Nghệ An yêu cầu các nhà máy thủy điện phối hợp xả nước chống hạn

Lâm Tùng 22/06/2019 10:37

(Baonghean.vn) - Đó là một trong những nội dung của công điện do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Viết Hồng vừa ký ngày 21/6/2019 về chống hạn vụ hè - thu - mùa 2019.

Công điện nêu rõ: Hiện nay đang là thời kỳ cao điểm cấp nước tưới cho sản xuất vụ hè thu nhưng tình hình thời tiết diễn biến hết sức bất lợi: Mưa tiểu mãn không đáng kể, nắng nóng gay gắt, một số nơi đặc biệt gay gắt, kéo dài với nền nhiệt độ cao phổ biến 37 - 40oC, có nơi trên 41°C; kết hợp gió Tây Nam, hiệu ứng phơn kéo dài, mực nước trên các triền sông suối xuống thấp, mực nước sông Cả tại thượng lưu cống Nam Đàn thấp nhất xuống mức 0.5m thiết kế 1,15 m.

Mực nước trong các hồ chứa xuống thấp, nhiều hồ đã cạn, tình trạng thiếu nước, khô hạn đã xảy ra trên diện rộng, nước mặn có nguy cơ xâm nhập sâu ở vùng cửa sông, ven biển.

Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn khu vực Bắc Trung bộ, tình hình nắng nóng diện rộng còn có thể kéo dài trong nhiều ngày tới, có khả năng đến đầu tháng 7.

Nội dung Công điện.
Nội dung công điện.

Để ứng phó với tình hình nắng nóng, hạn hán đảm bảo nước phục vụ cho sản xuất vụ hè thu mùa năm 2019 và sinh hoạt, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu: Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các Ban, Ngành liên quan: Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã; Giám đốc các Công ty TNHH Thủy lợi, Thủy điện, Điện lực khẩn trương thực hiện một số nhiệm vụ cấp bách sau đây:

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã phối hợp chặt chẽ với các Công ty Thủy lợi trên địa bàn, chủ động lực lượng, thiết bị, máy bơm dầu, bơm điện dã chiến, tận dụng mọi nguồn nước để bơm tưới phục vụ sản xuất và cấp nước cho sinh hoạt, dân sinh.

Thường xuyên kiểm tra, rà soát, cân đối nguồn nước để điều chỉnh kế hoạch sản xuất vụ hè thu - mùa năm 2019 cho phù hợp với điều kiện của địa phương; Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ hợp lý, những diện tích không đảm bảo đủ nguồn nước tưới suốt vụ phải chuyển sang gieo trồng các loại cây khác hoặc chuyển vụ nhằm đảm bảo gieo trồng hết diện tích đã đề ra. Chỉ đạo, hướng dẫn nhân dân các biện pháp chống hạn cho các loại cây công nghiệp, cây ăn quả như: chè, cà phê mía, cam, dứa.

Hàng trăm ha lúa của người dân Đô Lương không có nước để tỉa dặm. Ảnh: Tư liệu
Hàng trăm ha lúa của người dân Đô Lương không có nước để tỉa dặm. Ảnh tư liệu

Yêu cầu Sở Nông Nghiệp và PTNT theo dõi chặt chẽ tình hình diễn biến thời tiết, khí hậu và tình hình hạn hán; Phối hợp với Đài Khí tượng thủy văn Bắc Trung bộ để nắm thông tin dự báo; Cử cán bộ đi xuống các địa bàn để chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng, chống hạn hán; Phối hợp với UBND các huyện, thành phố, thị xã chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và PTNT (phòng Kinh tế), các Công ty TNHH Thủy lợi quản lý chặt chẽ nguồn nước, chống rò rỉ, thất thoát nước các hồ chứa, phân phối nước hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả.

Chỉ đạo việc phối hợp các đơn vị quản lý thủy nông với cơ quan điện lực đảm bảo cung cấp điện kịp thời để các trạm bơm hoạt động bơm cấp nước; Phối hợp với các nhà máy thủy điện: Bản Vẽ, Khe Bố, Chi Khê xác định nhu cầu dùng nước vùng hạ du, báo cáo UBND tỉnh, Bộ Tài nguyên và Môi trường để điều chỉnh kế hoạch xả nước kịp thời.

UBND tỉnh cũng yêu cầu các nhà máy thủy điện: Bản Vẽ, Khe Bố, Chi Khê phối hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp và PTNT thống nhất kế hoạch xả nước gắn với nhu cầu sử dụng nước cho sinh hoạt và sản xuất vùng hạ du.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng yêu cầu Sở Công Thương, Công ty Điện lực Nghệ An, Các công ty TNHH Thủy lợi, Báo Nghệ An, Đài PT-TH tỉnh, các ban ngành cấp tỉnh theo chức năng nhiệm vụ của mình chủ động phối hợp thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống hạn.

Lâm Tùng