Những thiết bị quân sự của NATO gặp sự cố nhiều nhất

vn.sputniknews.com 21/07/2019 11:51

Hiện đại, đắt tiền, được vũ trang và... chưa sẵn sàng chiến đấu. Vào tuần này, tàu sân bay mới nhất của Anh HMS Queen Elizabeth bị hơn 200 tấn nước tràn vào khoang vì sự cố kĩ thuật, khiến tàu gián đoạn hành trình hàng hải và trở về Portsmouth.

Chiếc tàu lớn nhất của hạm đội Anh tiếp tục gây nguy hiểm cho thủy thủ đoàn: đây không phải là trục trặc đầu tiên. Trang Sputnik đã có bài viết về các loại kỹ thuật quân sự của NATO liên tiếp gặp trục trặc kỹ thuật.

Tàu HMS Queen Elizabeth
Tàu HMS Queen Elizabeth

Tàu sân bay bị rò rỉ

Tàu sân bay HMS Queen Elizabeth là một trong hai tàu thuộc dự án đóng tàu sân bay của Anh. Chiếc tàu trị giá 3,1 tỷ bảng Anh đã được xây dựng trong 8 năm. Tàu có chiều dài 282,9 mét, chiều rộng 75 mét, lượng choán nước toàn tải 65.000 tấn. Tàu Queen Elizabeth sẽ mang gần 40 máy bay, trong đó có phiên bản hải quân của máy bay chiến đấu F-35 và máy bay trực thăng loại Merlin.

Bây giờ con tàu đang trải qua thử nghiệm trên biển, vào năm 2020 Queen Elizabeth phải được đưa vào biên chế. Tất nhiên, nếu các chuyên gia có thể loại bỏ nguyên nhân gây rò rỉ.

Theo cổng thông tin Defense News, vào tuần này các hoạt động thử nghiệm đã bị dừng lại vì nước biển đã tràn vào khoang. Phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Anh đã báo cáo rằng, vụ rò rỉ là “một sự cố nhỏ với hệ thống nội bộ”. Theo truyền thông Anh, ước tính 200 tấn nước biển đã tràn vào khoang tàu. Tất nhiên, đối với một con tàu với lượng giãn nước 65 nghìn tấn đây là khối lượng nhỏ, nhưng các hoạt động thử nghiệm bị dừng lại.

Đây là trường hợp thứ hai tàu bị rò rỉ. Lần đầu tiên chiếc tàu sân bay mới nhất của Anh đã gặp trục trặc tương tự vào tháng 12 năm 2017 - ngày thứ ba của các thử nghiệm trên biển. Khi đó các chuyên gia cũng đã phát hiện vấn đề với ốc vít, và tàu sân bay đã được đưa đi sửa chữa.

Ngoài ra, cộng đồng chuyên gia cũng đang tranh luận về các loại thiết bị trên tàu Queen Elizabeth. Trong năm 2017, trên báo chí xuất hiện thông tin rằng, tàu sân bay sử dụng hệ điều hành Windows XP mà hệ điều hành này không còn được Microsoft hỗ trợ. Điều này khiến Queen Elizabeth dễ bị tấn công mạng.

F-35
Tiêm kích tàng hình F-35.

Tiêm kích gặp vấn đề

Máy bay chiến đấu F-35 thế hệ thứ năm với chi phí cho chương trình phát triển vượt quá 55 tỷ USD, sẽ đi vào lịch sử không quân như một trong những máy bay Mỹ gặp vấn đề lớn nhất.

Năm 2018, Lầu Năm Góc công bố báo cáo chỉ ra rằng, trong bản thiết kế của F-35 phát hiện gần một nghìn nhược điểm chưa được loại bỏ. Trong số đó 111 nhược điểm được phân loại cấp độ 1, có thể gây chết người, thương tích nghiêm trọng, mất mát hoặc tổn hại lớn. Tất cả chúng sẽ hạn chế đáng kể khả năng sẵn sàng chiến đấu của các lực lượng vũ trang sử dụng mẫu máy bay chiến đấu này.

Cụ thể, các tác giả của báo cáo lưu ý rằng, máy bay có thể bị phá hủy khi bay trong cơn giông bão vì trong cấu trúc có nhiều bộ phận bằng nhựa và thùng nhiên liệu dễ bị tổn thương và nổ tung. Ngoài ra, phi công F-35 phàn nàn về những triệu chứng chóng mặt, ngứa ran ngón tay và mất phương hướng, điều này cho thấy tình trạng thiếu oxy trong suốt chuyến bay.

Trước đây cũng đã ghi nhận những nhược điểm trong "ghế phóng" của máy bay F-35 gây nguy hiểm cho phi công nặng dưới 75 kg và chế độ nhìn đêm của mũ bảo hiểm dành cho phi công tạo ra một quầng sáng màu xanh cản trở tầm nhìn của phi công nếu hạ cánh trong đêm, những nhược điểm trong hệ thống điện tử v.v.

Vào tháng 1 năm 2019, Bloomberg đã công bố bản báo cáo của Lầu Năm Góc về những vấn đề nghiêm trọng với độ tin cậy và độ bền của máy bay F-35, với độ chính xác của vũ khí và sự không hoàn hảo của phần mềm. Cụ thể, hóa ra lớp phủ công nghệ cao bằng vật liệu giảm thiểu khả năng hấp thụ sóng radar bị hao mòn nhanh hơn dự kiến. Tuy nhiên, Lầu Năm Góc vẫn mua những chiếc máy bay này và vẫn bán chúng cho các đồng minh thân cận nhất.

Xe chiến đấu bộ binh Puma.
Xe chiến đấu bộ binh Puma.

Xe chiến đấu quá nặng

Trong một thời gian dài Bộ Quốc phòng Đức đã từ chối mua xe chiến đấu bộ binh mới nhất Puma. Nhưng, vào tháng 4 năm 2015, Puma đã được đưa vào biên chố quân đội Đức. Bộ trưởng Quốc phòng Đức Thomas de Maizìere đã nói rằng, Bundeswehr sẽ không đặt mua các xe chiến đấu này chừng nào các nhà phát triển chưa loại bỏ các nhược điểm nghiêm trọng.

Trong quá trình thử nghiệm 5 chiếc xe đầu tiên đã phát hiện những vấn đề với thiết bị nhìn đêm và hệ thống điều khiển hỏa lực, với hệ thống hỗ trợ quan sát. Một phần của những thiếu sót đã được loại bỏ, Puma đã được đưa vào biên chế, nhưng, các chuyên gia vẫn tiếp tục chỉ trích nó.

Các chuyên gia cho rằng, nhược điểm chính của xe chiến đấu bộ binh mới là trọng lượng chiến đấu của xe lên đến gần 43 tấn, tương đương với xe tăng chiến đấu chủ lực T-90 của Nga. Điều này làm phức tạp việc vận chuyển Puma bằng máy bay, và ảnh hưởng xấu đến khả năng di chuyển chiến thuật.

Một lý do khác để chỉ trích Puma là chiều cao 3,1 mét. Tực là, Puma thậm chí còn cao hơn cả xe tăng Leopard 2 và rất dễ bị tấn công bằng vũ khí chống tăng. Và một nhược điểm nghiêm trọng khác là xe chiến đấu bộ binh Puma có giá khoảng 9 triệu Euro cho mỗi chiếc, có lẽ là chiếc xe đắt nhất trong lớp này.

Tình trạng kỹ thuật của chiếc xe Puma được cung cấp cho quân đội cũng gây vấn đề. Năm 2018, tờ Die Welt đã đưa tin rằng, trong tổng số 71 chiếc Puma được đưa vào biên chế một năm trước đó, chỉ có 27 chiếc phù hợp để sử dụng.

Tàu khu trục DDG-1000 lớp Zumwalt
Tàu khu trục DDG-1000 lớp Zumwalt

Tàu khu trục siêu đắt

Các tàu khu trục tàng hình lớp Zumwalt của Hải quân Hoa Kỳ là một ví dụ về những tham vọng quá cao dẫn đến kết quả khiêm tốn. Lầu Năm Góc đã lên kế hoạch mua 32 tàu lớp này với giá 40 tỷ USD. Tuy nhiên, giá thành cuối cùng đã tăng gần gấp bội. Đơn đặt hàng của Lầu Năm Góc đã giảm xuống còn 24 tàu, sau đó xuống còn 7 tàu. Cuối cùng Hải quân chỉ giới hạn bởi ba tàu có chi phí chế tạo khoảng 4,4 tỷ USD/chiếc.

Tàu khu trục DDG-1000 lớp Zumwalt đã được hạ thủy vào ngày 16 tháng 10 năm 2016. Một tuần sau, chiếc tàu đã gặp sự cố về bộ phát điện khi qua kênh đào Panama. Tàu bị rò nước vào mô tơ bơm dầu phụ của động cơ. Điều đó khiến tàu đâm vào bờ kè và mắc kẹt lại ở kênh đào. Zumwalt đã được kéo tới căn cứ hải quân gần nhất để sửa chữa.

Vào tháng 12 năm 2017, trong các thử nghiệm trên biển, em trai của Zumwalt - tàu khu trục DDG-1001 cũng gặp phải trục trặc. Báo chí Mỹ đã viết rằng, các bộ lọc bảo vệ thiết bị điện rất nhạy cảm với dao động điện đã bị hỏng, do đó con tàu đã mất khả năng sử dụng mạng điện ở mức tải cao. Các cuộc thử nghiệm bị gián đoạn, con tàu trở về xưởng đóng tàu để sửa chữa.

Ngoài ra, Lầu Năm Góc vẫn chưa đưa ra phương án thay thế đạn pháo LRLAP rất đắt tiền (chi phí đến 800 nghìn USD/viên), phải được trang bị cho các khẩu pháo 155mm trên Zumwalt.

vn.sputniknews.com