Lò thuốc phóng xạ hỏng, bệnh nhân Sài Gòn phải ra Hà Nội
Hệ thống sản xuất thuốc phóng xạ cung cấp cho toàn TP HCM bị hỏng một tháng nay, bệnh nhân phải ra Hà Nội, Đà Nẵng chụp PET/CT.
Hệ thống Cyclotron sản xuất thuốc 18F-FDG đặt tại bệnh viện Chợ Rẫy là nguồn duy nhất cung cấp thuốc phóng xạ cho việc chụp PET/CT ở ba bệnh viện, gồm Chợ Rẫy, Quân y 175 và Nhân dân 115. PET/CT là phương tiện chẩn đoán, theo dõi, điều trị nhiều bệnh lý, đặc biệt là phát hiện sớm ung thư, đang có nhu cầu sử dụng cao.
Bác sĩ Nguyễn Xuân Cảnh, Trưởng Khoa Y học hạt nhân, Bệnh viện Chợ Rẫy, xác nhận hệ thống bị hỏng một tháng nay, khiến các bệnh viện dùng PET/CT đều phải ngừng phương pháp. Hệ thống đã được gửi sang Mỹ để sửa chữa.
"Thuốc phóng xạ sản xuất ra có thời gian rất ngắn, phải sử dụng trong khoảng 6-8 tiếng.Vì vậy chúng tôi không thể chuyển thuốc từ các tỉnh thành xa đến thay thế", bác sĩ Cảnh nói.
Máy chụp PET/CT ở Bệnh viện Chợ Rẫy ngưng hoạt động do không có thuốc. Ảnh: Lê Phương. |
Mỗi tuần Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp nhận khoảng 50 ca chụp PET/CT, bệnh viện Quân y 175 và Nhân dân 115 khoảng 30 ca mỗi nơi. Hiện những bệnh nhân có nhu cầu kiểm tra gấp được giới thiệu đến Đà Nẵng, Hà Nội thực hiện.
Trong khi các phương pháp chẩn đoán hình ảnh khác thường chỉ áp dụng ở một vùng cơ thể, PET/CT có thể khảo sát toàn thân, giúp chẩn đoán bệnh ở mức độ tế bào, mức độ phân tử và có độ nhạy, độ đặc hiệu, độ chính xác cao, có khả năng phát hiện tổn thương và bệnh lý ở giai đoạn rất sớm.
Theo bác sĩ Cảnh, hiện nay có nhiều phương pháp chẩn đoán hình ảnh khác như CT, MRI, siêu âm, xạ hình xương... cũng rất tốt, có thể phối hợp dùng cho bệnh nhân mang lại hiệu quả cao. PET/CT là phương pháp có nhiều ưu điểm, giá một lần chụp khoảng hơn 26 triệu đồng.
Bệnh viện Chợ Rẫy hy vọng trong tuần tới hệ thống có thể sửa chữa xong và hoạt động trở lại.
"Trong tương lai TP HCM nên có thêm lò sản xuất thuốc phóng xạ để có thể hỗ trợ nhau khi có sự cố, cũng như phát triển nhiều cơ sở chụp PET/CT vì nhu cầu bệnh nhân rất lớn", bác sĩ Cảnh nói.