Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường: Có hiện tượng nhà đầu tư làm thủ tục chỉ để giữ đất
(Baonghean.vn) - Dự án chậm tiến độ gây lãng phí tài nguyên đất, có hiện tượng nhà đầu tư làm thủ tục chỉ để giữ đất, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của tỉnh, trách nhiệm quản lý Nhà nước của các sở, ngành, địa phương trong công tác quản lý đất đai,…là nội dung được các đại biểu chất vấn Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Võ Duy Việt.
Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Xuân Sơn điều hành phiên chất vấn chiều 11/7, kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh khóa XVII. Ảnh: Thành Cường |
Dự án treo chưa được xử lý dứt điểm
Chất vấn Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), đại biểu Ngô Thị Thu Hiền (đơn vị TP. Vinh) đặt câu hỏi: Có bao nhiêu dự án thuê đất quá 24 tháng nhưng chưa triển khai, biện pháp xử lý đối với các dự án này trong thời gian tới?
Đại biểu Ngô Thị Thu Hiền (đơn vị thành phố Vinh) đặt câu hỏi chất vấn. Ảnh: Thành Cường |
Liên quan đến các dự án chậm tiến độ, đại biểu Đinh Thị An Phong (đơn vị Nghi Lộc), bày tỏ băn khoăn: Thời gian qua, UBND tỉnh đã thành lập các đoàn kiểm tra, nhưng nhiều dự án với diện tích lớn, nhiều năm chưa triển khai, gây lãng phí đất chưa được xử lý dứt điểm. Về dự án của FLC triển khai 3 năm nay nhưng đang “nằm im”, đại biểu đặt câu hỏi liệu dự án này có tiếp tục triển khai không?
“Dư luận cho rằng, tình trạng một số dự án làm thủ tục ban đầu để xin giao đất, sau đó không làm thủ tục tiếp nhưng vẫn giữ được đất, khi doanh nghiệp khác có cơ hội đầu tư phải mua lại" - đại biểu Đinh Thị An Phong nêu ý kiến.
Đại biểu Trần Đình Toàn (đơn vị Thanh Chương) chất vấn về công tác quản lý quy hoạch đất. Ảnh: Thành Cường |
Làm rõ ý kiến các đại biểu quan tâm, Giám đốc Sở TN&MT thông tin: Trên địa bàn tỉnh có trên 100 dự án chậm tiến độ trên 24 tháng. Đối với các dự án này, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tiến hành kiểm tra. Qua kiểm tra, Sở đã đề nghị thu hồi 7 dự án.
Đối với Dự án FLC, người đứng đầu ngành Tài nguyên và Môi trường khẳng định, quan điểm rất muốn dự án triển khai nhưng vẫn chưa thực hiện được. Ông Việt chia sẻ mong muốn có dự án lớn tạo động lực cho tỉnh, nhưng việc chậm trễ liên quan đến thẩm quyền của Trung ương.
Làm rõ tình trạng các nhà đầu tư “găm đất”, Giám đốc Sở TN&MT thừa nhận có hiện tượng này, dẫn đến làm mất cơ hội và không minh bạch trong đầu tư. Tiếp thu ý kiến của đại biểu, Sở TN&MT sẽ tham mưu bổ sung nhiệm vụ của các đoàn kiểm tra. Sắp tới, các đoàn sẽ kiểm tra kỹ hơn để đưa diện tích đất của các dự án này vào sử dụng đúng quy hoạch, nâng cao hiệu quả sử dụng đất; tạo cơ hội cho nhà đầu tư có năng lực.
Làm rõ trách nhiệm
Chất vấn Giám đốc Sở TN&MT, đại biểu Thái Thị An Chung (đơn vị Tân Kỳ) dẫn báo cáo giải trình của Giám đốc Sở phân tích tồn tại, nguyên nhân chủ quan và khách quan trong công tác quản lý dự án đầu tư, trong đó nói rõ trách nhiệm chính thuộc về nhà đầu tư. Đối với sở, ngành và UBND các địa phương chịu một phần trách nhiệm. Đại biểu cho rằng, đánh giá trách nhiệm như thế là chưa thỏa đáng, và đề nghị Giám đốc Sở làm rõ trách nhiệm của các sở, ngành, địa phương liên quan.
Phản hồi ý kiến này, Giám đốc Sở TN&MT khẳng định, Sở TN&MT là một trong những đơn vị tham gia phê duyệt chủ trương của các dự án đầu tư phải chịu trách nhiệm một phần và các ngành, địa phương liên quan phải chịu trách nhiệm trong công tác quản lý Nhà nước về các dự án đầu tư.
Một dự án treo nhiều năm không triển khai ở thị xã Cửa Lò. Ảnh: Thanh Lê |
Người đứng đầu ngành TN&MT tỉnh cho biết, để nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước các dự án đầu tư thì giải pháp trọng tâm xuyên suốt là kiểm tra, giám sát, qua đó phát hiện sai phạm và xử lý kịp thời.
Ngoài ra, tại phiên chất vấn, Giám đốc Sở TN&MT làm rõ các vấn đề liên quan đến tiến độ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; giải pháp về cải cách hành chính để đẩy nhanh tiến độ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và giải quyết thủ tục cho các nhà đầu tư.
Từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh đã thu hút được 502 dự án đầu tư với diện tích đất quy hoạch của các dự án là 30.520,35 ha, tổng số vốn đăng ký đầu tư 84.151 tỷ đồng (trong đó, số dự án được chấp thuận trong khu kinh tế Đông Nam là 87 dự án, với diện tích đất quy hoạch 847,35 ha, có tổng số vốn đăng ký đầu tư là 19.599,6 tỷ đồng).
Số dự án đã giao đất, cho thuê đất từ năm 2016 đến nay là 303 dự án, với diện tích 3.164,1 ha; còn lại 199 dự án là các dự án đã thu hút hoặc được chấp thuận đầu tư, dự án đã phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng, dự án đang thực hiện bồi thường GPMB nhưng chưa được giao đất, cho thuê đất.
Tập trung 4 giải pháp trọng tâm
Kết luận nội dung này, ông Nguyễn Xuân Sơn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh, đây là vấn đề lớn, rất quan trọng và công tác quản lý gặp nhiều khó khăn, phức tạp.
Mục đích của phiên chất vấn là tiếp tục nhận diện những bất cập, hạn chế, sai phạm; đề ra những giải pháp để quản lý sử dụng tốt hơn tài nguyên đất đai; nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư; phát triển kinh tế - xã hội; đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.
Đại biểu Nguyễn Lương Hồng (đơn vị Quỳnh Lưu) chất vấn về công tác quản lý đất đai. Ảnh: Thành Cường |
Từ thực tiễn và qua việc chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch HĐND tỉnh đánh giá cao nỗ lực của các cấp, các ngành, quyết tâm thực hiện nhiều giải pháp để đưa công tác quản lý sử dụng đất từng bước đi vào nề nếp, ngày càng có hiệu quả.
Để khắc phục những hạn chế, tồn tại nêu trên, Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị Sở TN&MT tiếp tục tham mưu UBND tỉnh tổ chức thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp tích cực hơn, trong đó chú trọng 4 nhóm giải pháp.
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Võ Duy Việt trả lời làm rõ các nội dung chất vấn. Ảnh: Thành Cường |
Thứ nhất, tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị số 01/CT- TTg ngày 3/1/2018 của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý đất đai và xây dựng hệ thống thông tin đất đai; tập trung rà soát bãi bỏ các văn bản quy phạm pháp luật về đất đai thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh.
Thứ hai, tập trung chỉ đạo, xử lý những bất cập trong quản lý, sử dụng đất hiện nay: rà soát, xử lý nghiêm đối với các dự án đầu tư có vi phạm, những dự án không triển khai, chậm tiến độ, nợ nghĩa vụ tài chính.
Nâng cao chất lượng thẩm định chấp thuận đầu tư, chất lượng thẩm định quy hoạch xây dựng; không chấp thuận đầu tư đối với những dự án mà chủ đầu tư có nhiều vi phạm. Chấn chỉnh kịp thời, có hiệu quả những bất cập trong đấu giá quyền sử dụng đất, lấn chiếm đất đai, chuyển mục đích trái phép, xây dựng sai quy hoạch hoặc sai giấy phép được cấp.
Tập trung rà soát, giải quyết kịp thời những vướng mắc trong công tác bồi thường, GPMB; cấp mới, cấp đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Thứ ba, chú trọng giải quyết các tranh chấp, khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về đất đai, nhất là các vụ việc phức tạp, đông người, kéo dài, vượt cấp. Chủ động tiếp nhận xử lý, giải quyết triệt để, kịp thời các ý kiến phản ánh của người dân tham gia giám sát thi hành Luật Đất đai.
Thứ tư, cần tập trung chỉ đạo, thực hiện tốt công tác cải cách hành chính theo hướng đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian thực hiện, tránh phiền hà cho người dân và doanh nghiệp.