Nghệ An sẽ xây dựng đề án nâng cao chất lượng dạy và học Tiếng Anh tầm nhìn 10 năm
(Baonghean.vn) - Nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh, củng cố nền tảng ngoại ngữ trong các cấp học phổ thông bằng một đề án được nghiên cứu cẩn thận, gắn lộ trình rõ ràng, thực hiện kiên trì, bền bỉ với sự đầu tư của tỉnh là giải pháp cần thiết để tạo chuyển biến về trình độ, năng lực Tiếng Anh tại Nghệ An.
Trong kỳ thi THPT quốc gia 2019, Nghệ An đạt tỷ lệ tốt nghiệp thứ 36/63 tỉnh, thành, tăng 6 bậc so với năm 2018. Ảnh tư liệu |
Chất lượng giáo dục tốt, nhưng tiếng Anh kém
Báo cáo về kết quả năm học 2018 - 2019 tại phiên họp thường kỳ tháng 7 của UBND tỉnh mới diễn ra hôm 23/7, đồng chí Thái Văn Thành - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết, Nghệ An tiếp tục duy trì được vị trí tốp đầu về chất lượng giáo dục.
Năm học vừa qua, có 90/102 học sinh Nghệ An dự thi đạt giải HSG quốc gia, xếp thứ 2 toàn quốc; có 4 học sinh tham gia và đạt giải các kỳ thi HSG quốc tế và khu vực. Trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2019, tỷ lệ tốt nghiệp toàn tỉnh đạt 95,24% đứng thứ 36 cả nước, tăng 6 bậc so với năm 2018; toàn tỉnh có 650 thí sinh đạt điểm 9,5 trở lên.
Tuy nhiên, lãnh đạo ngành giáo dục bày tỏ trăn trở bởi khi phân tích phổ điểm, vẫn thấy thấp nhất là điểm tiếng Anh (chỉ 3,75), khẳng định Sở sẽ có giải pháp để đề xuất UBND tỉnh triển khai, đẩy mạnh nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh trong nhà trường.
Quan tâm thảo luận về vấn đề này, Thiếu tướng Nguyễn Hữu Cầu - Giám đốc Công an tỉnh, Đại biểu Quốc hội đồng tình rằng chất lượng giáo dục của Nghệ An rất tốt, nhưng tiếng Anh còn kém.
“Trong xu hướng hội nhập mà để cho Nghệ An của chúng ta tụt hậu về tiếng Anh thì cơ hội cho học sinh Nghệ An tìm kiếm việc làm hoặc hội nhập ở tầm cao hơn là rất khó. Trong khi ở Hà Nội hay TP. Hồ Chí Minh tiếng Anh rất phổ cập, nên cơ hội giao lưu, tìm việc làm của các cháu sau này rất dễ”, Thiếu tướng Nguyễn Hữu Cầu phát biểu và đề nghị ngành giáo dục cần quan tâm nâng cao khả năng tiếng Anh của học sinh, tăng chất lượng dạy tiếng Anh tại Nghệ An.
Chủ tịch UBND tỉnh Thái Thanh Quý chủ trì phiên họp thường kỳ tháng 7 của UBND tỉnh sáng 23/7. Ảnh: Thu Giang |
Chủ trì phiên họp, đồng chí Thái Thanh Quý - Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tái khẳng định sự quan tâm của các cấp, ngành, của toàn xã hội đối với việc chăm lo cho sự nghiệp giáo dục.
Ghi nhận những nỗ lực của ngành giáo dục trong thời gian qua, biểu dương những kết quả nổi bật của đội ngũ giáo viên, học sinh trên địa bàn tỉnh trong năm học 2018 - 2019, lãnh đạo tỉnh chỉ đạo ngành cần quan tâm thêm đến khía cạnh dạy và học tiếng Anh.
Thẳng thắn chỉ ra rằng, nền tảng tiếng Anh trong giai đoạn học phổ thông là rất quan trọng, song hiện vẫn còn rất yếu, UBND tỉnh bày tỏ ủng hộ Sở Giáo dục và Đào tạo có giải pháp mạnh để tạo chuyển biến trong vấn đề này. “Chúng ta sẽ dành nguồn lực để đầu tư, Sở Giáo dục và Đào tạo hãy nghiên cứu, đặt hàng. Việc này không thể làm trong 1 - 2 năm mà cần lộ trình 10 năm. Cần phải kiên trì, bền bỉ, bắt đầu từ thái độ, nhận thức của giáo viên, chuyển dần sang học sinh, rồi phụ huynh, gia đình, xã hội” - đồng chí Thái Thanh Quý nhấn mạnh, đồng thời chỉ đạo ngành phải vào cuộc ngay, không để đề cập nhiều về vấn đề này nhưng chưa bắt tay vào làm, chưa có giải pháp mạnh, mang tính căn cơ, nghiêm túc, gắn lộ trình rõ ràng.
Nêu ví dụ thực tế rằng trong thời hội nhập, sinh viên tốt nghiệp có trình độ ngoại ngữ tốt dễ tìm được việc làm sau khi ra trường với mức lương khá hơn, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo ngành giáo dục phải xây dựng đề án tổng thể nâng cao năng lực Tiếng Anh, tạo thành phong trào học Tiếng Anh rộng rãi.
Giờ học Tiếng Anh của học sinh Trường thực hành Sư phạm Đại học Vinh. Ảnh: Mỹ Hà |
Cũng tại phiên họp, đồng chí Thái Thanh Quý yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo có kế hoạch đánh giá lại hệ thống trường chuẩn quốc gia, khi Nghệ An có 70% số trường đạt chuẩn nhưng có những trường 10 năm chưa đánh giá lại, cơ sở vật chất xuống cấp, đội ngũ, chất lượng giáo viên biến động...
Về giáo dục miền núi, người đứng đầu chính quyền tỉnh lưu ý cần hết sức quan tâm đến cơ sở vật chất, lưu ý đến tính đặc thù của các địa phương để tính toán cẩn thận trong quy hoạch mạng lưới trường lớp, không để học sinh, phụ huynh gặp khó khăn khi đến trường.