Ý kiến cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh khóa XVII
(Baonghean) - Hôm nay (10/7), HĐND tỉnh Nghệ An tiến hành khai mạc Kỳ họp thứ 9, khóa XVII, nhiệm kỳ 2016 - 2021. Báo Nghệ An xin trích dẫn một số ý kiến của cử tri gửi đến kỳ họp.
Ông Nguyễn Văn Dũng - Phó Chủ tịch UBND xã Diễn Ngọc (huyện Diễn Châu):
Người dân xã Diễn Ngọc đặt nhiều kỳ vọng vào kỳ họp HĐND tỉnh lần này, đồng thời muốn gửi gắm 3 kiến nghị, đề xuất. Thứ nhất, đề nghị HĐND tỉnh kiến nghị Trung ương bố trí để nạo vét cảng cá Lạch Vạn. Hiện nay, cảng cá này đã cạn, tàu có công suất từ 400CV trở lên không vào được, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế biển, đặc biệt là đối với các đội tàu xa bờ. Thực tế, nhiều trường hợp tàu trên 400CV phải sử dụng tàu nhỏ để trung chuyển hải sản đánh bắt được vào bờ, hoặc buộc phải cập bờ vào các cảng khác, rất bất tiện, gây phiền hà cho ngư dân, ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế.
Thứ hai, năm nay là một trong những năm khó khăn nhất của nghề khai thác và dịch vụ hậu cần nghề cá, nên chúng tôi kiến nghị HĐND có cơ chế, chính sách giãn nợ cho các chủ tàu đóng theo Nghị định 67 của Chính phủ, để bà con ngư dân tranh thủ làm ăn, kiếm nguồn trả nợ cho ngân hàng.
Thứ ba, nguồn lợi thủy sản đang ngày một cạn kiệt, vì thế, đề nghị HĐND tỉnh nghiên cứu kiến nghị Nhà nước có cơ chế, chính sách hỗ trợ cho ngư dân, đảm bảo thực hiện nghiêm túc việc không khai thác, đánh bắt thủy, hải sản trong mùa sinh sản, đảm bảo nguồn lợi thủy sản bền vững, lâu dài.
* * *
Cử tri Võ Hồng Cường -
Xóm trưởng xóm 1, xã Nghi Hợp, huyện Nghi Lộc
Từ năm 2015 đến nay, người dân trong xóm 1, xã Nghi Hợp phải chịu đựng ô nhiễm môi trường do các cơ sở sản xuất chế biến cá của xã Nghi Tân (thị xã Cửa Lò) xả thải trực tiếp ra môi trường không qua xử lý, chảy theo các dòng kênh mương. Xóm có gần 8 sào đất nông nghiệp để trồng lúa không sản xuất được do ảnh hưởng từ nước thải này. Một số người dân tiếc đất trồng rau nhưng khi làm đất bị nước bẩn gây mẩn ngứa, lở loét ngoài da nên bây giờ không ai dám sản xuất nữa.
Vấn đề các cơ sở sản xuất cá gây ô nhiễm môi trường được cử tri trong xóm phản ánh qua các cuộc tiếp xúc cử tri của HĐND các cấp và đã được đại biểu Nguyễn Xuân Quang - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Nghi Lộc kiến nghị tại diễn đàn Kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh khóa XVII.
Đề nghị HĐND tỉnh, UBND tỉnh quan tâm xử lý, giải quyết kiến nghị của cử tri đảm bảo đời sống và sản xuất của người dân. Cử tri cũng mong muốn chính quyền địa phương các cấp quan tâm theo dõi, kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ sở sản xuất, chế biến cá ở phường Nghi Tân, gây ô nhiễm môi trường; sớm có giải pháp xử lý kịp thời dứt điểm ô nhiễm, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của người dân.
* * *
Ông Lương Bá Quảng -
Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Nghệ An
Một thành phố đáng sống thì phải là nơi “đất lành, chim đậu”, tức là nơi đó có việc làm, xanh - sạch - đẹp; thân thiện, an ninh trật tự đảm bảo. Để xây dựng hình ảnh thành phố Vinh đáng sống, tất nhiên còn nhiều vấn đề cần thực hiện, nhưng theo tôi không nên làm tràn lan, mà đối với lĩnh vực quản lý đô thị trước hết cần tiếp cận theo hướng làm hình ảnh cho thành phố trước. Ví dụ như, cần chọn một vài tuyến phố trung tâm, trọng điểm: Trường Thi, Lê Mao, Quang Trung, Trần Phú, Nguyễn Thị Minh Khai để xây dựng những tuyến phố kiểu mẫu, làm trước. Ở đó vừa chấn chỉnh lấn chiếm vỉa hè, sắp xếp cho thật quy củ, chứ không thể làm đồng loạt cùng một lúc trên toàn thành phố vì vỉa hè là nơi tổng hòa các mối quan hệ xã hội. Lực lượng chức năng tại các tuyến phố làm điểm này cũng phải ứng xử thân thiện, người tham gia giao thông đi sai đường thì nhắc nhở, chỉ dẫn đến nơi đến chốn… Từ những cái đó tạo điều kiện cho con người ta cảm thấy một thành phố thân thiện, đáng sống… từ đó để dần dần nhân rộng.
* * *
Cử tri Quang Văn Phương -
Chủ tịch UBND xã Mường Nọc (Quế Phong)
Là địa phương miền núi, Mường Nọc gặp nhiều khó khăn trong thực hiện xây dựng nông thôn mới. Đầu tiên là địa hình đồi núi hiểm trở, có những bản gần như biệt lập với trung tâm xã như bản Luống, bản Đỏn Chám, Mướng Mừn, Ná Phí… nên để hoàn thành được tiêu chí về đường giao thông là hết sức vất vả.
Về tiêu chí thu nhập, theo bộ tiêu chí thì mức thu nhập bình quân đầu người trong năm 2019 cần đạt là 36 triệu đồng, tuy nhiên, đó là điều “quá sức” đối với một địa phương có hơn 97% là đồng bào dân tộc thiểu số như Mường Nọc. Lấy con số ước lượng là thu nhập bình quân của toàn huyện Quế Phong là 19 triệu đồng (năm 2018) thì Mường Nọc cũng chỉ cao hơn một chút với mức 19,7 triệu đồng/người/năm. Dù tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo đã giảm mạnh sau khi bà con dần tiếp cận với khoa học kỹ thuật, hình thành các hướng sản xuất mía, rau sạch và nấm theo hướng sản xuất hàng hóa nhưng đến nay tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn 13,8%, hộ cận nghèo tới 32,7%. Với những bất lợi như thiếu đất sản xuất, trình độ bà con còn lạc hậu, cơ sở hạ tầng yếu kém thì để đạt được con số thu nhập bình quân ngang bằng với những vùng thuận lợi khác là điều hết sức khó.
Nhiều những tiêu chí khác như cơ sở vật chất, nhà ở dân cư, văn hóa… hiện vẫn còn là bài toán nan giải của địa phương. Đặc biệt là tiêu chí văn hóa, vì nếu việc xây dựng NTM loại bỏ một số phong tục tập quán của đồng bào thì không phát huy được sức mạnh của cộng đồng.
Vì vậy, đề nghị nên có sự cân nhắc, điều chỉnh các tiêu chí nông thôn mới cho phù hợp với từng dân tộc, từng tộc người, từng vùng miền...