Khi chính sách dân số vào hương ước

Song Hoàng 29/06/2019 10:25

(Baonghean) - Lồng ghép và đưa chính sách dân số vào hương ước là chủ trương được thực hiện khá sớm tại Nghệ An.

Khi làng có “luật”
Về phường Quỳnh Thiện (thị xã Hoàng Mai), nói về việc đưa chính sách dân số vào hương ước, quy ước, rất nhiều người dân trong khối bày tỏ sự đồng tình. Theo quy ước ở đây, nếu vi phạm chính sách dân số thì các gia đình sẽ không được xét công nhận gia đình văn hóa. Còn ở khối nào có người dân vi phạm thì không được công nhận là khối văn hóa.

Theo lãnh đạo phường này, năm 2018, việc thực hiện quy ước, hương ước được triển khai rất nghiêm túc và có 31 hộ dân bị cắt danh hiệu gia đình văn hóa, trong đó có cả gia đình cán bộ, đảng viên, giáo viên.

Tư vấn về việc thực hiện các biện pháp tránh thai cho người dân xã Quỳnh Liên - TX. Hoàng Mai. Ảnh: Song Hoàng
Tư vấn về việc thực hiện các biện pháp tránh thai cho người dân xã Quỳnh Liên (TX. Hoàng Mai). Ảnh: Song Hoàng

Bên cạnh đó, một số xóm như Tân Hùng, Thịnh Mỹ, dù các phong trào khá sôi nổi nhưng vì số hộ vi phạm sinh con thứ 3 trở lên cao nên cũng đã bị cắt danh hiệu khối văn hóa. Đánh giá về việc thực hiện hương ước, quy ước đối với công tác dân số, bà Nguyễn Thị Tâm – viên chức dân số của phường Quỳnh Thiện cho biết, các quy định trong hương ước, quy ước do người dân trong khối tự bàn bạc, thông qua nên khi đi vào thực hiện đều được các hộ dân tuân thủ nghiêm túc.

"Chúng tôi cũng xác định, trong hoàn cảnh hiện nay, khi các chế tái xử lý vi phạm chính sách dân số đang có xu hướng “nới lỏng” thì chính hương ước, quy ước sẽ là một cơ sở quan trọng để các địa phương làm tốt công tác dân số, giúp người dân tự nâng cao ý thức trách nhiệm của mình đối với khối xóm, đối với khu dân cư mà mình đang sinh sống”, bà Tâm nói.

Tiếp thị phương tiện tránh thai cho người dân huyện Diễn Châu. Ảnh: Song Hoàng
Tiếp thị phương tiện tránh thai cho người dân huyện Diễn Châu. Ảnh: Song Hoàng

Toàn tỉnh hiện có hơn 8.000 thôn, xóm, bản có hương ước, quy ước đạt tỷ lệ hơn 96%. Việc triển khai hương ước, quy ước đã đóng góp thiết thực đối với công tác quản lý xã hội tại cộng đồng dân cư, góp phần đưa chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước nói chung, lĩnh vực Dân số - KHHGĐ nói riêng đi vào cuộc sống.

Bên cạnh đó, nhờ lồng ghép nội dung dân số và phát triển vào các sinh hoạt cộng đồng, lễ hội văn hóa, hương ước, quy ước của thôn, xóm cũng đã huy động được cả hệ thống chính trị và mọi người dân tham gia tích cực hơn vào chính sách DS - KHHGĐ. Từ đó, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, giữ gìn và phát huy truyền thống tập quán tốt đẹp của cộng đồng dân cư ở cơ sở; bài trừ các thủ tục lạc hậu; hình thành giá trị chuẩn mực xã hội phù hợp với truyền thống, bản sắc của địa phương; phát huy và mở rộng dân chủ ở cơ sở.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, hiện nay việc thực hiện hương ước, quy ước ở cơ sở cũng có những khó khăn bất cập, đặc biệt là trong thời điểm hiện nay.
Xã ven biển Diễn Bích nhiều năm nay luôn là một trong những điểm “nóng” của huyện Diễn Châu về gia tăng nhanh tỷ lệ sinh con thứ 3. Những năm trước, việc xử lý các gia đình vi phạm chính sách dân số trên địa bàn được thực hiện theo Quyết định số 43/2015/QĐ-UBND ngày 21/8/2015 của UBND tỉnh và được đánh giá là khá nghiêm. Tuy nhiên, kể từ tháng 2/2018, sau khi Quyết định 11/2018/QĐ-UBND được ban hành, việc triển khai công tác dân số trên địa bàn xã gặp nhiều khó khăn.
Để thực hiện Quyết định 11, xã cũng chỉ đạo các thôn xóm bổ sung nội dung về xử lý vi phạm chính sách dân số vào hương ước, quy ước của các đơn vị. Thế nhưng, sau hơn một năm thực hiện, hiệu quả mang lại chưa đáng là bao. Nói về điều này, ông Nguyễn Viết Mãn, Chủ tịch UBND xã cho biết: “Tỷ lệ sinh con thứ 3 ở xã Diễn Bích khoảng 30% và chưa có dấu hiệu giảm. Hiện, trong hương ước, quy ước của các xóm đều quy định nếu vi phạm thì các hộ dân sẽ tự nguyện đóng góp vào quỹ dân số. Thế nhưng, dù có quy định khá cụ thể nhưng hai năm trở lại đây chưa có trường hợp nào tuân thủ”.
Khó giảm tỷ lệ sinh con thứ 3
6 tháng đầu năm 2019, toàn tỉnh có 5.208 trẻ sinh con thứ 3 trở lên, tăng 19 trẻ so với cùng kỳ và chiếm tỷ lệ 22,8% tổng số trẻ sinh ra trong toàn tỉnh. Việc trẻ thứ 3 gia tăng cũng không nằm ngoài dự đoán khi hai năm trở lại đây các chế tài xử lý về sinh con thứ 3 có nhiều thay đổi và chưa có chế tài đủ mạnh để răn đe.

Trong khi đó, việc thực hiện theo hương ước, quy ước đang gặp nhiều khó khăn và chủ yếu là trên tinh thần tự nguyện. Như ở huyện Hưng Nguyên, liên tục 25 năm liền xóm 2 xã Hưng Tân không có người sinh con thứ 3, nhưng, năm nay kỷ lục này đã bị phá vỡ.

Ông Nguyễn Kim Bảng – Giám đốc Trung tâm Dân số - KHHGĐ huyện Hưng Nguyên cũng thừa nhận: “Trước đây, thôn, xóm, đơn vị làm tốt chính sách dân số có khen, có phê bình rõ ràng. Nhưng nay các quy định này đều đã bị “cắt” nên người dân không có động lực để phấn đấu, giữ gìn. Điều này cũng gây khó khăn trong việc thực hiện hương ước, quy ước ở các đơn vị vì không có căn cứ cụ thể để xây dựng các quy định... Thực tế, trong 6 tháng đầu năm, tỷ lệ sinh con thứ 3 của Hưng Nguyên tăng 6% so với cùng kỳ và cao hơn mức bình quân chung của tỉnh với tỷ lệ 26%”.

Bà Lữ Thị Sửu, bản Vĩnh Kim, xã Hoa Sơn, huyện Anh Sơn tuyên truyền các biện pháp tránh thai. Ảnh: Công Kiên
Bà Lữ Thị Sửu, bản Vĩnh Kim, xã Hoa Sơn, huyện Anh Sơn tuyên truyền các biện pháp tránh thai. Ảnh: Công Kiên

Huyện Diễn Châu cũng là một trong những địa phương sớm đưa hương ước, quy ước vào triển khai ở thôn xóm. Sau 7 năm đi vào thực hiện, so sánh việc thực hiện hương ước, quy ước ở hai thời điểm khác nhau (năm 2012 – 2019), bà Trần Thị Lương – Giám đốc Trung tâm Dân số - KHHGĐ cho biết: “Ngày trước chúng tôi xây dựng hương ước, quy ước căn cứ vào Quyết định 76 (sau này thay thế quyết định 43) và theo sự bàn bạc, thống nhất của người dân trong thôn, xóm nên việc thực hiện các chế tài xử lý rất thuận lợi và người dân đồng tình. Nhưng nay, các văn bản, hướng dẫn nội dung còn chung chung nên việc triển khai các chính sách thiếu rõ ràng và khó áp dụng vào thực tế”.

Anh Nguyễn Đình Nghĩa, bản Tân Hợp, xã Tam Thái, huyện Tương Dương vận động chị em thực hiện các biện pháp tránh thai. Ảnh: Công Kiên
Anh Nguyễn Đình Nghĩa, bản Tân Hợp, xã Tam Thái, huyện Tương Dương vận động chị em thực hiện các biện pháp tránh thai. Ảnh: Công Kiên

Đồng quan điểm, đại diện Trung tâm Dân số - KHHGĐ thị xã Hoàng Mai cho rằng: “Việc cắt các danh hiệu văn hóa là đúng với quy ước, hương ước đã đề ra, nhưng chế tài xử lý này chưa đủ mạnh nên chưa có tính răn đe cao”.

Trong thời gian tới, công tác Dân số - KHHGĐ của Nghệ An dự báo còn gặp nhiều khó khăn, nhất là trong thời điểm các thôn, xóm đang tiếp tục sáp nhập và việc thực hiện hương ước, quy ước có thể bị gián đoạn. Hiện, tỉnh cũng đang chỉ đạo để các ngành liên quan nghiên cứu bộ “khung” nhằm xây dựng các quy định về hương ước, quy ước trong giai đoạn mới. Nhưng, dù với hình thức nào, chỉ khi phản ánh đúng tâm tư, phản ánh đúng thực tế ở cơ sở và bám sát các chủ trương, chính sách thì khi đó hương ước, quy ước mới thực sự hiệu quả và thuận lợi khi đi vào cuộc sống.


Song Hoàng