Vì sao Mỹ 'chuyển tông' trong thái độ với Pakistan?

Phú Bình 23/07/2019 20:21

(Baonghean) - Truyền thông phương Tây ngày 23/7 đưa tin, Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 22/7 đã bất ngờ dành tặng lời khen ngợi cho Pakistan vì sự giúp đỡ của quốc gia này trong công cuộc thúc đẩy đối thoại hòa bình tại Afghanistan.

Nhiều quan điểm đánh giá, đây là sự “chuyển tông” đáng chú ý trong giọng điệu của xứ cờ hoa, trong bối cảnh họ đang cần sự giúp sức của Islamabad để đạt hiệp ước với lực lượng Taliban, nhằm đi đến kết thúc cho cuộc chiến tranh kéo dài gần 2 thập niên.

Tổng thống Trump khen ngợi Pakistan khi đón tiếp Thủ tướng nước này Imran Khan tại phòng Bầu dục hôm 22-7. Ảnh: AFP
Tổng thống Trump khen ngợi Pakistan khi đón tiếp Thủ tướng nước này Imran Khan tại phòng Bầu dục hôm 22-7. Ảnh: AFP

Từ khóa Afghanistan

Phát biểu từ Phòng Bầu dục bên cạnh Thủ tướng Pakistan Imran Khan trong chuyến thăm chính thức đầu tiên tới Mỹ, Tổng thống Trump thẳng thừng tuyên bố rằng, ông có thể kết thúc cuộc xung đột chỉ trong vòng vài ngày thông qua sử dụng vũ lực, và “Afghanistan sẽ bị xóa sổ khỏi bề mặt Trái Đất”.

Song, tông giọng của nhà lãnh đạo này “đổi chiều” khi ông nói thêm, so với vũ lực, ông vẫn chuộng phương án đối thoại hơn.

Theo truyền thông phương Tây, Pakistan là quốc gia tài trợ chính cho Taliban khi lực lượng này nổi lên nắm quyền tại nước láng giềng Afghanistan trong những năm 90 của thế kỷ XX.

Tầm ảnh hưởng của Pakistan đối với nhóm từng phát động phong trào nổi dậy kể từ khi bị các lực lượng do Mỹ dẫn đầu “hất cẳng” khỏi ngôi vị quyền lực năm 2001, được nhìn nhận là giữ vai trò “chìa khóa” trong quá trình tạo điều kiện thuận lợi cho một giải pháp chính trị với chính quyền của Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani.

Xuất hiện sự 'đảo chiều' trong thái độ của lãnh đạo Mỹ dành cho Pakistan. Ảnh: AFP

Nhiều khả năng đây chính là nguyên do dẫn đến cú xoay 180 độ trong giọng điệu từ phía Nhà Trắng dịp này, mà minh chứng hùng hồn là những “lời có cánh” của ông Trump.

“Chúng tôi đã đạt nhiều tiến triển trong vài tuần lễ vừa qua, và Pakistan đã giúp chúng tôi đạt được sự tiến triển đó. Rất nhiều chuyện đang xảy ra đối với nước Mỹ, và tôi nghĩ nhiều điều tốt đẹp sẽ diễn ra với Pakistan dưới thời lãnh đạo của ông”.

Tổng thống Mỹ Donald Trump

Những từ ngữ nồng ấm, cùng những nụ cười thân thiện là tín hiệu cho thấy sự “đảo ngược” rõ rệt trong thái độ của vị Tổng thống Mỹ xuất thân đảng Cộng hòa, bởi nhiều người biết rằng, trong quá khứ Trump chính là nhân vật cáo buộc Pakistan dối trá, lừa lọc và năm ngoái chính ông từng cắt 300 triệu USD viện trợ an ninh cho “địa chỉ” này.

Thủ tướng Pakistan từng miêu tả viễn cảnh gặp gỡ lãnh đạo Mỹ là 'thuốc đắng' khó nuốt trôi. Ảnh: AFP

Dường như hòa chung bầu không khí thân thiện, về phần mình, Thủ tướng Pakistan cũng phát biểu: “Tôi là một trong số những người luôn tin rằng không có giải pháp về mặt quân sự… Tôi phải khen ngợi Tổng thống Trump, vì giờ đây ông đã buộc mọi người phải chấm dứt chiến tranh”.

Dọn đường chấm dứt cuộc chiến dài nhất của Mỹ

Được biết, Mỹ đang đốc thúc đưa ra một thỏa thuận chính trị với lực lượng Taliban trước khi diễn ra cuộc bầu cử tổng thống tại Afghanistan vào cuối tháng 9/2019. Điều này sẽ dọn đường cho hầu hết binh lính Mỹ rút khỏi Afghanistan và mang lại hồi kết cho cuộc chiến dài nhất mà Mỹ từng tham gia - dây dưa suốt 18 năm qua.

Về cuộc chiến này, Trump đã cảnh báo: “Nếu chúng tôi muốn chiến đấu trong cuộc chiến tại Afghanistan và giành chiến thắng, tôi có thể làm điều đó trong 1 tuần lễ. Chẳng qua là tôi không muốn tàn sát 10 triệu người mà thôi”.

armytimes
Quân đội Mỹ tác chiến tại Afghanistan. Ảnh: Armytimes

Với quan điểm đối thoại thay vì đối đầu, Shamila Chaudhary, một chuyên gia nghiên cứu cấp cao thuộc nhóm nghiên cứu New America, đồng thời là cựu quan chức Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ nói với AFP rằng chuyến thăm của ông Khan được xem như “một phần thưởng cho hành xử tốt khi làm mọi việc khả thi tạo điều kiện cho các cuộc đàm phán của Taliban” mà Mỹ dành cho Pakistan.

Lý giải cho sự nhiệt tình từ góc độ Pakistan, dễ thấy thực tế là Islamabad đang muốn xốc lại quan hệ với Washington sau nhiều năm bất hòa từ lúc phát hiện ra kẻ chủ mưu vụ 11/9 Bin Laden trên đất Pakistan, nơi y bị tiêu diệt trong đợt vây ráp của Mỹ hồi năm 2011.

Tín hiệu tích cực mới mẻ xuất hiện khi Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vừa phê duyệt khoản vay trị giá 6 tỷ USD nhằm giúp vực dậy nền kinh tế đang chững lại của Pakistan, và theo quan điểm của Raza Rumi - một chuyên gia Pakistan làm việc tại trường Ithaca, việc duy trì Mỹ “cùng phe” là điều tối quan trọng nhằm giúp nước này giữ được dòng hỗ trợ của phương Tây.

Thời gian qua, mối tương tác qua lại giữa lãnh đạo 2 nước Mỹ - Pakistan, vốn đều là những người của công chúng trước khi trở thành chính khách, đã trở thành chủ đề tiếp nhận nhiều luồng phỏng đoán khác nhau.

Nhưng theo Chaudhary, cuộc “chạm trán” Trump - Khan tại Nhà Trắng vừa qua theo một số góc nhìn thì vẫn mang tính “hình thức”, bởi các cuộc gặp giữa Mỹ và tư lệnh quân đội đầy quyền lực của Pakistan là tướng Qamar Javed Bajwa, cũng tới Washington dịp này mới là nơi “các vấn đề thực chất được bàn thảo”.

Shuja Nawaz - chuyên gia về Nam Á tại Hội đồng Đại Tây Dương nhận định, ông Khan được đánh giá là có mối quan hệ mật thiết với quân đội - bên nắm quyền kiểm soát chính sách đối ngoại của Pakistan - hơn so với những người tiền nhiệm gần đây.

Sự hiện diện của ông Bajwa trong dịp này “tăng thêm đôi chút độ tin cậy trong những thông điệp mà người Pakistan muốn chuyển tải”.

Dư luận theo dõi cuộc gặp Trump-Khan từ Karachi. Ảnh: AFP
Dư luận theo dõi cuộc gặp Trump-Khan từ Karachi. Ảnh: AFP

Một thông cáo phát đi từ cuộc gặp vừa qua tại Nhà Trắng khẳng định ông Trump hy vọng “khôi phục mọi khía cạnh quan hệ song phương”, bao gồm các thỏa thuận thương mại mới lẫn “các quan hệ vững chắc giữa 2 quân đội”.

Khía cạnh thương mại chưa rõ sẽ ra sao, song nội dung thứ 2 ắt hẳn sẽ được quân đội Pakistan hoan nghênh, bởi đây là lực lượng vẫn luôn tỏ rõ sự hào hứng muốn tiếp cận với các khí tài quân sự mới của Mỹ, cũng như kích hoạt tái khởi động dòng viện trợ an ninh từ Washinton.

Phú Bình