Công ty CP Mía đường Sông Con: Thiệt hại nặng nề do mía khô cháy

Xuân Hoàng 22/07/2019 08:24

(Baonghean) - Nắng nóng kéo dài hơn 2 tháng qua khiến nhiều diện tích mía nguyên liệu của Công ty cổ phần Mía đường Sông Con bị khô cháy, dự kiến cả nhà máy và nông dân bị thiệt hại nặng nề.

Xót xa mía khô cháy

Những ngày nắng nóng này, nhiều diện tích mía nguyên liệu trên địa bàn huyện Tân Kỳ, đặc biệt những xã vùng trong bị khô héo.

Anh Lê Văn Quý, cán bộ nông vụ Công ty Mía đường Sông Con được giao phụ trách địa bàn xã Đồng Văn (Tân Kỳ) cho biết: Dù thời tiết nắng nóng, bà con không thể có giải pháp gì để chống hạn cho mía, vì không có nguồn nước, nhưng chúng tôi vẫn phải bám đồng hàng ngày để nắm bắt tình hình sâu bệnh, phòng trừ kịp thời. Ngoài ra còn nắm bắt tình hình mía bị khô cháy để báo cáo lãnh đạo nhà máy.

Trên những con đường đất bụi pha cát trắng xóa dưới cái nóng nung người, thỉnh thoảng anh Quý dừng xe bên những đám mía khô khốc từ lá xuống gốc, không còn hy vọng hồi phục.

Nhiều diện tích mía nguyên liệu trên địa bàn Tân kỳ đã khô cháy do thời tiết nắng nóng kéo dài. Ảnh: Xuân Hoàng
Nhiều diện tích mía nguyên liệu trên địa bàn Tân Kỳ khô cháy do thời tiết nắng nóng kéo dài. Ảnh: Xuân Hoàng

Tại đám mía của gia đình ông Nguyễn Cảnh Thạch ở xóm Kẻ Chiềng (xã Đồng Văn), với diện tích 5 sào, cây mía khô như rơm. Ông Thạch cho hay, đám mía trồng từ tháng 11 năm ngoái, cây mía đã vươn lóng, những tưởng chống chịu được nắng hạn, nhưng không ngờ cháy gần hết. Nếu như 1 tuần nữa mà không có mưa, mía có nguy cơ mất trắng.

Gia đình ông Đặng Như Bắc cũng ở xóm Kẻ Chiềng có diện tích mía bị khô cháy hoàn toàn, không thể hồi phục. Ông Bắc cho biết, chưa có năm nào nắng nóng khốc liệt kéo dài khiến mía chết như năm nay, không những công ty mà gia đình tôi cũng thiệt hại nặng nề.

Nhiều gia đình mất trắng khi mía chết khô. Ảnh: Xuân Hoàng
Nhiều gia đình mất trắng vì mía chết khô. Ảnh: Xuân Hoàng

Các năm trước, đến giữa tháng 7 đã có mưa to, nhưng năm nay suốt 2 tháng trời liên tục chỉ có vài đợt mưa nhỏ, nước không đủ thấm mặt đất. Nếu trời tiếp tục nắng nóng trong những ngày còn lại của tháng 7 thì cây cối, hoa màu chết hết, đồng nghĩa bà con nông dân thất thu, đặc biệt là cây mía.

Nhiều diện tích mía thiệt hại ở Nghĩa Phúc. Ảnh: X.H

Mía là cây trồng chủ lực của địa phương, nhưng nắng nóng kéo dài như thế này, khiến nhiều diện tích mía đã bị khô héo, hiện xã đang giao cho các xóm thống kê diện tích mới có số liệu cụ thể. Người dân chúng tôi và xã cũng mong muốn tỉnh công bố thiên tai để có thể được hỗ trợ phần nào.

Ông Đinh Quang Hợp – Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Văn


Giải pháp cứu vãn?

Theo anh Lê Văn Quý – cán bộ nông vụ của Nhà máy CP Mía đường Sông Con, trên địa bàn xã Đồng Văn đã có hơn 6 ha mía bị chết khô. Còn tại xã Tiên Kỳ, diện tích mía bị chết khô trên 50%. Ngoài ra, các địa phương khác như: Nghĩa Phúc, Tân Hợp, Giai Xuân… nhiều diện mía trồng trên đất đồi cũng bị khô héo.

Anh Quý cho biết thêm, dù trời nắng nóng, người dân không thể ra đồng chăm sóc mía được, nhưng mỗi cán bộ nông vụ cũng phải bám ruộng thường ngày. Khi thời tiết mát, khuyến cáo bà con bóc lá già để cây mía phát triển chiều cao, hạn chế sâu bệnh, rầy lưng trắng; đồng thời làm cỏ vun gốc, không cần bón thêm phân, bởi trước đó bà con đã bón thúc phân khi mía mới giai đoạn nảy mầm. Trước mắt, trên cây mía không có sâu bệnh gì đáng lo ngại, chỉ có một số ít diện tích bị nhiễm rầy tỷ lệ thấp, bà con đã kịp thời xử lý.

Khi thời tiết có mát, có mưa, bà con nông dân cần bóc lá mía già, đồng thời làm cỏ, vun gốc. Ảnh: Xuân Hoàng
Khi thời tiết có mát, có mưa, bà con nông dân cần bóc lá mía già, đồng thời làm cỏ, vun gốc. Ảnh: Xuân Hoàng

Đội ngũ cán bộ nông vụ phải bám ruộng suốt cả giai đoạn mía phát triển cho đến khi thu hoạch. Nhiệm vụ chính của họ là vận động người dân trồng mới và chăm sóc mía, theo dõi tình hình sâu bệnh hại mía. Đối với niên vụ mía năm nay, đội ngũ cán bộ nông vụ sẽ khó khăn, vất vả hơn, bởi diện tích mía giảm và nắng nóng kéo dài, khiến năng suất mía sẽ giảm. Tuy nhiên, để đảm bảo sản lượng nguyên liệu, đội ngũ cán bộ nông vụ của nhà máy phải tăng cường bám ruộng, hướng dẫn bà con chăm sóc mía kịp thời khi thời tiết thuận lợi.

Ông Nguyễn Bá Quý – Phó Giám đốc Công ty cổ phần Mía đường Sông Con

“Theo số liệu của cán bộ nông vụ báo cáo, đến ngày 20/7, vùng nguyên liệu mía của Công ty cổ phần Mía đường Sông Con đã có hơn 131 ha mía bị khô chết, trên 200 ha mía bị khô chết từ 30 – 45%. Nếu thời tiết tiếp tục nắng nóng, diện tích mía bị khô chết sẽ nhiều hơn, điều này đồng nghĩa thiệt hại kinh tế đến người trồng mía, nhà máy cũng sẽ giảm sản lượng nguyên liệu cho vụ ép tới” - ông Nguyễn Bá Quý cho hay.

Xuân Hoàng