Nghệ An: Vùng cam Vinh phá bỏ gần 500 ha do sâu bệnh và nắng hạn
(Baonghean.vn) - Thông tin từ Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Quỳ Hợp cho biết, thời gian qua trên địa bàn huyện có khoảng 500 ha cam trong giai đoạn kinh doanh đã phải phá bỏ, do sâu bệnh kết hợp với nắng hạn nên cây cam bị khô cháy.
Ông Nguyễn Xuân Hoan ở xóm Minh Hồ, xã Minh Hợp chặt bỏ những cây cam bị sâu bệnh. Ảnh: Quang An |
Ông Nguyễn Xuân Hoan, chủ vườn cam ở xóm Minh Hồ, xã Minh Hợp (Quỳ Hợp) cho biết: Gia đình đình ông có 3 ha cam trong giai đoạn kinh doanh, từ 4 - 10 năm tuổi. Nhưng do sâu bệnh, kết hợp nắng hạn kéo dài, nên có 1 ha không thể chăm sóc được, buộc phải phá bỏ, chuyển sang trồng ngô.
2 ha còn lại, dù gia đình cố gắng chăm sóc, nhưng ra quả ít, quả nhỏ hơn các năm trước. Dự kiến 2 ha cam của gia đình ông Hoan năm nay thu hoạch khoảng 15 - 20 tấn quả, trong khi các năm trước thu hoạch 20 tấn/ha.
Vườn cam của gia đình ông Phan Văn Mạnh, xóm Minh Tâm, xã Minh Hợp đã phải chặt bỏ nhiều cây vì sâu bệnh và nắng hạn. Ảnh: Xuân Hoàng |
Dọc trên các trục đường nội vùng trọng điểm cam Vinh trên địa bàn xã Minh Hợp, xuất hiện nhiều vườn cam bị chặt bỏ, đào cả gốc. Ông Phan Văn Mạnh ở xóm Minh Tâm, xã Minh Hợp cho hay: Gia đình có 1,2 ha cam trong giai đoạn kinh doanh thì vừa rồi gia đình phải chặt bỏ một nửa vì sâu bệnh và nắng hạn kéo dài làm cây khô kéo, không ra được quả. Năm nay gia đình ông Mạnh thất thu từ vườn cam.
Một số vườn cam ra quả sớm, tuy nhiên do nắng hạn kéo dài nên quả bị khô héo, hư hỏng. Ảnh: Quang An |
Theo ông Lê Viết Minh - Công ty TNHH MTV Xuân Thành cho biết, những tháng đầu năm 2019, vùng cam của đơn vị đã phải chặt bỏ khoảng 140 ha, dự kiến thời gian tới sẽ chặt phá khoảng 150 ha nữa, do hạn hán và sâu bệnh.
Qua khảo sát cho thấy, năm nay cam ra quả ít, do vậy dự kiến sản lượng cam của đơn vị năm nay chỉ khoảng 4.000 tấn, giảm một nửa so với năm trước.
Thời gian qua, vùng trồng cam trên địa bàn huyện có khoảng 500 ha cam trong giai đoạn kinh doanh bị chặt bỏ, do sâu bệnh và nắng hạn kéo dài, khiến cây cam bị khô héo, không có khẳ năng phục hồi. Trong đó vùng cam của xã Minh Hợp bị chặt bỏ nhiều nhất.
Những vườn cam sau khi chặt bỏ, bà con chuyển sang cây trồng ngắn ngày khác. Ảnh: Xuân Hoàng |
Như vậy, diện tích cam kinh doanh trên địa bàn Quỳ Hợp vụ này giảm xuống chỉ còn 1.400 ha, đồng nghĩa mùa cam Vinh năm nay sản lượng sẽ giảm, do giảm diện tích và cây cam ra quả ít, vì ảnh hưởng của nắng hạn.