Sám hối của 'quý bà' vẻ ngoài dễ gây thiện cảm
"Cầm tiền tỷ trong tay, tôi lóa mắt, nhiều lúc muốn dừng nhưng không thể", bị cáo Mai Thùy Linh trình bày trước tòa.
Suốt phiên xử mở cuối tháng 6 tại TAND Hà Tĩnh, bà Mai Thùy Linh (52 tuổi, trú TP HCM) liên tục thừa nhận quá tham tiền đã đẩy nhiều doanh nghiệp vướng vào cảnh nợ nần, khó khăn. "Bị cáo thấy lừa được tiền quá dễ dàng nên cứ làm tới. Đến khi nhận ra thì đã quá muộn, không thể dừng lại", bà Linh nói.
Bản án xác định, từ năm 2015-2017, dù không có nguồn lực xây trường học, bệnh viện, song bà Linh lập một công ty xây dựng đặt trụ ở TP HCM, ký hợp đồng xây dựng với 6 giám đốc doanh nghiệp ở Hà Tĩnh, yêu cầu họ chuyển 7,5 tỷ đồng để xin tài trợ dự án. Nhận tiền, bà Linh tiêu xài cá nhân, không thực hiện được cam kết. Khi sự việc đổ bể, bà ta chỉ hoàn được vài trăm triệu đồng cho đối tác.
Tại tòa, bà Linh trong bộ quần áo bạc màu, cúi đầu lí nhí nói chưa từng có ý định đi lừa đảo cho tới khi xin được tài trợ 1,2 tỷ đồng của một doanh nghiệp ở TP HCM để xây trường mầm non ở huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) vào năm 2015. "Thấy tôi ăn mặc sang trọng, có uy tín, nhiều giám đốc doanh nghiệp liên hệ nhờ xin tài trợ và nhận thầu thi công. Họ tặng quà gặp mặt có giá trị làm tôi lóa mắt", bị cáo kể.
Bà Linh khai ít khi cầm tài sản lớn như vậy, được nhiều giám đốc đưa tiền thì lòng tham dâng cao. Tiền có được, "nữ doanh nhân" không mang về cho gia đình mà dùng chi tiêu cá nhân, đem đi làm từ thiện tại một số tỉnh khác để lấy lòng tin với chính quyền. Nhiều lúc bị tố cáo, bà ta dùng tiền lừa được của doanh nghiệp này đem trả cho doanh nghiệp khác để được êm chuyện.
Bị cáo Linh tại tòa. Ảnh: Đức Hùng |
Nhiều bị hại khi trả lời tòa cũng thừa nhận, vụ án xảy ra do mình "quá nhẹ dạ cả tin". Họ không nghĩ bà Linh với vẻ ngoài hiền lành, chất phác lại có thể mạo danh "nhà từ thiện quốc tế", tạo ra kịch bản lừa đảo trắng trợn đến vậy.
Khi nghe bà Linh khoe có thể xin được tiền tài trợ cho dự án, nhiều giám đốc doanh nghiệp đã loan tin, mách nước với người khác. Cứ thế, họ bắt mối với nhau, tìm đến bà Linh cậy cục nhờ vả.
"Có lần bàn việc với tôi, bà ấy gọi điện thoại cho một số đơn vị nói sẽ tài trợ 300-500 triệu đồng làm từ thiện. Số tiền lớn mà quyết cái rụp như thế, tôi từ không tin tưởng cũng xiêu lòng, tự nguyện nộp tiền tỷ đặt cọc cho bà ta", một bị hại trình bày.
Trước việc nhiều giám đốc doanh nghiệp liên tục trách oán bà Linh, tòa nói: "Các anh khi đưa số tiền lớn phải nhìn mặt bắt hình dong, tìm hiểu rõ về nguồn gốc công ty của bà Linh rồi mới đầu tư chứ". Một người trả lời, vì tin tưởng và nóng lòng muốn có được dự án nên "làm liều", bởi thời buổi này làm ăn khó, lơ là sẽ bị đơn vị khác đấu thầu mất.
Khi bà Linh nói không có tiền để hoàn trả, nhiều bị hại bức xúc song cũng xác định không thể đòi lại đòi lại được. "Chúng tôi cũng cũng chịu nhiều điều tiếng khi bị lừa, doanh nghiệp gặp khó khăn, nợ nần, mong tòa xử đúng người, đúng tội", một người nói.
Nhận định các bị hại cũng có phần lỗi khi quá tin vào lời nói lừa đảo, tòa tuyên phạt bà Linh mức án 16 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, buộc bồi thường cho 6 nạn nhân hơn 12 tỷ đồng (bao gồm cả lãi suất ngân hàng).
Trước khi bị áp giải ra xe thùng đi thụ án, trong vài phút ngắn ngủi gặp người thân, bà Linh chia sẻ, có bi kịch ngày hôm nay là do bị dòng tiền quá lớn điều khiển, không cưỡng lại sức hút từ nó. Bị cáo mong nhiều người rút kinh nghiệm từ bài học này để gia đình không rơi vào cảnh đau khổ, điều tiếng.