Nghệ An: Báo động tình trạng trẻ kháng thuốc do cha mẹ tự ý mua dùng
(Baonghean) - Việc người dân tự ý mua thuốc không theo đơn, nhà thuốc thì bán thuốc không cần đơn đã là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng kháng thuốc đáng báo động hiện nay, nhất là ở trẻ nhỏ.
Hệ lụy khôn lường
Đã 15 ngày nay, con trai của chị Lê Thị Huyền ở xã Quỳnh Văn (Quỳnh Lưu) phải điều trị viêm phổi tại Khoa Hô hấp, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An. Đáng buồn là sức khỏe của cháu lại chậm được cải thiện bởi bị kháng với nhiều loại thuốc kháng sinh.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng kháng thuốc kháng sinh được xác định: Trước đây, mỗi lần cháu bị ho, sổ mũi thì mẹ của cháu lại tự ra các quầy thuốc trong xã mua thuốc về cho cháu uống. Lúc đầu chỉ lấy mấy liều về cho con uống, thấy đỡ nên chị dừng lại không cho cháu uống tiếp.
“Lần này cháu uống hơn 2 tuần mà không khỏi, tình trạng bệnh lại nặng hơn. Đến lúc tôi đưa cháu vào nhập viện tại Khoa Hô hấp, Bệnh viện Sản Nhi thì bác sĩ nói con tôi bị kháng các loại thuốc kháng sinh do ở nhà tôi cho uống thuốc kháng sinh bừa bãi, không theo phác đồ, không theo chỉ dẫn của bác sĩ”.
Thuốc kháng sinh đang được bán tràn lan. Ảnh: Thanh Hoa |
Tương tự là trường hợp cháu Trịnh Nguyễn Kim Ngân, 3 tháng tuổi ở xã Diễn Hồng (Diễn Châu). Hễ Kim Ngân có các triệu chứng về đường hô hấp thì mẹ cháu tự ý cho cháu uống các loại kháng sinh từ liều thấp cho đến liều cao với hy vọng sử dụng kháng sinh sẽ nhanh khỏi bệnh vì vậy khi nhập viện cháu đã bị kháng thuốc kháng sinh. Đến nay sức khỏe của cháu nay đã ổn định nhưng theo các bác sĩ chắc chắn lần sau nếu cháu bị ốm sẽ khó khăn hơn trong việc điều trị.
Từ bài học của gia đình, tôi khuyên các mẹ có con bị ốm dù nhẹ cũng nên đến các cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời, không nên tự ý mua thuốc.
Từ đầu năm 2018 đến nay, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An đã phối hợp với Sở Y tế thực hiện nghiên cứu trên 600 bệnh nhân đã và đang điều trị tại bệnh viện. Kết quả là trong số 600 bệnh nhân thì có hơn 100 bệnh nhân kháng từ 1 đến hơn 2 kháng sinh.
Thạc sĩ, bác sĩ Bùi Anh Sơn - Trưởng khoa Hô hấp Bệnh viện Sản Nhi thông tin: “Trong 600 bệnh nhân này khi đưa vào nghiên cứu thì chúng tôi đã lấy dịch và tìm nguyên nhân gây bệnh. Khi tìm được nguyên nhân gây bệnh thì chúng tôi tiến hành kháng sinh đồ để biết mức độ nhạy cảm của vi khuẩn đối với kháng sinh. Đối với bệnh nhân kháng thuốc, bệnh viện sẽ tiến hành hội chẩn với các khoa phòng và ban lãnh đạo để tìm ra phương hướng điều trị tối ưu nhất cho người bệnh, sau đó sẽ điều trị theo ý kiến của hội chẩn và theo dõi sát sao trong quá trình điều trị để làm sao đảm bảo tối ưu nhất về sức khỏe của người bệnh. Đối với trường hợp đa kháng chúng phải hội chẩn lên tuyến cao hơn là Bệnh viện Nhi Trung ương để tìm ra phác đồ điều trị hiệu quả cho người bệnh. Điều trị bệnh nhân đa kháng rất khó, nhiều khi mình phải chấp nhận những thuốc có thể để lại tác dụng phụ nhằm bảo toàn tính mạng bệnh nhân”.
"Lỏng" quản lý bán thuốc không theo đơn
Theo Bộ Y tế: Trong khi các nước trên thế giới đang dùng các loại kháng sinh thế hệ 1 thì ở Việt Nam đã dùng các loại kháng sinh thế hệ 3, 4... Hiện nay, bất kỳ ai cũng có thể mua được các loại kháng sinh mà không cần có đơn thuốc của các bác sĩ. Công tác quản lý bán thuốc kê đơn chưa được tốt.
Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là nhận thức của người dân, cũng như người bán thuốc. Người bán thuốc dựa trên những đơn thuốc cũ của bác sĩ để tự ý kê, bán thuốc cho người bệnh có triệu chứng tương tự, trong khi bệnh lý, biểu hiện giống nhau nhưng ở mỗi người lại phải dùng thuốc khác nhau.
Ngoài ra, theo phản ánh của một số chuyên gia y tế, tình trạng kháng thuốc còn do một số bác sĩ ở phòng khám ngoài công lập. Các bác sĩ này muốn bệnh nhân khỏi bệnh thật nhanh mà không suy xét hậu quả sau này khi cho bệnh nhân sử dụng phổ kháng sinh rất rộng, diệt nhiều loại vi khuẩn. Việc dùng phổ kháng sinh rộng khiến cả quần thể vi khuẩn thay đổi, biến đổi gen để chống lại kháng sinh phổ rộng, và nhiều vi khuẩn có lợi cũng bị diệt đi.
Một thực tế cho thấy là việc sử dụng rộng rãi các loại kháng sinh cũng là thuận lợi cho người bệnh. Vấn đề đặt ra chính là cách kiểm soát của các cơ quan quản lý. Nếu như không có sự quản lý, kiểm soát chặt chẽ tình trạng bán thuốc không theo đơn, lạm dụng thuốc kháng sinh, hoặc sử dụng rộng rãi quá thuốc kháng sinh thì những ca bệnh đang nhẹ cũng trở nên kháng thuốc, rồi đến khi nặng thì rất khó khăn trong việc điều trị... Hiện nay, chế tài xử lý vi phạm bán thuốc không theo đơn chưa đủ sức răn đe, theo Nghị định 176 thì nếu vi phạm chỉ phạt từ 200.000 - 500.000 đồng/lần”.
Khoa Hô hấp, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An hiện có khá nhiều bệnh nhân bị kháng thuốc kháng sinh. Ảnh: P.V |
Tình trạng lạm dụng thuốc kháng sinh trong quá trình điều trị đã và đang là một vấn đề đáng báo động. Hơn lúc nào hết, cả xã hội cần vào cuộc để nâng cao nhận thức về sử dụng kháng sinh hợp lý, giảm thiểu trình trạng kháng thuốc kháng sinh trong điều trị, đảm bảo sức khỏe giống nòi và thế hệ tương lai.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, 90% số nhà thuốc tại Việt Nam bán thuốc kháng sinh không kê đơn, 87% người dân có thể dễ dàng đến nhà thuốc mua kháng sinh không theo đơn của bác sĩ.
Hàng năm, trên thế giới có hàng triệu người chết do kháng thuốc, trong đó có 1,4 triệu trẻ em. Nếu kháng thuốc, người bệnh phải nằm viện lâu hơn và tỷ lệ tử vong tăng ở tất cả các nhóm tuổi.