Đôi điều về 'đảng viên 76'
(Baonghean) - “Đảng viên 76” - là cách các chi bộ cơ sở gọi các đảng viên công tác tại các cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp tham gia sinh hoạt nơi cư trú theo Quy định số 76-QĐ/TW của Bộ Chính trị.
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đắc Vinh tham dự buổi sinh hoạt tại chi bộ nơi cư trú tại khố 4, phường Trường Thi (TP.Vinh). Ảnh minh họa Quốc Sơn |
Chi bộ nơi tôi cư trú có gần 70 đảng viên hưu trí và có đến 140 “đảng viên 76”. Đầu tháng 7 vừa qua tôi được mời tham gia buổi sinh hoạt chi bộ định kỳ dành cho đảng viên cư trú. Theo lịch, 19h30 cuộc họp bắt đầu nhưng đến 20h vẫn chỉ lác đác vài đảng viên có mặt. Bí thư Chi bộ và Trưởng ban Công tác mặt trận khối thay phiên nhau lên loa truyền thanh gọi mời, mãi hơn 1 tiếng sau cũng chỉ có khoảng 30 đảng viên có mặt.
Loanh quanh đến gần 21h buổi sinh hoạt mới được tiến hành. Và xin nói thêm, khối chúng tôi có nhiều “đảng viên 76” giữ cương vị, chức vụ quan trọng trong các cơ quan công quyền, bộ máy các cấp, các ngành. Trong đó, đông đảo nhất là đội ngũ bác sỹ, kỹ sư, giáo viên, lực lượng vũ trang, nhiều người có học hàm, học vị cao.
Sau khi bí thư chi bộ báo cáo về tình hình khối xóm 6 tháng đầu năm, thông tin một số vấn đề có tính chất nổi cộm trên địa bàn cũng như thông báo những nội dung dự kiến sẽ thực hiện trong 6 tháng cuối năm thì buổi sinh hoạt cơ bản đã kết thúc. Không có bất cứ một ý kiến phát biểu nào đóng góp cho Chi ủy - Ban cán sự khối, thay vào đó là tràng vỗ tay tán dương.
Kết thúc buổi sinh hoạt, tôi nán lại đề tham gia việc dọn dẹp hội trường, vị bí thư chi bộ cười như muốn khóc: “Một năm chi bộ tổ chức 2 kỳ sinh hoạt cho đảng viên cư trú, nhiều nhặn gì đâu, ấy thế có những người chưa khi nào tham gia. Có những gia đình, cả vợ chồng, con cái đều là “đảng viên 76” vậy mà không có ai đại diện tham dự. Gương mẫu ở đâu”.
“Một năm chi bộ tổ chức hai kỳ sinh hoạt cho đảng viên cư trú, nhiều nhặn gì đâu, ấy thế có những người chưa khi nào tham gia. Có những gia đình, cả vợ chồng, con cái đều là “đảng viên 76” vậy mà không có ai đại diện tham dự. Gương mẫu ở đâu”.
Câu chuyện mà bí thư chi bộ khối tôi chia sẻ có lẽ cũng là thực trạng diễn ra khá phổ biến trong tác tổ chức đảng cơ sở lâu nay. Trong khi đó, nơi cư trú không chỉ là địa bàn sinh sống của “đảng viên 76” mà thực sự là sợi dây gắn bó giữa cơ sở và gia đình họ.
Bất cứ xảy ra chuyện to, chuyện bé trong mỗi gia đình, hộ dân đều được chi ủy, ban cán sự khối tham gia giải quyết, giúp đỡ.
Vậy nhưng, nhiều đảng viên vẫn cho rằng, việc tham gia sinh hoạt Đảng nơi cư trú là "phiền nhiễu, mất thời gian, là không được gì”. Đó là sự hành xử thiếu gương mẫu, xa rời quần chúng, thiếu trách nhiệm trước cộng đồng. Mặc dù vậy, hằng năm khi đưa Phiếu nhận xét đảng viên cho chi bộ cơ sở đánh giá để nộp về cơ quan, đơn vị thì đảng viên nào cũng mong muốn có những dòng “lưu bút” “thật sạch, thật đẹp”. Đối với cấp ủy chi bộ cũng vì cả nể mà bút phê chưa chính xác. Cứ như vậy hết năm này qua năm khác “đảng viên 76” càng được đà không thực hiện nghiêm túc quy định.
Theo Quy định số 76-QĐ/TW của Bộ Chính trị, đảng viên đang công tác ở các cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp vừa thực hiện đúng quy định của Điều lệ Đảng về sinh hoạt Đảng tại nơi làm việc; vừa có trách nhiệm "thường xuyên giữ mối liên hệ với chi ủy, đảng ủy cơ sở nơi cư trú" nhằm gần gũi nhân dân, góp phần củng cố mối quan hệ mật thiết giữa Đảng và nhân dân; khắc phục những biểu hiện sống xa dân, thiếu trách nhiệm trong các công việc của dân nơi cư trú.
Nhiệm vụ của đảng viên ở nơi cư trú là “gương mẫu thực hiện nghĩa vụ công dân; tuyên truyền, vận động gia đình và nhân dân thực hiện đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các công tác xã hội ở nơi cư trú, các quy định của xóm, tổ dân cư.
Tích cực tham gia các cuộc họp do đại diện cấp ủy phường, xã hoặc chi ủy nơi cư trú triệu tập, góp ý kiến với chi ủy, đảng ủy ở nơi cư trú về các công việc chung của địa phương. Hàng năm hoặc khi cần thì báo cáo với chi ủy, chi bộ nơi công tác về việc giữ mối liên hệ với tổ chức đảng ở nơi cư trú và thực hiện nghĩa vụ công dân của mình ở nơi cư trú”.
Mới đây tại TP.Hồ Chí Minh xảy ra sự việc khá hy hữu, là một Thượng úy cảnh sát giao thông kiện Chủ tịch UBND xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi và Tổ trưởng tổ dân phố ra tòa và yêu cầu bồi thường tổn thất tinh thần13 triệu đồng vì những người này đã “nhận xét xấu” về mình.
Các đảng viên khối 4, phường Trường Thi (TP.Vinh) dự buổi sinh hoạt nơi cư trú. Ảnh minh họa Quốc Sơn |
Trước đó, trong bản nhận xét về Thượng úy cảnh sát giao thông này, tổ trưởng khu phố nơi anh ta cư trú đã viết: “Về quan hệ với quần chúng nơi cư trú chưa tốt, không tham gia sinh hoạt tổ nhân dân, có thái độ hách dịch ỷ quyền, xem thường mọi người xung quanh” - nhận xét này được Chủ tịch UBND xã ký và đóng dấu.
Không bàn sâu về sự việc trên, nhưng dư luận cho rằng: chẳng có lửa ắt sẽ không có khói. Nếu là người gương mẫu thì dù có muốn, tổ trưởng dân phố cũng không thể bút phê nặng nề đến thế và lại được Chủ tịch xã ký xác nhận. Tòa án đã bác đơn kiện của Thượng úy cảnh sát, câu chuyện đã khép lại nhưng bài học của nó dành cho “đảng viên 76” lúc này mới được mở ra.