Đường sắt 350 km/h với 57 tỷ đôla: Cần hay không?

Nguyễn Nghĩa Tài 18/07/2019 10:37

(Baonghean.vn) - Công nghệ xe tự lái có thể sử dụng để vận chuyển cả hành khách và hàng hóa đường dài. Liệu Việt Nam có thể chọn sử dụng công nghệ xe tự lái để phát triển hệ thống giao thông hay không?

Những ngày qua, các phương tiện thông tin đại chúng đưa tin rất nhiều về việc làm hay không làm đường sắt tốc độ cao, đường sắt 350 km/h với 57 tỷ đô la hay là đường sắt 200 km/h với 27 tỷ đô la. Có rất nhiều chuyên gia kỳ cựu đã lên tiếng ủng hộ và phản đối dự án này hay dự án kia. Ở bài viết này, mình đề cập đến một góc nhìn khác về đường sắt và giao thông nói chung.

Thường những kế hoạch xây đường sắt sẽ mất rất nhiều thời gian để xây dựng. Như nhiều người biết, chỉ một đoạn ngắn đường sắt nội đô ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đã mất gần 10 năm để xây mà vẫn chưa hoàn thành. Vậy nên, sẽ không ngạc nhiên nếu chúng ta sẽ không thể hoàn thành xây dựng bất cứ đường sắt nào trong 10 năm tiếp theo. Vì vậy, xác định mục tiêu chính thức cho đường sắt nói riêng và hệ thống giao thông quốc gia trong nhiều năm tiếp theo, như đến năm 2050 hay 2100 là rất quan trọng.

Cho đến năm 2050 Việt Nam cần gì? Theo như tốc độ phát triển của Việt Nam hiện nay, cả hai nhu cầu vận chuyển hành khách cũng như vận chuyển hàng hóa Bắc - Nam của Việt Nam sẽ tăng rất nhiều, vì vậy hệ thống giao thông sẽ cần đáp ứng cả hai. Hiện nay, chúng ta đã có mạng lưới sân bay khá tốt và đang có 5 hãng máy bay, với giá cả ngày càng cạnh tranh. Thay vì sử dụng đường sắt cao tốc, hàng không sẽ giúp chúng ta vận chuyển hành khách và ngân sách quốc gia không cần phải bỏ quá nhiều tiền để làm đường sắt. Các công ty hàng không tư nhân của Việt Nam đang làm rất tốt dịch vụ hàng không, với đà phát triển như hiện nay, đến năm 2050, chúng ta hoàn toàn không phải lo lắng về việc vận chuyển hành khách Bắc - Nam bằng đường sắt tốc độ cao, kể cả 350 km/h hay 200 km/h. Vì vậy, phương án xây dựng đường sắt 350 km/h chỉ để vận chuyển hành khách với 57 tỷ đô la nên được loại bỏ. Việc Nhà nước phải làm là điều tiết việc phát triển dịch vụ hàng không và xây dựng mạng lưới sân bay một cách hợp lý. Ngân sách nhà nước không cần tốn nhiều tiền để làm việc đó. Câu hỏi còn lại là có nên xây đường sắt 200 km/h hay không?

Vậy việc còn lại là vận chuyển hàng hóa Bắc - Nam, chúng ta nên giải quyết thế nào? Theo suy nghĩ một cách tự nhiên, việc loại bỏ đường sắt tốc độ 350 km/h thì đương nhiên chúng ta nên chọn đường sắt 200 km/h. Đường sắt 200 km/h còn giải quyết vấn đề vận chuyển hàng hóa mà đường sắt 350 km/h không thể giải quyết được. Vậy, chúng ta đã có phương án tối ưu chưa?

Đường sắt hiện đại được phát minh vào thế kỷ 16 ở Đức. Đường sắt phát triển mạnh mẽ sau cuộc cách mạng công nghiệp và cực kỳ thịnh hành vào thế kỷ 19 và 20 nhờ sử dụng động cơ hơi nước. Đường sắt hiện tại của Việt Nam cũng được người Pháp xây dựng nhờ sự phổ biến đó. Nếu suy nghĩ của chúng ta chỉ bó hẹp trong việc chọn công nghệ đường sắt để phát triển giao thông cho thế kỷ 21 và 22 thì chúng ta đã tự hạn chế mình vào công nghệ của thế kỷ 19.

Chúng ta đang ở thế kỷ 21, rất nhiều công nghệ mới đã và đang phát triển. Hiện nay, giao thông hiện đại có hai công nghệ nổi bật là công nghệ xe tự lái và công nghệ tàu siêu tốc hyperloop của tỷ phú Elon Musk. Với điều kiện Việt Nam hiện nay, công nghệ tàu siêu tốc hyperloop có thể chưa phù hợp bởi nó vẫn đang ở giai đoạn thử nghiệm vận chuyển hành khách, nhưng không loại trừ là chúng ta có thể dùng công nghệ đó trong tương lai gần để phát triển giao thông nội đô. Công nghệ còn lại là công nghệ xe tự lái. Chúng ta thử đánh giá xem liệu chúng ta có thể sử dụng công nghệ xe tự lái cho việc phát triển hệ thống giao thông ở Việt Nam hay không? Công nghệ xe tự lái đang phát triển rất mạnh mẽ, và theo đánh giá nó có thể phổ biến vào khoảng những năm 2030. Công nghệ xe tự lái có thể sử dụng để vận chuyển cả hành khách và hàng hóa đường dài. Liệu Việt Nam có thể chọn sử dụng công nghệ xe tự lái để phát triển hệ thống giao thông hay không?

Công nghệ xe tự lái có yêu cầu quan trọng là mạng lưới đường bộ cao tốc. Chúng ta sẽ phải phát triển hệ thống đường bộ cao tốc cho xe tải tự lái đi lại. Theo dự báo của hãng McKinsey, chi phí vận chuyển bằng xe tải tự lái có thể giảm tới 45% trong tương lai. Chi phí này hoàn toàn cạnh tranh với chi phí vận chuyển bằng đường sắt. Theo kế hoạch hiện tại, Việt Nam sẽ có mạng lưới đường bộ cao tốc tốt vào những năm 2030. Mạng lưới đường bộ bắt đầu phát triển nhanh những năm gần đây, thay vì xây mới đường sắt, Việt Nam hãy tiếp tục phát triển đường bộ cao tốc nhiều hơn nữa. Chúng ta cũng không cần phải đợi cho đến những năm 2030 để sử dụng đường sắt, với nền tảng đường bộ hiện tại và tương lai gần, chúng ta sẽ tiếp tục sử dụng xe tải để vận chuyển hàng hóa. Nhà nước chỉ cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống đường bộ, thiết kế các chính sách để việc ứng dụng công nghệ xe tự lái trong tương lai được thực hiện một cách dễ dàng. Chúng ta thậm chí có thể tận dụng đường Hồ Chí Minh làm đường được thiết kế riêng cho xe tải tự lái. Các cơ quan nhà nước có thể tiếp xúc với các hãng công nghệ xe tự lái để thử nghiệm công nghệ trên đường bộ Việt Nam nhằm hỗ trợ cho việc sử dụng công nghệ tự lái hàng loạt trong tương lai gần.

Công nghệ xe tự lái chắc chắn sẽ phát triển bùng nổ trong thế kỷ 21 - 22 giống như công nghệ đường sắt ở thế kỷ 19 - 20, chúng ta nên bắt đầu đầu tư và chuẩn bị từ bây giờ để tận dụng nó. Thay vì xây dựng hoàn toàn đường sắt cho cả nước với một số tiền rất lớn, chúng ta chỉ cần tiếp tục xây dựng đường bộ và sử dụng đường sắt ở những chỗ mà không thể dùng xe tải được. Với phương án sử dụng công nghệ của thế kỷ 21 như xe tự lái để thiết kế lại hệ thống giao thông quốc gia, chúng ta không chỉ tiết kiệm rất nhiều tiền cho quốc gia mà còn giúp chúng ta đi nhanh hơn trong việc ứng dụng công nghệ mới nhất để phát triển đất nước.

Nguyễn Nghĩa Tài