Thanh Chương cần tránh mất cân đối trong công tác luân chuyển, điều động cán bộ
(Baonghean.vn) - Tránh mất cân đối trong công tác luân chuyển, điều động cán bộ là một trong những nội dung được các thành viên của Đoàn kiểm tra số 10 đặt ra cho Huyện ủy Thanh Chương trong buổi làm việc nhằm rà soát, đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII.
Thực hiện Kế hoạch số 179-KH/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về kiểm tra, rà soát đánh giá tình hình thực hiện các chương trình, đề án thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, chiều 18/7 Đoàn Kiểm tra số 10 theo Quyết định 2992-QĐ/TU (Đoàn kiểm tra số 10) ngày 8/7/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tiến hành kiểm tra tại Huyện ủy Thanh Chương. Đồng chí Bùi Thanh An – Ủy viên BTV, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy chủ trì buổi làm việc. Ảnh: Đào Tuấn |
3 nội dung trọng tâm mà Đoàn kiểm tra số 10 tập trung làm rõ là: Kết quả thực hiện Đề án số 01-ĐA/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Xây dựng chi bộ, phát triển đảng viên ở các khối, xóm, bản chưa có chi bộ, chưa có đảng viên và khối, xóm, bản có nguy cơ không còn chi bộ giai đoạn 2016 – 2020” (Đề án số 01); kết quả thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về “luân chuyển, điều động đảng viên, cán bộ lãnh đạo, quản lý giai đoạn 2016 – 2020”; kết quả thực hiện Đề án đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2012 – 2020.
Không còn nguy cơ trắng chi bộ
Từ năm 2016 đến 6 tháng đầu năm 2019, Đảng bộ huyện Thanh Chương đã kết nạp được 1.206 đảng viên (vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đề ra là kết nạp 250 – 300 đảng viên/năm).
Thực hiện Đề án số 01-ĐA/TU, rà soát toàn huyện có 506 xóm, tất cả các xóm đều có chi bộ, có 6 xóm có nguy cơ không còn chi bộ. Sau hơn 2 năm thực hiện Đề án, các tổ chức đoàn thể chính trị- xã hội đã giới thiệu 16 quần chúng ưu tú đi học lớp Bồi dưỡng nhận thức về Đảng, trong đó kết nạp 10 đảng viên mới (tại 6 xóm có nguy cơ không còn chi bộ được xác định tại Kế hoạch số 21-KH/HU). Triển khai các giải pháp khắc phục tình trạng xóm có nguy cơ không còn chi bộ, đến nay huyện đã tập trung chỉ đạo xóa được 4/6 xóm có nguy cơ không còn chi bộ giai đoạn 2016 - 2020, không có xóm phát sinh thêm.
Hiện còn 2 xóm có nguy cơ không còn chi bộ. Theo lộ trình, 2 xóm này sẽ sáp nhập theo chủ trương của Nghị quyết Trung ương 6, khóa XII, sau sáp nhập sẽ không còn xóm nguy cơ không còn chi bộ.
Bí thư Huyện ủy Thanh Chương Nguyễn Hữu Vinh phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Đào Tuấn |
Về kết quả thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về “luân chuyển, điều động đảng viên, cán bộ lãnh đạo, quản lý giai đoạn 2016 – 2020”, Thanh Chương có 2 cán bộ luân chuyển từ tỉnh về địa phương. Từ năm 2015 đến nay, Ban Thường vụ Huyện ủy cũng tiến hành luân chuyển theo chiều dọc 4 đồng chí giữ chức Bí thư Đảng ủy, 2 đồng chí giữ chức Chủ tịch UBND xã. Hiện nay, đang còn 3 đồng chí thực hiện nhiệm vụ ở cơ sở.
Bên cạnh đó, từ năm 2016 đến nay huyện đã luân chuyển ngang 9 lượt cán bộ từ cơ quan Đảng sang cơ quan chính quyền, MTTQ, các đoàn thể, chính trị - xã hội. Đối với cấp xã, đã luân chuyển 40 lượt công chức...
Sản xuất chè ở Thanh Chương. Ảnh tư liệu: Đức Anh |
Thực hiện Đề án đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý, huyện đã cử 48 đồng chí đương chức và trong quy hoạch đi học các lớp cao cấp lý luận chính trị hệ tập trung và hệ không tập trung; mở 15 lớp đào tạo sơ cấp và trung cấp lý luận chính trị - hành chính cho gần 1.000 đảng viên; Phối hợp với các trường đại học mở các lớp đào tạo ngành Kinh tế nông nghiệp, Luật, Kế toán...; Tạo điều kiện cho 53 cán bộ học thạc sỹ với nhiều chuyên ngành, phù hợp với vị trí việc làm. Công tác bồi dưỡng, đào tạo cán bộ được quan tâm sâu rộng, thực hiện theo các nhu cầu việc làm cụ thể.
Đồng chí Hồ Đăng Tài - Phó Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Đào Tuấn |
Làm rõ một số nội dung trong công tác luân chuyển, đào tạo cán bộ
Phát biểu tại buổi làm việc, các thành viên đoàn kiểm tra đề nghị huyện Thanh Chương phân tích rõ hơn việc thực hiện các chính sách đối với cán bộ luân chuyển; cơ cấu độ tuổi của các cán bộ thực hiện chủ trương luân chuyển, điều động; chất lượng cán bộ trước và sau luân chuyển; việc bố trí, sắp xếp cán bộ luân chuyển có đúng quy hoạch không...
Đối với kết quả thực hiện Đề án số 01, báo cáo cần bổ sung thêm một số nội dung như hiện nay có bao nhiêu Bí thư chi bộ kiêm xóm trưởng; việc thực hiện nguyên tắc lãnh đạo của Đảng tại địa bàn có xóm trưởng không phải đảng viên. Các đại biểu cũng yêu cầu phân tích cụ thể kết quả kết nạp đảng viên của từng năm; công tác củng cố các tổ chức chính trị - xã hội cơ sở, nhất là trong bối cảnh thực hiện chủ trương sáp nhập xóm, xã theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6...
Đồng chí Trần Quốc Khánh - Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Đào Tuấn |
Tiếp thu và giải trình các vấn đề đoàn kiểm tra quan tâm, lãnh đạo Huyện ủy Thanh Chương cho biết, đối với công tác luân chuyển, điều động cán bộ, lâu nay huyện có áp dụng một số chính sách hỗ trợ đối với người được luân chuyển. Việc đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của cán bộ luân chuyển hoàn toàn căn cứ vào hoạt động thực tiễn tại cơ sở. Đó là kết quả thực hiện công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, việc thực hiện nhiệm vụ chính trị và xây dựng mối đoàn kết của hệ thống chính trị tại cơ sở.
Lý giải thực tế 192/506 xóm trưởng không phải là đảng viên, lãnh đạo Ban Tổ chức Huyện ủy Thanh Chương cho biết, phần lớn đây là nhóm cán bộ cơ sở trên 60 tuổi, trình độ văn hóa không đáp ứng các điều kiện, một số người sinh con thứ ba, thứ tư...
Các ý kiến khác cũng làm rõ những thuận lợi, khó khăn và phương hướng thực hiện 3 nội dung mà đoàn công tác đề ra.
Đồng chí Bùi Thanh An - Ủy viên BTV, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Đào Tuấn |
Kết luận buổi làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Bùi Thanh An đánh giá cao kết quả mà Huyện ủy Thanh Chương đạt được trong 3 nội dung của mà đoàn kiểm tra nêu. Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy cũng yêu cầu lãnh đạo huyện Thanh Chương cần có sự thống nhất trong việc thực hiện, rà soát và đánh giá các đề án sát thực hơn.
Huyện phải xác định mục tiêu luân chuyển, điều động cán bộ một cách rõ ràng hơn; phải hạn chế đến mức thấp nhất việc rút ngắn thời gian luân chuyển. Đội ngũ cán bộ cần được bố trí một cách hợp lý, khoa học; phối hợp chặt chẽ giữa luân chuyển và điều động, trên cơ sở đó vừa tránh mất cân đối, vừa tránh khép kín, cục bộ trong công tác sắp xếp cán bộ.
Liên quan đến thực hiện Đề án số 01, huyện cần tiếp tục áp dụng đồng bộ các giải pháp để thực hiện tốt chủ trương kết nạp đảng viên. Bên cạnh đó, kiện toàn, củng cố vai trò của các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội cơ sở nhằm tạo hạt nhân nòng cốt cho việc thực hiện Đề án.
Thanh Chương là huyện miền núi, nằm ở phía Tây Nam của tỉnh Nghệ An, có diện tích tự nhiên 1.128 km2. Toàn huyện có 39 xã và 1 thị trấn, trong đó 6 xã loại 1; 27 xã, thị trấn loại 2 và 7 xã loại 3; có 506 thôn, khối, xóm, bản; dân số có mặt thường xuyên trên 227.000 người, đồng bào dân tộc thiểu số 10.363 người (chiếm 4,56%), đồng bào theo đạo công giáo 7.450 người (chiếm 3,28%) dân số toàn huyện. Đảng bộ huyện hiện có 81 tổ chức cơ sở đảng, trong đó có 40 đảng bộ xã, thị trấn, 18 đảng bộ cơ quan và 23 chi bộ cơ sở, với 765 chi bộ trực thuộc, có hơn 13.400 đảng viên.Ảnh: Google Maps |