'Giấc mơ Mỹ' mất dần ánh hào quang với sinh viên Trung Quốc

Phú Bình 08/07/2019 16:48

(Baonghean) - Bị “kẹt” trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, sinh viên Trung Quốc đang tìm kiếm các điểm đến học tập thay thế - đe dọa cắt đi một nguồn thu quan trọng cho các trường đại học Mỹ.

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung là một trong những nguyên nhân khiến số học sinh Trung Quốc lựa chọn du học Mỹ giảm. Ảnh: AFP
Trung Quốc chiếm gần 1/3 số sinh viên nước ngoài tại các giảng đường Mỹ, rót hàng tỷ USD vào nền kinh tế nước này. Tuy nhiên, vào tháng 3, số lượng sinh viên Trung Quốc lần đầu tiên trong 1 thập kỷ có dấu hiệu giảm.


Theo vài công ty tư vấn du học cùng nhiều phụ huynh, học sinh mà hãng tin AFP phỏng vấn, việc trì hoãn cấp thị thực, quan ngại về việc bị dừng các hoạt động nghiên cứu và các mối lo về an toàn đã khiến sinh viên Trung Quốc nản lòng.

Theo khảo sát của hãng New Oriental China, các “đối thủ” trong lĩnh vực giáo dục như Anh, Australia và Canada là những nước hưởng lợi nhiều nhất.

Nhật Bản và Hàn Quốc - các điểm đến du học truyền thống của giới tinh hoa Trung Quốc - và các khu vực thuộc châu Âu, nhất là Đức và các quốc gia Scandinavi với lợi thế là các chương trình về kiến trúc, cũng đã chứng kiến sự tăng trưởng trong số lượng đơn xin nhập học.

Tác động “làm nản chí” bắt đầu xuất hiện từ giữa năm ngoái, sau khi chính quyền Tổng thống Donald Trump giảm thời hạn cấp visa cho sinh viên chuyên ngành khoa học và công nghệ từ 5 năm xuống còn 1 năm trong một số trường hợp.

“Hiện nay, khó có thể nói chắc việc liệu họ có thể hoàn thành việc học hay không”, Gu Huini - nhà sáng lập công ty tư vấn giáo dục Zoom In cho biết.

Hơn 1/3 trong số khoảng 360.000 sinh viên Trung Quốc đang theo học tại Mỹ trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kiến trúc và toán học. Nhưng số sinh viên Trung Quốc tại Mỹ đã giảm 2% hồi tháng 3 so với cùng kỳ năm trước. Đây là sự sụt giảm đầu tiên kể từ năm 2009.

Melissa Zhang, một học sinh trung học tại Bắc Kinh cho biết đã từ bỏ kế hoạch tới Mỹ và thay vào đó là học tiếng Đức với hy vọng được nhận vào chương trình học về rô bốt tại Dresden. Nữ sinh 17 tuổi cho biết: “Em đã lãng phí 1 năm ôn thi SAT (kỳ thi chuẩn hóa để vào đại học Mỹ). Nhưng tới Mỹ để làm gì nếu em có thể bị cấm tham gia phòng thí nghiệm nghiên cứu, chỉ vì em là người Trung Quốc”.

Bà Mingyue, phụ huynh của Melissa nói rằng “giấc mơ Mỹ đang mất dần ánh hào quang” đối với nhiều học sinh Trung Quốc: “Nếu Mỹ khiến các cháu cảm thấy không được chào đón, chúng sẽ đến nơi khác… thế hệ hiện nay cảm thấy toàn thể thế giới đều mở cửa chào đón chúng”.

Phú Bình