Vì sao những 'hạt giống đỏ' sớm bị thui chột?

Hà Thanh 12/07/2019 08:56

Các cụ xưa đã nói, cái gì nhanh đến sẽ nhanh đi. Việc "thành đạt" sớm khi chưa đáp ứng điều kiện sẽ sớm bộc lộ những hạn chế, yếu kém.

Những cái tên như Vũ Minh Hoàng, Nguyễn Xuân Anh, Lê Phước Hoài Bảo và gần đây là Trần Văn Mẫn, Nguyễn Bá Cảnh… đều là những cán bộ trẻ, cùng có xuất phát điểm là “con ông cháu cha”, được kỳ vọng là những “hạt giống đỏ” của đất nước, tưởng rằng tương lai đang nằm trong tầm tay, nhưng người bị kỷ luật, người tuy không bị kỷ luật, nhưng với nhiều lý do, sự nghiệp chính trị của họ đều đã dừng lại.

Nhiều "hạt giống đỏ" đã bị "chín lép"

Ông Lê Như Tiến, Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, người từng cảnh báo về tình trạng con ông cháu cha kiểu “5c - con cháu các cụ cả”, thêm “6ệ - tiền tệ, hậu duệ, quan hệ, ngoại lệ, đồ đệ, trí tuệ” dẫn đến tình trạng “5đ - đố điều đi đâu được”, nói vui, té ra “ngựa hay phải chạy đường dài” nhưng mới chạy được một đoạn ngắn đã người thì đuối sức, người “sa xuống hố”.

Vị đại biểu Quốc hội các khóa XII, XIII cho rằng, qua những trường hợp trên có thể thấy rằng, con ông cháu cha nếu có phẩm chất, năng lực tốt không tội gì không bổ nhiệm. Nhưng ngược lại, nếu chưa đủ độ chín, chưa đủ thời gian thử thách để trưởng thành, mà bổ nhiệm cán bộ thần tốc như thế thì tình trạng “nửa đường đứt gánh” đã nhìn thấy trước, thậm chí có người còn chưa được nửa đường, mới được bổ nhiệm thì đã bị bãi miễn.

“Ví như trong quân đội, để lên được cấp tá, cấp tướng, bộ đội cũng phải qua chiến đấu, đi lên từ binh nhất, binh nhì, cấp úy, bao nhiêu năm mới lên được một cấp. Nghề nghiệp, lĩnh vực nào cũng vậy, đều phải đi từ thấp lên cao, phải mất hàng chục năm mới lên được”, ông Tiến liên hệ.

Câu chuyện cán bộ trẻ “chín nhanh, chín ép” đã để lại bài học đau xót, nó cho thấy công tác cán bộ cần phải thật kỹ càng và thận trọng hơn nữa. Thậm chí phải để họ được tôi luyện ở những môi trường khắc nghiệt để xem có đủ phẩm chất và năng lực hay không, chứ không thể nâng đỡ kiểu “túm tóc kéo lên”, ông Lê Như Tiến bộc bạch.

“Con ông cháu cha” được xem như những “hạt giống đỏ” của đất nước, thừa hưởng nền tảng tri thức của gia đình, đều được đào tạo bài bản. Nên, nếu không tôi luyện để họ có bản lĩnh vững vàng trong thực tiễn công tác, đạt được độ “chín” cả về tâm lẫn tầm, mà “đốt cháy giai đoạn”, đặt họ vào chiếc ghế quá lớn, quá rộng, là làm hại họ, là góp phần cản trở, thậm chí rút ngắn con đường chính trị của họ.

Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Lê Như Tiến (Ảnh: Bình Minh)

Ngược lại, là “con ông cháu cha”, không thể ỷ thế “hạt giống đỏ”, tự cho mình nghiễm nhiên được hưởng “phép lợi thế” từ cha ông. Họ phải có lòng tự trọng để biết giữ mình, giữ gìn truyền thống gia đình, không để mang tiếng “chín ép”, ông Lê Như Tiến bình luận.

Chỉ ra một trong nhiều nguyên nhân khiến những “hạt giống đỏ” sớm bị thui chột do được đẩy lên quá nhanh, quá thần tốc, quá bất ngờ và quá bất thường, ông Lê Như Tiến cho rằng, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trong việc bổ nhiệm. Đặc biệt là trách nhiệm của cơ quan tổ chức cán bộ - những người gác gôn về công tác tổ chức cán bộ cho các cấp ủy và các cơ quan của Đảng và Nhà nước.

“Cần có một cơ quan thẩm tra, thẩm định khách quan để đánh giá việc bổ nhiệm. Không thể, cơ quan, tổ chức nào cũng có đầy đủ cấp ủy đảng, lãnh đạo chính quyền, công đoàn, thanh niên, phụ nữ, mặt trận nhưng khi xảy ra sai phạm ít thấy ai lên tiếng chịu trách nhiệm. Quy trình rất chặt chẽ, mà vẫn để “con voi lọt qua lỗ kim” thì phải quy trách nhiệm rõ ràng”, ông Tiến nêu quan điểm.

PGS-TS Lê Quốc Lý, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh (Ảnh: Hoàng Thái)

PGS-TS Lê Quốc Lý, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, không phủ nhận chủ trương của Đảng là khuyến khích người trẻ phát triển tốt, nếu xứng đáng, đủ tiêu chuẩn đưa họ lên chỉ có lợi cho đất nước. Chủ trương là vậy nhưng người trẻ ngồi vào những vị trí trọng trách đòi hỏi phải có đầy đủ tiêu chuẩn. Thậm chí phải để cho họ được tôi luyện trong thực tiễn, trong những môi trường khó khăn, phức tạp để người trẻ tích lũy cho mình đầy đủ bản lĩnh, kinh nghiệm mới hy vọng không sa vào những sai lầm.

Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phân tích, những trường hợp đặc biệt được nhắc ở trên rõ ràng chưa đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn. Sở dĩ họ được đẩy lên là vì sự nể nang, lấy lòng cấp trên. Các cụ xưa đã nói, cái gì nhanh đến thì sẽ nhanh đi. Đẩy lên sớm khi chưa đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện sẽ sớm bộc lộ những hạn chế, yếu kém, khuyết điểm.

Ngược lại, những lãnh đạo có con em thuộc diện “hạt giống đỏ” trước khi chấp nhận ân huệ cho con mình, hãy nhớ tới quy định làm gương, trách nhiệm người đứng đầu để cân nhắc có nên lợi dụng sự nể nang, lấy lòng của cấp dưới mà đẩy con mình lên nhanh một cách bất thường hay không. Cùng với đó, nên nhìn nhận một cách nghiêm túc, sòng phẳng năng lực, phẩm chất của con em mình bởi không nhất thiết cứ phải trở thành ông nọ, bà kia mới là đóng góp xây dựng quê hương, đất nước. Quan trọng là họ làm được gì cho quê hương, đất nước./.

Hà Thanh