Trung Quốc đầu tư, Philippines đứng trước bài toán an ninh hay tốc độ Internet

Duy Anh 14/07/2019 07:01

Chính quyền Tổng thống Duterte đã lần đầu cho phép tập đoàn Trung Quốc tham gia vào thị trường viễn thông Philippines bất chấp lo ngại về an ninh quốc gia.

Từ Singapore với tốc độ kết nối Internet siêu tốc tới Indonesia đang vật lộn với tốc độ băng thông chậm chạp, hợp nhất các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông đang là một xu thế tại Đông Nam Á trong bối cảnh ngành này cần tập trung nguồn lực và cắt giảm chi phí không cần thiết.

Nhận thức chung của các nhà hoạch định khu vực đó là, bằng cách giảm số công ty cạnh tranh thông qua mua bán sáp nhập, tỷ suất lợi nhuận của ngành này sẽ được cải thiện, cho phép các nước giải quyết được nhu cầu khổng lồ về vốn để phát triển hệ thống mạng 5G thế hệ kế tiếp.

Thế nhưng, tại Philippines, nơi người dân ưa chuộng các mạng xã hội nhưng lại nhiều năm mắc kẹt với hệ thống dịch vụ chất lượng nghèo nàn, dưới sự độc quyền của 2 nhà cung cấp, chính quyền Tổng thống Rodrigo Duterte đã đi ngược lại xu thế của khu vực khi cấp phép cho một tập đoàn mới chen chân vào làng dịch vụ viễn thông nước này.

Doanh nghiệp Trung Quốc xâm nhập Philippines

Tay chơi mới trong làng viễn thông Philippines là Dito Telecommunity, với 40% cổ phần thuộc sở hữu của China Telecom, tập đoàn viễn thông thuộc sở hữu nhà nước của Trung Quốc. Tuần qua, Dito Telecommunity đã nhận được giấy phép kinh doanh và chính thức hoạt động tại Philippines.

Dito cam kết sẽ "đốt lửa dưới chân" hai gã khổng lồ đang chi phối dịch vụ viễn thông Philippines là Globe Telecom và PLDT Inc. Công ty này có phần lớn cổ phần chịu sự chi phối của các công ty có kết nối với Dennis Uy, một tỷ phú địa phương và đồng thời là nhà tài trợ cho chiến dịch tranh cử trước đây của Tổng thống Duterte.

Tổng thống Duterte trao chứng chỉ hoạt động cho lãnh đạo Dito Telecommunity. Ảnh: Inquirer
Tổng thống Duterte trao chứng chỉ hoạt động cho lãnh đạo Dito Telecommunity. Ảnh: Inquirer

Sự xâm nhập của Uy vào thị trường viễn thông Philippines được Tổng thống Duterte bật đèn xanh hồi năm 2018. Tháng 4 vừa qua, trong khuôn khổ diễn đàn Sáng kiến Vành đai, Con đường ở Bắc Kinh, Uy ký thỏa thuận liên kết với China Telecom.

Hệ thống viễn thông mới của Dito dự kiến sẽ bắt đầu đi vào hoạt động vào cuối năm. Tập đoàn non trẻ tuyên bố sẽ cung cấp dịch vụ với tốc độ kết nối siêu tốc đủ để thách thức các nhà cung cấp từ Singapore trong vòng 2 năm.

Theo một nghiên cứu, Philippines là một trong những quốc gia nơi người dân sử dụng mạng xã hội nhiều nhất thế giới, thuộc nhóm đầu trong bảng xếp hạng toàn cầu. Thế nhưng, tốc độ kết nối 4G của quốc gia 105 triệu dân lại thuộc nhóm chậm nhất trong số các nước ASEAN.

Trong khi Globe Telecom và PLDT Inc tuyên bố đã chi hàng trăm triệu USD để cải thiện chất lượng dịch vụ, cơ sở hạ tầng viễn thông tại Philippines đến nay vẫn bị đánh giá chắp vá và tệ hại. Các nhà phân tích đổ lỗi cho sự chắp vá trong phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng, cùng chi phí đắt đỏ mà các công ty phải chi trả để ra mắt các công nghệ mới, từ 3G, 4G và đến nay là 5G.

Điều các nhà phân tích quan tâm hiện nay là vai trò của tập đoàn nhà nước China Telecom trong công ty viễn thông mới tại Philippines, và liệu sự can dự của China Telecom có là dấu hiệu cho thấy sẽ có nhiều liên doanh cho phép các doanh nghiệp Trung Quốc đổ bộ quốc gia Đông Nam Á trong thời gian tới.

Mở đầu làn sóng mới?

Liên doanh với Philippines tại Dito là một bước đi gây sự chú ý, bởi dù có lượng khách hàng khổng lồ tại nội địa, các doanh nghiệp viễn thông Trung Quốc hiếm khi đầu tư ra nước ngoài như những nhà cung cấp lớn khác như Vodafone, Singtel hay BT.

Một trong những dự án liên doanh lớn là của China Mobile, khi tập đoàn này sở hữu 100% công ty có tên Zong, nhà cung cấp dịch vụ lớn thứ 3 ở Pakistan. China Mobile cũng sở hữu cổ phần tại Tập đoàn viễn thông True Corp ở Thái Lan.

40% cổ phần tại Dito thuộc sở hữu của China Telecom là mức cổ phần cao nhất mà một công ty nước ngoài được sở hữu tại Philippines.

Cơ hội liên doanh xuất hiện lần đầu sau cuộc gặp giữa Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường và Tổng thống Duterte năm 2017. Tại cuộc gặp, nhà lãnh đạo Philippines tuyên bố với công chúng rằng, nhà cung cấp dịch vụ viễn thông thứ 3 tại nước này sẽ là một tập đoàn do Trung Quốc hậu thuẫn.

Thủ tướng Lý Khắc Cường và Tổng thống Duterte. Ảnh: AP.
Thủ tướng Lý Khắc Cường và Tổng thống Duterte. Ảnh: AP

Trong khi Bắc Kinh vẫn tiếp tục nhấn mạnh nhu cầu xây dựng cơ sở hạ tầng nội địa, dự án liên doanh tại Philippines là cách các công ty hỗ trợ và thúc đẩy Sáng kiến Vành đai, Con đường đầy tham vọng. Đây là một phần trong kế hoạch của Bắc Kinh nhằm tăng cường kết nối với các quốc gia từ Á sang Âu.

Trong bối cảnh các tập đoàn công nghệ - viễn thông của Trung Quốc bị phương Tây tố cáo dính líu vào hoạt động gián điệp, đánh cắp thông tin khắp nơi trên thế giới, dự án hợp tác tại Dito được coi là sự ủng hộ quan trọng từ một chính quyền thân thiện với Bắc Kinh trong lĩnh vực nhạy cảm này.

South China Morning Post nhận định câu hỏi đặt ra hiện nay là liệu dự án đầu tư của China Telecom có mở đường cho các tập đoàn viễn thông khác của Trung Quốc thâm nhập vào Philippines cũng như các nước ASEAN khác hay không.

"Tôi không chắc liệu thỏa thuận này có dọn đường cho thêm nhiều thỏa thuận khác hay không, ngành viễn thông khu vực đang vật lộn với sự tăng trưởng thiếu định hướng, nhiều tập đoàn đang tìm cách sáp nhập với nhau", Ramakrishna Maruvada, Trưởng bộ phận nghiên cứu Tập đoàn Daiwa Capital Market nhận xét.

Các nhà phân tích nhận định bất cứ thỏa thuận liên doanh mới nào trong tương lai, với sự xuất hiện của các tập đoàn Trung Quốc, sẽ bị cáo buộc về chính trị do những lo ngại an ninh quốc gia, đặc biệt trong bối cảnh quan hệ đặc thù và nhạy cảm giữa Bắc Kinh và Manila dưới thời Tổng thống Duterte.

Lợi ích kinh tế lu mờ, nguy cơ an ninh

Tại Philippines, tốc độ kết nối Internet qua điện thoại là 7 Mbps, chậm hơn đáng kể so với 39 Mbps của Singapore hay 50 Mbps của Hàn Quốc. Các chuyên gia nhận định sự thất vọng của người tiêu dùng cùng niềm trông mong vào tốc độ kết nối Internet như các nước phát triển đã khiến những lo ngại về an ninh quốc gia chỉ còn là thứ yếu.

Nay, với sự hậu thuẫn của China Telecom, Dito hứa hẹn xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng đủ để nâng tốc độ kết nối lên 27 Mbps trong 1 năm, và đạt 55 Mbps kể từ năm thứ 2.

Astro Del Castillo, Giám đốc điều hành công ty tư vấn đầu tư có tên First Grade Finance cho biết, ông tin vào lời hứa của chính quyền Duterte về việc Dito "thực sự là lựa chọn tốt nhất" mà Manila có được.

"Từ quan điểm kinh tế, nếu nhìn vào các dự án đầu tư mạo hiểm của các tập đoàn viễn thông Trung Quốc và các doanh nghiệp liên quan, có thể thấy họ luôn rất tích cực đầu tư không chỉ mảng viễn thông mà còn cả những lĩnh vực kinh doanh khác. Vì vậy, đây là một lựa chọn sáng suốt, từ góc nhìn kinh tế thì là như vậy", ông Castillo nói.

China Telecom hiện nắm 40% cổ phần tại Dito Telecommunity. Ảnh: Xinhua
China Telecom hiện nắm 40% cổ phần tại Dito Telecommunity. Ảnh: Xinhua

Các nhà phân tích Philippines khác tin rằng, bất cứ mối đe dọa an ninh quốc gia nào xuất phát từ sự dính líu của China Telecom tại Dito sẽ sớm bị phát hiện bởi Hệ thống Quản lý An ninh mạng mà Manila mới đưa vào hoạt động.

Hệ thống này sẽ được sử dụng để phát hiện những hoạt động đáng ngờ trong mạng lưới viễn thông. Dito sẽ là công ty viễn thông đầu tiên bị rà soát, trên cơ sở phù hợp với các quy định về bảo mật. Globe Telecom VÀ PLDT Inc. dự kiến cũng sẽ bị đưa vào diện rà soát trong thời gian tới.

Đến nay, dấu hiệu cho thấy các công ty viễn thông Trung Quốc nối bước China Telecom xâm nhập thị trường Philippines vẫn chưa rõ ràng. Tuy nhiên, các nhà phân tích nhận định sẽ có thêm nhiều dự án liên doanh tương tự với bóng dáng của Trung Quốc phía sau trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ Tổng thống Duterte.

Liên doanh viễn thông Dito bị các chính trị gia "diều hâu" tại Manila gọi là món quà Tổng thống Duterte "dâng hai tay" cho Bắc Kinh. Phe chống Trung Quốc cũng coi đây là dấu hiệu tiếp theo cho thấy ông Duterte đang dựa quá nhiều vào Bắc Kinh.

Đáp lại, Tổng thống Duterte cho biết, ông chỉ muốn tránh đối đầu với Trung Quốc.

"Tôi tin rằng sẽ còn có thêm những dự án liên doanh với Trung Quốc trong thời gian tới khi Duterte còn đang nắm quyền. Ông ta hầu như không bị thiệt hại gì nhiều, bởi hiến pháp không cho phép Duterte tái tranh cử. Ông ấy đã quyết liên minh công khai với Trung Quốc", Said Prasenjit, chuyên gia kinh tế tại Singapore, nhận xét./.

Duy Anh