Thăm dò khí đốt ngoài khơi Cyprus, EU 'tuýt còi' Thổ Nhĩ Kỳ

Thu Giang 16/07/2019 17:16

(Baonghean) - Mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ với phương Tây lại bước vào một giai đoạn “sóng gió” mới khi đầu tuần này, Liên minh châu Âu (EU) quyết định đình chỉ liên lạc giữa các quan chức cấp cao, cũng như rút lại viện trợ tài chính đối với Ankara.

Tất cả nhằm đáp trả động thái thăm dò khí đốt mà Thổ Nhĩ Kỳ đang tiến hành tại các vùng biển mà EU khẳng định là lãnh hải của Cyprus.

“Nóng” vì khí đốt

Để hiểu rõ ngọn ngành, phải bắt nguồn từ Cyprus - nơi bị chia thành 2 khu vực - một của người gốc Hy Lạp ở phía Nam và một của người gốc Thổ ở phía Bắc, kể từ khi Thổ Nhĩ Kỳ xâm lược nước này vào năm 1974. Chính quyền ở phía Bắc Cyprus chỉ có được sự công nhận duy nhất từ Ankara.

Trực thăng bay trên tàu khoan thăm dò 'Fatih' của Thổ Nhĩ Kỳ điều đến Đông Địa Trung Hải, gần Cyprus. Ảnh: AP

Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ lại tuyên bố rằng Cyprus - thành viên EU và có chính quyền được cộng đồng quốc tế công nhận, nắm kiểm soát phần lớn hòn đảo này - không có quyền đơn phương thăm dò khí đốt.

Ankara nói rằng Cyprus phải tuân thủ một kế hoạch do nhà lãnh đạo “Bắc Cyprus” đưa ra nhằm chia sẻ doanh thu khí đốt, và nước này khẳng định có quyền tự mình tiến hành các sứ mệnh thăm dò mà không cần sự chấp thuận từ chính phủ tại thủ đô Nicosia.

Cho đến nay, nhiều nỗ lực tái thiết hòa bình đã được đưa ra song vẫn chưa thể giải quyết được cuộc xung đột của Cyprus hay thống nhất hòn đảo này, và vùng biển có trữ lượng khí đốt lớn càng khiến tình hình thêm phần phức tạp.

Trong tháng 7, Thổ Nhĩ Kỳ đã điều tàu thứ 2 tới khoan tìm khí đốt ngoài khơi bờ biển Cyprus, khơi mào cơn thịnh nộ tại Nicosia, khiến nước này sau đó tìm đến Brussels để được trợ giúp.

EU đã gọi động thái của Thổ Nhĩ Kỳ tại các vùng biển của Cyprus là phi pháp, trước khi công bố các biện pháp cụ thể chống lại Ankara hôm 15/7.

“Hội đồng tuyên bố rằng, bất chấp nhiều lời kêu gọi của Liên minh châu Âu yêu cầu chấm dứt các hoạt động phi pháp tại Đông Địa Trung Hải, Thổ Nhĩ Kỳ đã tiếp tục các chiến dịch khoan thăm dò ở phía Tây Cyprus và khởi động một chiến dịch khoan tìm khí đốt thứ hai ở phía Đông Bắc Cyprus nằm trong lãnh hải của Cyprus”.

Tuyên bố chung các bộ trưởng ngoại giao EU ngày 15/7

Điều không thể không nhắc đến là, vùng biển rộng lớn hơn xung quanh Cyprus - bao quanh bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ, Syria, Liban và Israel - không chỉ bao gồm các khu vực có trữ lượng khí tự nhiên lớn, mà còn có tầm quan trọng về mặt chiến lược đối với các lực lượng quân sự của các cường quốc khu vực và thế giới.

Cyprus có vị trí chiến lược tại Đại Trung Hải. Ảnh minh họa Eurasiareview
Cyprus có vị trí chiến lược tại Đại Trung Hải. Ảnh minh họa Eurasiareview

Cyprus là nơi đặt một căn cứ quân sự thường trực của Anh, trong khi Nga cũng có một căn cứ hải quân lớn bên bờ biển Syria cách đảo Cyprus chưa đầy 150 km, còn các lực lượng hải quân Mỹ và một số nước khác hoạt động trong hoặc đi qua vùng biển của Cyprus khi thực hiện nhiệm vụ tại châu Phi và Trung Đông.

Tung trừng phạt, tăng sức ép?

Vì những lẽ trên, sau cuộc họp cấp bộ trưởng ngoại giao tại Brussels, Bỉ hôm 15/7, các quốc gia thành viên EU cho biết đã nhất trí đình lại khoảng viện trợ trị giá 164 triệu USD cho Thổ Nhĩ Kỳ, cũng như tạm gác sang một bên các cuộc đàm phán nhằm đi đến một thỏa thuận trong lĩnh vực hàng không.

EU cũng đã lên tiếng đề nghị Ngân hàng Đầu tư châu Âu xem xét lại khoản cho vay đối với Thổ Nhĩ Kỳ, vốn đạt tới con số gần 434 triệu USD hồi năm ngoái.

Có thể thấy, EU đã tỏ ra “mạnh tay”, cứng rắn với Thổ Nhĩ Kỳ khi đưa ra các động thái nêu trên, bởi trên thực tế, đến nay Ankara thường xuyên được hưởng lợi từ nguồn tài chính của liên minh “lục địa già” trong khuôn khổ nỗ lực hiện đang đình trệ của nước này nhằm gia nhập khối nước châu Âu.

Trong khi đó, hiệp định hàng không đang trong quá trình thương thảo một khi hiện thực hóa sẽ dẫn tới khả năng tăng lượng du khách sử dụng các cảng hàng không của Thổ Nhĩ Kỳ, nhất là cảng hàng không quốc tế chính của nước này tại thủ đô Istanbul, làm trung tâm trung chuyển.

Các biện pháp của EU được đưa ra chỉ vài ngày sau khi mối quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ với Mỹ gặp trục trặc, khởi phát từ việc Ankara tiếp nhận lô hàng đầu tiên hệ thống tên lửa đất đối không S-400 do Nga sản xuất và bán cho Thổ Nhĩ Kỳ - thành viên NATO.

Washington đã đưa ra cảnh báo sắc lẹm rằng họ sẽ trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ vì vụ mua bán này, nhưng Tổng thống Recep Tayyip Erdogan vẫn “phớt lờ” và tiếp tục thương vụ với Moskva.

Những biện pháp được các ngoại trưởng EU công bố hồi đầu tuần chưa đến mức được xem là các đòn trừng phạt “tổng lực” đánh vào các công ty Thổ Nhĩ Kỳ dính dáng đến hoạt động khoan thăm dò khí đốt ngoài khơi phía Đông Địa Trung Hải.

Thế nhưng, những “miếng đòn” đó cũng đủ sức nặng bởi được “lục địa già” tung ra trong bối cảnh nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ đang chật vật xoay sở và có khả năng phải đối diện với những đòn trừng phạt kinh tế nặng nề, kéo dài từ cả EU lẫn Mỹ.

Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Cavusoglu cho rằng không cần xem trọng các quyết định trừng phạt của EU. Ảnh: Reuters
Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Cavusoglu cho rằng không cần xem trọng các quyết định trừng phạt của EU. Ảnh: Reuters

Về phần mình, Thổ Nhĩ Kỳ đã nhanh chóng phản ứng, tuyên bố rằng việc ngăn chặn liên lạc hay tài trợ tài chính của EU sẽ không tạo thành sức ép buộc họ phải ngừng hoạt động tìm kiếm dầu và khí đốt ngoài khơi bờ biển Cyprus.

Hôm 16/7, Ngoại trưởng nước này thậm chí còn nói rằng, động thái trên “cho thấy EU thiên vị và bè phái tới mức nào về vấn đề Cyprus”. Tuyên bố từ Bộ Ngoại giao tại Ankara cho biết thêm: “Những quyết định này sẽ không mảy may ảnh hưởng đến quyết tâm của đất nước chúng tôi là tiếp tục các hoạt động tại Đông Địa Trung Hải”.

Từ góc độ cá nhân, Ngoại trưởng Mevlut Cavusoglu tuần trước còn đưa ra cảnh báo riêng, rằng Ankara sẽ tăng cường các hoạt động khoan thăm dò ngoài khơi Cyprus nếu EU thúc đẩy trừng phạt.

Chỉ riêng với giọng điệu leo thang này, cũng có thể phần nào đoán được rằng, nút thắt trong căng thẳng EU-Ankara khó bề tháo gỡ trong một sớm một chiều, và thế khó đang thuộc về Thổ Nhĩ Kỳ khi họ cùng lúc “chọc giận” cả 2 “ông lớn” - EU và Mỹ trong câu chuyện khí đốt Cyprus và S-400 của Nga.

Thu Giang