Người Thái Nghệ An hết vận may lại làm lễ xin thêm

Hữu Vi 01/08/2019 09:56

(Baonghean) - Người Thái ở huyện Quỳ Châu tin rằng, mỗi người sinh ra đều được thần linh ban cho vận may và một khi đã dùng hết đi, người ta có thể làm lễ để xin được cấp thêm. Đó là căn nguyên của một nghi lễ tâm linh khá độc đáo.

Nghi lễ dành cho người trẻ

Một buổi sáng mùa hè, từ một ngôi nhà sàn ở bản Hoa Tiến 1, xã Châu Tiến, huyện Quỳ Châu đã vọng lại tiếng cồng chiêng, khắc luống. Những người ở xa đến cứ ngỡ bản có hội lớn, nhưng kỳ thực đó chỉ là nghi lễ trong nội bộ gia đình. Ông Lương Văn Long tổ chức một nghi lễ tâm linh cho con trai, gọi là lễ “nho bún”.

Quang cảnh lễ nho bún ở bản Hoa Tiến 1
Thầy mo bên mâm cúng xin thêm vận may. Ảnh: Hữu Vi

Trong tiếng Thái ở Nghệ An, “nho” có nghĩa là nâng, nhấc lên, còn “bún” là niềm may mắn, vận may, uy tín… Lễ này nhằm xin thần linh ban cho người chịu lễ thêm những niềm may mắn trong cuộc sống.

Theo những thầy mo và người cao tuổi ở xã Châu Tiến thì lễ “nho bún” thường chỉ dành cho người trẻ. Họ giải thích rằng con người sinh ra đã được thần linh ban cho vận may trong cuộc sống. Có được những thứ này, khi đi nương rẫy sẽ không bị ngã cây, ngã chòi canh nương; khi ra đường hay đứng trước những mối quan hệ xã hội, người còn “bún” sẽ được nể vì, trân trọng, làm ăn hanh thông và tránh được tai ương.

Cũng theo quan niệm của người Thái ở huyện Quỳ Châu thì thần linh chỉ ban cho mỗi người một số lượng niềm may mắn nhất định. Người được nhiều, người có ít và cũng có trường hợp do đối mặt với quá nhiều bất trắc hoặc tham gia các mối quan hệ xã hội nhiều hơn bình thường, nên người ta dùng hết mất số may mắn được thần linh ban cho. Đó là lúc phải làm lễ để cầu xin thêm vận may.

Biện cỗ lớn, lễ kéo dài

“Đây là một nghi lễ khá tốn kém” - ông Lương Diệp, thầy mo và là người chủ lễ tại nhà ông Long cho biết. Trước khi gõ cồng chiêng, khắc luống cử hành nghi lễ, phải chuẩn bị trước 1 con lợn, 12 con gà để dâng lên thần linh. Ngoài ra, gia chủ còn phải biện cỗ để mời anh em họ mạc đến dự. Vì thế, để tổ chức được lễ “nho bún”, một gia đình người Thái có hoàn cảnh kinh tế bình thường cũng mất đến hàng tháng trời chuẩn bị.

Đôi trai gái nâng mâm lễ để xin niềm may mắn. Ảnh: Hữu Vi

Không gian chính của buổi lễ là gian ngoài nơi đặt bàn thờ. Lợn được luộc chín, xả thịt. Để giảm chi phí, người làm lễ dùng 12 con gà con thay thế cho gà trưởng thành. Ngoài thịt gà, lợn, còn có thêm vải vóc, một số thứ làm giả bạc nén.

Tại buổi lễ có đôi trai gái nâng mâm lễ. Lễ cúng kéo dài suốt một buổi sáng vì thầy mo phải đọc 5 bài cúng khác nhau. Sau mỗi bài cúng, đôi trai gái lại làm nghi thức nâng mâm lễ đứng dậy, đưa cao ngang đầu, sau đó lại từ từ hạ xuống. Theo giải thích của thầy mo và người cao tuổi ở bản Hoa Tiến 1 thì làm vậy để thể hiện sự sùng kính với thần linh. Mỗi lần nâng mâm như thế, người được làm lễ sẽ có thêm một niềm may mắn.

Trong khi đôi trai gái nâng mâm, người ta “chào đón” bằng tiếng cồng chiêng và khắc luống. Sau khi nâng mâm, đôi trai gái được thầy mo mời một sừng rượu cần. Trên ché rượu có một ngọn nến để cầu may mắn đến với họ. Cũng như nhiều lễ hội khác, lễ “nho bún” kết thúc bằng một cuộc tiệc tùng và hội rượu cần.

Theo lời kể của một số người nghiên cứu văn hóa địa phương thì lễ “nho bún” cũng thường thấy ở các bản người Thái ở xã Châu Phong, huyện Quỳ Châu nhưng cách tổ chức cầu kỳ hơn, kéo dài từ gà gáy sáng cho đến chiều tối hôm sau. Bên mâm lễ, người ta dựng một “cây hoa” bằng tre gần giống cây xăng khan. Để xong lễ, thầy mo phải qua 9 lần cúng và đôi trai gái cũng phải thực hiện nâng mâm lễ 9 lần.

Hữu Vi