Chia sẻ các kinh nghiệm thực tiễn về chính sách dân tộc trong thời kỳ mới

Thanh Quỳnh 03/07/2019 12:15

(Baonghean.vn) - Nhiều kinh nghiệm quý trong thực tiễn triển khai thực hiện công tác dân tộc và các chính sách dân tộc trong phát triển kinh tế - xã hội đã được chia sẻ tại buổi tọa đàm sáng 3/7 ở Trường Chính trị tỉnh.

Chủ trì buổi tọa đàm có các đồng chí : Đậu Tuấn Nam – Phó vụ trưởng, Vụ quản lý Đào tạo Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; Lương Thanh Hải, TUV, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh; Nguyễn Thị Hồng Hoa, TUV, Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh. Ảnh
Sáng 3/7, Trường Chính trị tỉnh phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh tổ chức buổi tọa đàm với đoàn công tác của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. Chủ trì buổi tọa đàm có đồng chí Đậu Tuấn Nam - Phó Vụ trưởng Vụ quản lý Đào tạo - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; các đồng chí Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh: Nguyễn Thị Hồng Hoa - Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh, Lương Thanh Hải - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh. Tham dự còn có cán bộ, học viên lớp Cao cấp lý luận chính trị K69.B22 của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. Ảnh: Thanh Quỳnh

Xung quanh vấn đề liên quan đến công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Nghệ An, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Lương Thanh Hải cho biết, thời gian qua, tình hình thực hiện công tác dân tộc và chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh đã đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần quan trọng trong việc thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.

Theo Nghị định số 05/2011/NĐ-CP, chính sách dân tộc được phân chia thành 13 nhóm chính sách, liên quan đến 17 sở và 11 ban, ngành triển khai chỉ đạo thực hiện. Ở thời điểm hiện tại, có 70 văn bản về công tác dân tộc và chính sách dân tộc của Trung ương và 11 chính sách của tỉnh đang có hiệu lực.

Tuy nhiên, có nhiều chính sách chậm cấp nguồn vốn thực hiện và không có tính bền vững khi đầu tư dàn trải. Những chính sách hỗ trợ về cây giống, con giống, muối, gạo cho đồng bào với số lượng nhỏ lẻ, chưa phù hợp với nhu cầu của người dân.


Tọa đàm
Nhiều câu hỏi về việc triển khai thực hiện công tác dân tộc và các chính sách dân tộc trong thời kỳ mới của các đại biểu được giải đáp thấu đáo. Ảnh: Thanh Quỳnh

Dù mức sống của vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) ngày càng có nhiều bước chuyển tích cực nhưng đến nay tỷ lệ hộ nghèo còn cao, bà con vẫn còn duy trì nhiều hủ tục lạc hậu, hơn 200 bản chưa có điện lưới Quốc gia, hệ thống hạ tầng giao thông còn nhiều bất cập.

Trước thực trạng đó, đồng chí Trưởng ban Dân tộc tỉnh cho rằng, ngoài nghị quyết của Trung ương thì vùng đồng bào DTTS cần thêm những nghị quyết, chính sách riêng để phù hợp với từng vùng đặc thù.

Bên cạnh tập trung nguồn lực về vốn, chính sách, cần phát huy tinh thần tự lực của các dân tộc nhằm triển khai có hiệu quả công tác dân tộc, đặc biệt liên quan đến các vấn đề về bảo tồn, phát huy văn hóa các dân tộc, xây dựng nông thôn mới và xây dựng các công trình giao thông, điện lưới và hạ tầng phục vụ dân sinh...


Nhiều chính sách dân tộc thiếu vốn để triển khai đồng bộ.
Nhiều xã, thôn bản vùng dân tộc thiểu số vẫn còn bị biệt lập, chưa có đường giao thông đi lại được bằng phương tiện có động cơ. Ảnh minh họa: Hữu Vi

Tại buổi tọa đàm, các học viên lớp Cao cấp LL - CT K69.B22 của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đã đặt ra 14 câu hỏi, vấn đề liên quan đến việc thực hiện công tác dân tộc và chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Các câu hỏi đã được đại diện các ban, ngành liên quan giải đáp cặn kẽ.

Trong đó, những kinh nghiệm trong công tác dân vận vùng đồng bào DTTS được đại diện Ban Dân vận Tỉnh ủy chia sẻ thông qua việc thực hiện Chỉ thị 16/CT-CP của Thủ tướng Chính phủ về công tác dân vận chính quyền thiết thực, hiệu quả, trong đó tập trung chuyển biến nhận thức về công tác dân vận chính quyền vùng DTTS.

Về công tác dân vận trong thực hiện các giải pháp tạo sinh kế cho bà con đã được UBND các cấp cụ thể bằng các chương trình như: đề án phát triển kinh tế - xã hội miền Tây Nghệ An; bảo tồn, phát triển tộc người Ơ Đu và Đan Lai; hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở theo Quyết định 167/QĐ-TTg của Chính phủ...
Kết thúc buổi tọa đàm, các học viên của lớp viên lớp Cao cấp LL – CT K69.B22 đã trao tặng một số suất quà trị giá 50 triệu đồng cho các em học sinh vùng dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn ở tỉnh Nghệ An.
Kết thúc buổi tọa đàm, các học viên lớp Cao cấp LL - CT K69.B22 đã trao tặng các suất quà trị giá 50 triệu đồng cho học sinh vùng dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn ở tỉnh Nghệ An. Ảnh: Thanh Quỳnh

Thanh Quỳnh