Nên chọn áo chống nắng màu sáng hay tối?
Áo màu đen, xanh đậm... có khả năng biến đổi quang lượng tia cực tím thành nhiệt lượng, mức độ chống nắng tốt hơn màu sáng.
Bác sĩ Lê Thái Vân Thanh, Phòng khám Chăm sóc da, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, cho biết áo màu tối hấp thụ nhiệt nhiều hơn nhưng lại có khả năng chống tia cực tím (UV) tốt hơn màu sáng. Vì thế nếu chọn áo chống nắng màu tối nên chọn vải satin, cotton để tạo cảm giác dễ chịu, thoải mái hơn khi mặc.
"Mọi người tưởng nóng là do da bị ăn nắng, thật ra vải đang hấp thu nhiệt. Không cần thiết phải mua những trang phục được quảng cáo chống tia UV mà có thể chọn loại vải có độ che phủ cao, sợi vải chặt, dày và màu sẫm", bác sĩ Thanh nói.
Áo làm từ loại vải có độ che phủ cao, sợi vải chặt và dày có khả năng chống tia UV tốt hơn. Ảnh: Thành Nguyễn |
Bên cạnh màu sắc, chất liệu cũng là yếu tố quan trọng để chọn áo chống nắng tốt. Áo được làm từ chất liệu jeans, cotton, gốm - ceramic, sợi microfiber, lớp phủ nano chống nắng cao... ngăn tia UV làm hại da.
Một số trang phục chống nắng chuyên nghiệp, vi sợi được pha trộn nhiều hợp chất có tác dụng chống nắng. Sợi vải được thêm hoạt chất làm dịu da, giúp da tránh bị kích ứng khi tiếp xúc.
Bác sĩ Thanh cho biết trang phục chống nắng cơ học đều phải được kiểm định hiệu quả về mặt lâm sàng, xét theo 3 yếu tố:
Che phủ: Mức độ che phủ phụ thuộc vào khoảng cách giữa những sợi vải. Có thể kiểm tra bằng cách đưa tấm vải ra ánh mặt trời. Nếu ánh nắng xuyên qua nhiều là khoảng cách sợi vải thưa, mức độ chống nắng sẽ giảm.
Độ chặt của sợi vải: Một sợi vải có rất nhiều vi sợi lèn chặt vào nhau. Nếu vi sợi lỏng lẻo, ánh sáng và tia UV xuyên qua nhiều sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả chống nắng.
Độ dày: Nếu vải có độ chặt và che phủ tốt nhưng quá mỏng thì bước sóng tia UV chiếu qua vải sẽ không bị cản lại và gây hại trực tiếp lên da. Các sợi vải xếp càng khít nhau càng có ít khe hở, chất vải càng dày thì khả năng chống nắng sẽ càng tốt hơn rất nhiều.
Bác sĩ Thanh khuyến cáo những yếu tố như mỹ phẩm, mồ hôi ẩm ướt khiến bản chất sợi vải thay đổi và không đạt được hiệu quả chống nắng. Không nên phụ thuộc vào trang phục mà cần kết hợp tránh nắng giờ cao điểm, bôi kem chống nắng, dùng viên uống chống nắng nếu trong môi trường phương pháp chống nắng cơ học không khả thi.