Tân Thủ tướng Anh Boris Johnson có làm thay đổi 'cuộc chơi'?
(Baonghean) - Đảng Bảo thủ nói “có” với Boris Johnson nhưng liệu cả nước Anh có cho ông cơ hội? Đây là câu hỏi được đặt ra nhiều nhất kể từ khi ông Boris Johnson giành chiến thắng cách biệt trong cuộc bỏ phiếu của Đảng Bảo thủ để trở thành Thủ tướng Anh.
Ông Boris Johnson trở thành chủ nhân mới của số 10 Downing. Ảnh: Getty |
Chính trị gia “có tiếng”
Ngày 24/7, ông Boris Johnson chính thức nhậm chức Thủ tướng Anh, thay thế cho bà Theresa May. Điều này không nằm ngoài dự đoán của giới quan sát và chính những người dân Anh kể từ khi cuộc chạy đua cho chức vị Thủ tướng Anh bắt đầu. Ông Boris Johnson được chú ý không phải bởi ông là ứng cử viên sáng giá nhất, người có thể giúp đưa nước Anh thoát khỏi thế bế tắc do Brexit mang lại mà bởi ông là một nhân vật khá “có tiếng”.
Sự nổi tiếng của ông Boris Johnson bắt nguồn từ cách “làm màu” hình ảnh cá nhân một cách đặc biệt. Truyền thông quốc tế vốn không lạ gì với hình ảnh của một chính trị gia có mái tóc vàng không chải chuốt, cách ăn mặc xuề xòa của ông Johnson và đặc biệt là những hành động và phát ngôn gây tranh cãi, từng là đề tài bàn tán sôi nổi của giới quan sát trong suốt nhiều năm.
Khi còn làm Thị trưởng London hay Ngoại trưởng Anh, ông Boris Johnson không ít lần có những phát ngôn “vạ miệng” thậm chí gây ảnh hưởng đến quan hệ ngoại giao quốc tế. Ông từng so sánh Liên minh châu Âu (EU) với trùm phát xít Adolf Hitler, nói rằng EU đang lên kế hoạch thiết lập một quốc gia thống trị, như tham vọng của Hitler năm xưa. Ông nói môn bóng bàn xuất phát từ bàn ăn của nước Anh, trong khi thực tế đây là môn thể thao do người Trung Quốc sáng tạo ra hay từng gọi ứng viên tranh cử tổng thống Mỹ Hillary Clinton là “mụ y tá tàn bạo trong bệnh viện tâm thần”....
Boris Johnson và đối thủ Jeremy Hunt bắt tay sau khi kết quả kiểm phiếu được công bố ngày 23/7. Ảnh: EPA |
Với nước Anh, ông Johnson cũng là một chính trị gia nổi bật bởi quan điểm cứng rắn “trước sau như một” về Brexit. Ngay từ khi phong trào Brexit bắt đầu nhen nhóm, ông Johnson khi đó còn là Thị trưởng London đã rất tích cực đi khắp đất nước để trấn an cử tri về những lợi ích mà Brexit mang lại.
Là người ủng hộ nước Anh rời khỏi EU, ông Johnson tuyên bố mạnh miệng về một tương lai “ra đi” kể cả không cần thỏa thuận nào. Điều đó có nghĩa, nếu đúng thời hạn mà hai bên vẫn không đạt được các thỏa thuận ràng buộc về kinh tế hay chính trị, nước Anh vẫn sẽ dứt khoát ra đi theo kiểu “dứt tình cạn nghĩa”.
Với những người ủng hộ Brexit, quan điểm rõ ràng và dứt khoát của ông Johnson được chào đón nhiệt liệt, thậm chí có người còn ví ông như cựu Thủ tướng Winston Churchill - một người hùng của nước Anh. Chính điều này đã giúp ông Johnson dễ dàng nhận được đa số phiếu ủng hộ của đảng viên Đảng bảo thủ - những người mang quan điểm Brexit cứng rắn giống ông Johnson.
Nói tóm lại, sự khác biệt trong tính cách, hành động và lời nói của một nhà chính trị là những lợi thế mà ông Johnson đang có. Ở góc độ nào đó, sự nổi lên của Boris Johnson giống như trường hợp Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc bầu cử năm 2016.
Niềm lạc quan có kéo dài?
Bản thân ông Boris Johnson khi bước vào cuộc đua giành chức Thủ tướng cũng quyết tâm xuất hiện như một nhà lãnh đạo thực sự làm thay đổi cuộc chơi, chứ không phải là một “anh hề” đáng yêu nhưng không đáng tin cậy. Nhưng thực tế chắc chắn không dễ dàng cho một nhà lãnh đạo thích “phá vỡ những khuôn khổ” đã có. Bằng chứng là mặc dù trở thành chủ nhân mới của số 10 phố Downing nhưng sự phản đối ông Johnson đã tăng lên từng ngày. Hàng loạt Bộ trưởng và các quan chức trong chính phủ tuyên bố từ chức ngay khi ông Johnson lên làm Thủ tướng chính là minh họa cho sự chống đối này.
Bộ trưởng Tài chính Philip Hammond tuyên bố sẽ từ chức để phản đối tân Thủ tướng Boris Johnson với chính sách “Brexit cứng”. Ảnh: AP |
Hiện tại, nhóm nghị sĩ đảng Bảo thủ chống đối ông Johnson trong Nghị viện Anh là 42 người, vẫn tỏ thái độ rất cứng rắn với ông Johnson và sẵn sàng kích hoạt việc bỏ phiếu bất tín nhiệm chính phủ của ông Johnson nếu ông này không từ bỏ ý định Brexit không thỏa thuận. Nếu không “xoa dịu” được nhóm này, ông Johnson sẽ không có một đa số ủng hộ đủ mạnh trong Nghị viện và sẽ rất khó điều hành chính phủ.
Vấn đề thứ hai, mà cả đảng Bảo thủ lẫn Công đảng đối lập sẽ quan sát rất kỹ, đó là việc ông Johnson sẽ thành lập một nội các ra sao, đưa các nhân vật nào vào các vị trí Bộ trưởng chủ chốt. Việc này gây chú ý không chỉ bởi tính chất quan trọng mà còn vì khía cạnh cá nhân của ông Boris Johnson khi các đối thủ của ông, nhất là Công đảng đối lập, từ lâu nay luôn công kích ông Johnson là có phong cách lãnh đạo cá nhân.
Ông Boris Johnson có hành động “kỳ quặc” treo mình trên dây kéo để cổ vũ Olympic London năm 2012. Ảnh: Barcroft Media |
Bên cạnh đó, “hòn đá” khổng lồ với ông Johnson khi ngồi trên chiếc ghế Thủ tướng không gì khác đó là giải quyết việc “ra đi” của nước Anh. Làm sao để tạo ra khác biệt, làm sao để tháo gỡ bế tắc và giải quyết êm thấm Brexit là những câu hỏi đang còn bỏ ngỏ. Mặc dù luôn tỏ thái độ rất cứng rắn về Brexit nhưng cho đến nay thái độ này của ông Boris Johnson lại không đi kèm với các kế hoạch thực sự rõ ràng và cụ thể ngoài khẩu hiệu “Brexit hoặc chết”. Chưa rõ ông Jonhson sẽ quyết định đi đàm phán tiếp với EU về Brexit, thuyết phục Quốc hội thông qua một bản thỏa thuận cũ hay “buông xuôi” chờ ngày 31/10 tới để “ra đi”, nhưng lựa chọn nào cũng sẽ có rủi ro.
Trong trường hợp những tính toán của ông Johnson không được như ý, đối đầu và bế tắc chính trị giữa chính phủ và hạ viện Anh xung quanh Brexit tiếp diễn, mà cũng không có sự nhượng bộ nào từ phía EU, tân Thủ tướng sẽ buộc phải tổ chức bầu cử sớm. Khi đó, liệu nước Anh có trao cho ông cơ hội như Đảng bảo thủ vừa làm là điều khó dự đoán.
Hàng trăm người đã tập trung tại trung tâm thành phố Glasgow vào tối thứ 23/7 để phản đối chiến thắng của ông Boris Johnson. Ảnh: The National |
Nói cách khác, cuộc bầu chọn lãnh đạo mới cho nước Anh đã ngã ngũ nhưng đó không phải là một giải pháp thần kỳ có thể ngay lập tức giúp nước Anh thoát khỏi tình huống chính trị phức tạp nhất kể từ sau Thế chiến II đến nay. Một giai đoạn mới của nước Anh mới bắt đầu. Nhưng với cá tính và phong cách gây tranh cãi, cộng thêm các quan điểm có phần cực đoan và mập mờ về Brexit của ông Boris Johnson, chính trường Anh những ngày tới còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng nổ xung đột hơn so với trước kia, đặc biệt khi mà Brexit đã đi đến giai đoạn khó có thể trì hoãn thêm và các bên cần phải đưa ra một quyết định dứt khoát.
Và đương nhiên cũng sẽ chẳng có “tuần trăng mật” chính trị nào cho ông Johnson mà ngược lại là một “chiến trường” đây chông gai./.