Khám phá đền Linh Kiếm - nơi thờ ông Nguyễn Trung Ngạn
(Baonghean) - Ngôi đền cổ kính Linh Kiếm tại làng Thuận Lý, xã Thuận Sơn, huyện Đô Lương được xây dựng để thờ ông Nguyễn Trung Ngạn - một nhân vật lịch sử có công lớn thời Trần. Ông được ví là “Rực sáng như sao Bắc Đẩu, cao vời vợi như núi Thái Sơn”.
Nằm gần bên bờ sông Lam, trải qua gần 700 năm, hiện nay đền Linh Kiếm vẫn giữ nguyên vẹn những nét cổ kính. Đền là nơi thờ ông Nguyễn Trung Ngạn, người ở làng Thổ Hoàng, huyện Thiên Thi, nay là huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên, ông là con trai của Trạng nguyên Nguyễn Hiền.
Ông có công đánh dẹp giặc Ai Lao, năm 1337 ông giữ chức An Phủ xứ Nghệ, có công giữ yên bờ cõi, nghiêm trị những kẻ tham quan. Ông phát hiện vùng đất Anh – Đô (Anh Sơn – Đô Lương), khai phá lập nhiều trang trại, khuyến khích các làng, xã mở trường dạy học. Danh nhân Nguyễn Trung Ngạn (1289 -1370) được đương thời và hậu thế đánh giá là một tài năng xuất chúng trên nhiều lĩnh vực.
Mặt trước đền Linh Kiếm. Ảnh: Ngọc Phương |
Nguyễn Trung Ngạn thuở nhỏ tên là Cốt, tự là Bang Trực, hiệu là Giới Hiên. Tài năng của ông phát lộ từ rất trẻ, ngay lúc nhỏ ông đã nổi tiếng thông minh. Mới 15 tuổi, ông đã thi đỗ Hoàng giáp (1304), về sau làm quan đến chức Nhập nội Đại Hành Khiển (tức Tể tướng), tước Thân Quốc Công, đứng đầu hàng ngũ quan lại trong triều đình.
Ông là một nhà chính trị giỏi, nhà ngoại giao xuất sắc, nhà làm luật công tâm, nhà hoạch định chính sách sáng suốt, đồng thời cũng là một nhà thơ có tài. Trong “Đại việt sử ký toàn thư”, so với những nhân vật cùng thế hệ, Nguyễn Trung Ngạn được ghi chép nhiều hơn cả, với nhiều lời ngợi ca. Càng làm quan chức vụ càng lớn, ông luôn dám đổi mới và đổi mới có hiệu quả.
Ông giỏi về nội trị, ngoại giao, làm thơ, kinh qua thực tiễn ở các địa phương, đảm nhiệm tốt mọi chức trách ở kinh thành. Trước Nguyễn Trung Ngạn, cả triều Lý, triều Trần chưa có Tể tướng nào làm được như ông. Các ông Trần Nguyên Đán - đại thần, tôn thất nhà Trần và Nguyễn Trãi đã đánh giá rất cao nhân cách cũng như tài kinh bang tế thế của Nguyễn Trung Ngạn: “Sáng rực như sao Bắc Đẩu, cao vời vợi như núi Thái Sơn, dân đều ngưỡng mộ Hữu nhị đài”.
Đến năm 1370, ông mất, hưởng thọ 82 tuổi. Sau khi ông mất, triều đình cho phép nhiều địa phương lập đền thờ để hương khói thờ phụng, tri ân công lao của ông. Riêng vùng đất Thăng Long có 7 đền, ở Đô Lương tại xã Thuận Sơn lập đền Linh Kiếm thuộc làng Thuận Lý. Hiện nay, đền Linh Kiếm còn giữ 4 sắc phong của 4 triều đại.
Để tưởng nhớ công đức của ông, vào các ngày 11, 12/6 (âm lịch) hàng năm nhân dân xã Thuận Sơn tổ chức lễ hội và nhiều hoạt động văn hóa giàu bản sắc, thể hiện sự ngưỡng vọng vị Thành Hoàng Nguyễn Trung Ngạn, thu hút đông đảo nhân dân tham gia.
Ông Nguyễn Đình Thành và thanh kiếm cổ, tương truyền của Nguyễn Trung Ngạn. Chiếc mũ cổ được tháo rời, đường nét chế tác tinh xảo kết hợp chất liệu đồng và đá quý. Hình tượng mã hóa long (ngựa hóa rồng), một mảng chạm khắc cổ trong thượng điện ngôi đền. Hình vẽ long, phượng tha thư bằng chất liệu sơn ta, trải qua hàng trăm năm vẫn không phai màu. Ảnh: Ngọc Phương |
Trải qua gần 700 năm, đền Linh Kiếm vẫn giữ được kiến trúc cổ kính, được trang trí, chạm khắc công phu. Hiện nay đền đang lưu giữ nhiều cổ vật quý hiếm, trong đó có thanh kiếm cổ quý báu luôn được ông Nguyễn Trung Ngạn mang bên mình.
“Thanh kiếm được xem là bảo vật của đền, luôn được giữ gìn rất cẩn thận. Chuôi kiếm được chạm trổ rất tinh vi, thể hiện quyền lực của người sử dụng kiếm…”.
Ngoài kiếm cổ, đền còn lưu giữ chiếc mũ cổ được chế tác bằng đồng và đá quý. Đây là chiếc mũ của người có quyền lực cao trong thời kỳ phong kiến xưa. Hiện chiếc mũ đã được tháo rời ra từng bộ phận.
Tuy nhiên vẫn còn đầy đủ các chi tiết. Riêng cánh chuồn 2 bên mũ được chế tác rất tinh xảo. Lư hương ở thượng điện có niên đại thời Lý, với hình tượng rồng có 3 vọt ở trên kỳ lưng. Lư hương này được chế tác bởi những người nghệ nhân xưa có tay nghề rất cao, nên rất quý hiếm.
Nhiều nhà nghiên cứu văn hóa và cổ vật đánh giá rất cao về cổ vật này. Đền còn có cuốn sách cổ từ thời Vua Thành Thái khi lên ngôi được 6 năm. Các Hào Lý của tổng Thuần Trung (9 làng) đã viết lên cuốn sách này.
Trong đền còn có nhiều cổ vật bằng gỗ, với các bức lưỡng long chầu nguyệt, chim phượng, lân, rùa trong đầm sen “tứ linh, tứ quý”. Toàn bộ kiến trúc trong đền là một bức tranh nghệ thuật mô tả tổng thể những ước nguyện tốt đẹp mà người xưa truyền lại cho hậu thế. Đền Linh Kiếm được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh năm 2012.