Bảo tồn các nguồn gen thảo dược và nhân sâm quý ở Nghệ An

Lữ Phú 16/07/2019 09:16

(Baonghean.vn) - Khu vực miền Tây Nghệ An được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thiên nhiên thế giới, có gần 1.000 loài cây dược liệu có giá trị, trong đó có rất nhiều loài có giá trị cao đang được tỉnh Nghệ An bảo tồn, phát triển.

Tại UBND xã Mường Lống, huyện Kỳ Sơn, UBND tỉnh Nghệ An vừa tổ chức hội thảo khoa học giới thiệu kết quả bước đầu nghiên cứu về cây Sâm Puxailaileng và một số cây dược liệu ở vùng cao Nghệ An. Tham dự có các đồng chí: Lê Hồng Vinh – Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Đình Hậu - Vụ trưởng các ngành kỹ thuật, Bộ KH và CN cùng các nhà khoa học, nhà nghiên cứu về cây dược liệu.

Các đại biểu tham quan mô hình trồng cây sâm Pũailaileng tại Mường Lống. Ảnh: Lữ Phú
Các đại biểu tham quan mô hình trồng cây sâm Puxailaileng tại Mường Lống. Ảnh: Lữ Phú

Khu vực miền Tây Nghệ An được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thiên nhiên thế giới, có gần 1.000 loài cây dược liệu có giá trị. Trong đó có rất nhiều loài có giá trị cao như sâm Puxailaileng, đẳng sâm, tam thất, bảy lá một hoa, lan kim tuyến, hà thủ ô đỏ… và nhiều cây thuốc thuộc diện quý hiếm có nguy cơ diệt chủng.

Với mong muốn phát triển, duy trì và bảo tồn các nguồn gen thảo dược và cây nhân sâm quý hiếm trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh Nghệ An đã phối hợp với các tổ chức khoa học, doanh nghiệp triển khai một loạt các đề tài nghiên cứu và dự án trồng thử nghiệm một số cây dược liệu ở các huyện miền Tây và đạt được kết quả ban đầu.

Cây sâm 7 lá 1 hoa đang phát triển tốt trong vường trồng của Công ty Dược Mường Lống. Ảnh: Lữ Phú
Cây sâm 7 lá 1 hoa đang phát triển tốt trong vườn trồng ở xã Mường Lống. Ảnh: Lữ Phú

Cây sâm Puxailaileng có thể nhân giống và phát triển tốt nếu được trồng ở các khu vực có khí hậu ôn đới mát mẻ, có độ cao từ 1.000m trở lên so với mức nước biển ở các xã như Na Ngoi, Mường Lống, Tây Sơn của huyện Kỳ Sơn.

Ký kết hợp tác trong việc phát triển cây dược liệu, cây Sâm Puxailaileng. Ảnh: Lữ Phú
Ký kết hợp tác trong việc phát triển cây dược liệu, cây sâm Puxailaileng. Ảnh: Lữ Phú

Tại hội thảo các nhà nghiên cứu cũng định hướng cho chính quyền huyện Kỳ Sơn nên phát huy và áp dụng trồng đại trà các cây dược liệu quý như đẳng sâm, lương quy. Đây là cây dược liệu có giá trị kinh tế cao, với giá thành từ 200 đến 250 ngàn đồng/1kg khô, thời gian khai thác ngắn, có thể phát triển trồng trong vườn và tán rừng.

Dịp này, UBND huyện Kỳ Sơn và Công ty Dược Mường Lống tổ chức lễ ký kết hợp tác trong việc phát triển cây dược liệu, cây sâm Puxailaileng.

Lữ Phú