cả những dọa dẫm, nguy cơ ảnh hưởng đến sự an toàn của bản thân và gia đình. Những chuyến “lội ngược dòng” như vậy không tránh khỏi những cám dỗ. Nhưng anh và nhiều đồng nghiệp khác nữa trong mảng phóng sự điều tra bảo rằng, những lúc lòng xao động, hãy luôn nhớ lý do mình đã bắt đầu. Đặt những bước chân đầu tiên lên hành trình vạn dặm, mỗi một người làm báo đều tâm niệm “mắt sáng, lòng trong, bút sắc”. Phê phán tiêu cực, lên án cái xấu, nhưng cần biết rằng cái xấu ấy chỉ là hiện tượng, không dùng nó để quy chụp bản chất. Vượt lên tất thảy là tính nhân văn, sự thiện lương trong mỗi trang báo, để dựng xây cuộc sống tốt đẹp hơn.
Nghề của muôn nghề
Chuyện trò nhân dịp kỷ niệm ngày “giỗ nghề”, có chị đồng nghiệp bảo: Nghề báo là nghề của muôn nghề! Ngẫm lại thấy… cũng đúng, khi nhìn nhận dưới góc độ kỹ năng làm báo. Chị đồng nghiệp thốt lên câu nói ấy, 15 năm trong nghề, đã từng là bà bán dừa, cô hàng muối, vị lữ khách nhỡ độ đường ghé xin chén nước… Cũng có lúc, chị lại lẫn vào trong hàng người mê muội để cầu “ơn trên” toại thành ước nguyện chữa bách bệnh… Những hóa thân ấy là muôn vàn tình huống mà dường như chẳng trường lớp đào tạo nào trao truyền được. Nghề dạy nghề, cứ thế, mỗi một ngày còn gắn bó với nghề báo, các phóng viên, nhà báo lại tích lũy thêm cho mình những kinh nghiệm thiết thân.
Nghề báo còn là nghề nguy hiểm. Điều này thì chắc chắn người làm báo nào cũng phải công nhận. Nguy hiểm đến từ nhiều phía: từ quá trình tác nghiệp gian nan, từ phía đối tượng được/ bị phản ánh, từ những luồng dư luận trái chiều đôi khi khó lường trước, và thậm chí đến từ chính bản thân mình. Bao phen, đằng sau những ngồn ngộn thông tin nóng hổi kịp thời và chính xác chuyển tới tay bạn đọc, là những mồ hôi, nước mắt và cả máu của người làm báo đã đổ xuống.
Làm sao quên được vụ tai nạn giao thông xảy ra với 2 người chị đồng nghiệp của tôi, trong một chuyến thực địa tại Quốc lộ 1A cách đây mấy năm. Vết sẹo dài trên cánh tay vẫn mãi còn đó, mà chị vẫn cười đùa là kỷ niệm của đời làm báo, như nhắc nhớ mãi về những hiểm nguy thầm lặng của nghề. Hay như một người anh đồng nghiệp khác, trong nhiều chuyến xâm nhập vào hiện trường các vụ việc nóng, gây bức xúc dư luận, phải đối mặt với những gạch, đá… và sự kích động từ quần chúng nhân dân. Những mảng tối của hiện thực đời sống xã hội, những sự thật hiển nhiên bị vùi lấp dưới lớp bụi của sự chủ quan, thờ ơ, vô trách nhiệm… đã được đưa ra ánh sáng bằng biết bao lao động nhà báo âm thầm như thế. Những bài báo giàu thông tin được căng trên trang Nhất nhật báo ở vị trí quan trọng nhất, nhưng bao giờ dòng tên tác giả cũng khiêm nhường nhất, thậm chí chỉ là một bút danh lặng lẽ.
Lặng thầm sau những dòng tin
Báo chí có nhiều thể loại, và tôi tin rằng các anh chị em trong nghề sẽ đồng tình rằng khó có người làm báo nào giỏi ở tất cả mọi thể loại. “Anh” có thể là một trong những người đứng đầu ở thể loại này, nhưng chưa chắc để thể hiện được ưu thế ở thể loại khác. Sự vào cuộc ở mọi thể loại tạo nên tính đa dạng, kỹ năng tác nghiệp linh hoạt cho các nhà báo, nhưng chính sự chuyên nghiệp hóa trong từng thể loại lại là điều cần thiết để mỗi người thêm ý thức trau dồi nghề nghiệp, nâng tầm và khẳng định “bút sắc” của mình.
Cách đây không lâu, tôi tình cờ bắt gặp bức ảnh những phóng viên thời sự - những người đồng nghiệp của mình đang tác nghiệp tại hiện trường một cuộc hội nghị quan trọng cấp tỉnh. Cuộc hội nghị diễn ra tới quá 12h trưa, trong lúc các đại biểu đã rời hội trường thì 5-6 phóng viên, nhà báo vẫn còn ngồi nán lại. Họ ngồi bệt ở một góc phòng, không bàn, không ghế, cặm cụi gõ phím máy tính xách tay nhỏ gọn, đeo tai nghe file ghi âm, xung quanh ngổn ngang máy ảnh, ống kính, phích cắm thiết bị… Lần ngồi ấy có khi phải kéo dài đến đầu giờ làm việc buổi chiều, trong trạng thái chưa có gì bỏ bụng, như rất nhiều cuộc làm việc khác mà họ từng trải qua. Chẳng ai than mệt, kêu đói, vì họ đã quen lắm với nhịp độ làm việc đòi hỏi thông tin nhanh, chính xác, kịp thời ấy rồi. Nghề phóng viên thời sự, mấy khi về kịp một bữa cơm nhà nóng sốt, mấy khi có mặt đúng vào những sự kiện quan trọng của gia đình? Tôi biết có những người chị là phóng viên thời sự lâu năm, đêm Giao thừa hay sáng mồng Một Tết vẫn còn rong ruổi theo những chuyến xe cùng lãnh đạo tỉnh đi chúc Tết các cơ quan, đơn vị. Tôi còn bắt gặp bao lần những người đồng nghiệp nữ, vội vàng khép máy tính lại rồi lao vội đến trường đón con khi ngoài kia đã chập choạng ngọn đèn đường. Cái hình ảnh trường học thênh thang vắng, đứa bé nhỏ xíu đứng nép dưới góc cầu thang, hoặc tủi thân ngồi khuất dưới gốc cây trước cổng trường ngóng mẹ khắc vào lòng như dao cứa. Biết bao lặng thầm đằng sau những dòng tin ngắn…
Giữ mãi ngọn lửa đam mê và tận hiến
Năm nay tròn 94 năm kỷ niệm ngày ra đời của tờ báo “Thanh niên” do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập: 21/6/1925 - 21/6/2019. Ngày tháng ý nghĩa này cũng được đặt làm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam để nâng cao vai trò và trách nhiệm xã hội của báo chí, thắt chặt mối quan hệ giữa báo chí với công chúng, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với báo chí. 94 năm, dường như đã trọn một vòng đời, nền báo chí cách mạng Việt Nam đã có biết bao thế hệ người làm báo tiếp nối, giương cao ngọn cờ “mắt sáng, lòng trong, bút sắc”, xung kích đi đầu trên mặt trận thông tin tư tưởng.
Trò chuyện với các đồng nghiệp, khi hỏi về lý do chọn nghề báo, mỗi người đều thổ lộ những duyên cớ khác nhau, nhưng khi hỏi về lý do vẫn nguyện gắn kết với nghề báo, dẫu gian nan, dẫu hiểm nguy…, thì tất thảy dường như chỉ chung một lý do. Biết khổ mà vẫn theo, biết gian nan mà vẫn gắn bó, không bỏ không rời, thì chẳng vì tình yêu và niềm đam mê thì còn bởi gì khác nữa? Nghề báo, với nhiều đồng nghiệp của tôi, đã trở thành nghiệp gắn thân rồi. Ngày kỷ niệm nghề, xin chúc cho chúng ta giữ mãi được ngọn lửa nghề đầy tin yêu, nhiệt huyết, đam mê, tận hiến, để bước tiếp và vượt qua những chặng đường đang đi và sẽ tới./.