Theo chân những người thả trúm 'bẫy' lươn đồng

Huy Thư 10/08/2019 11:29

(Baonghean.vn) - Người dân xã Nam Anh, huyện Nam Đàn vốn nổi tiếng là siêng năng, chăm chỉ. Họ làm nhiều nghề phụ để mưu sinh, trong đó có nghề thả trúm bắt lươn đồng, nghề được cho là đã thay đổi cuộc sống của nhiều người.

Dưới chân núi Đại Huệ, hầu hết các xóm đều có người làm nghề thả trúm bắt lươn, nhưng tập trung nhiều nhất ở xóm 7, xóm 8, riêng xóm 8 đã có hơn 30 hộ. Người dân ở đây đã gắn bó với nghề thả trúm từ mấy chục năm qua. Nhà nào làm nghề thả trúm lươn cũng làm trúm. rất giỏi. Trong ảnh: Gia đình ông Nguyễn Thế Thanh ở xóm 8 đang làm trúm lươn.

Mồi thả trúm là giun đất, cua, ốc bươu vàng, trong đó giun đất là thứ không thể thiếu, các thứ đều được bằm nhỏ, trộn đều. Để có giun đủ làm mồi lâu dài, nhiều nhà thường bắt giun về đóng thành bịch dự trữ trong các tủ lạnh. Đến các hộ dân làm nghề thả trúm ở Nam Anh thấy tủ lạnh nhà nào cũng chứa hàng yến giun là chuyện bình thường.

Khoảng 1 - 2 h chiều, họ bắt tay vào làm mồi. Các thứ như giun, cua, ốc bươu vàng… đều được bằm nhỏ, trộn đều. Cứ 100 cái trúm thì cần khoảng hơn 0,5 kg mồi. Khi chuẩn bị xong, các “tay trúm” sẽ chia mồi bỏ vào ống. Người đi trúm chuyên nghiệp thường bỏ mồi đồng loạt vào các ống sau đó mới đóng “tôi”.

Clip nghề trúm lươn

Hàng ngày, khoảng 15 - 16h, những người làm nghề trong các xóm bắt đầu chở trúm ra đồng. Thường thì họ “kèo nhau” đi theo nhóm 3 - 5 người, sau khi đến địa điểm thì phân tán ra các cánh đồng. Địa điểm thả trúm ngày càng rộng hơn, ngoài Nam Đàn, dân thả trúm Nam Anh đã có mặt ở nhiều huyện trong tỉnh như Thanh Chương, Đô Lương, Anh Sơn, Hưng Nguyên… thậm chí sang cả Hương Sơn, Hương Khê - Hà Tĩnh. Những nơi được dân thả trúm chọn để "oanh tạc" là các ao, đầm, mương máng, đồng ruộng... Chỗ nào nước đọng quanh năm thì có nhiều lươn to. Nghề thả trúm được dân "đi lươn" gọi là nghề "lội đồng quang sang đồng rậm" bất chấp rác rưởi dơ bẩn, nước sâu.

Anh Hồ Viết Chiến ở xóm 8, xã Nam Anh – người có thâm niên trong nghề chia sẻ: Đi thả trúm gặp rất nhiều chuyện buồn vui, có khi cười ra nước mắt. Ngoài chuyện hỏng xe, gặp rắn rết nguy hiểm, gặp trời mưa, ngập trúm chết lươn, còn bị “dân anh chị” ở các địa phương dọa nạt, hành hung. Nhiều người đã bị đổ hết lươn, lấy hết trúm, thậm chí còn bị tống tiền... Anh Vương cho biết, không ít lần, những người thả trúm quê anh, khi đi lấy trúm đã phải về tay trắng.
Thả trúm nhìn chung khá đơn giản nhưng để lươn vào nhiều thì phải có kỹ thuật, bí quyết... Theo những người trong nghề, khi thả trúm cần đặt miệng trúm sát bùn, đuôi trúm nhô lên khỏi mặt nước, miễn rằng lươn vào dễ dàng và sống được trong trúm, cần đề phòng trúm nổi hoặc chìm khi vừa thả trúm xong.
Tầm 4 - 5h sáng, những người làm nghề trong làng sẽ thức giấc, gọi nhau đi nhặt trúm. Đi lấy trúm là công việc đơn giản nhất trong nghề, cứ theo vết bùn, ngọn lá cây héo đánh dấu trên bờ ruộng, bờ ao, tìm trúm mà nhặt.
Dân thả trúm thường mang nguyên cả trúm về nhà, trước lúc đi bán lươn mới đổ lươn vào các xô, chậu. Thường thì lươn thả trúm đều tươi sống, chỉ những đêm bị ngập nước do mưa giông thì lươn mới bị chết.
Mỗi đêm, một “tay trúm” ở Nam Anh thường kiếm được trên dưới 5 kg lươn, tùy vào mùa vụ và thời tiết mà được lươn nhiều hay ít. Mùa hè, nhu cầu các món ăn từ lươn đồng tăng cao, nên việc bán lươn khá dễ dàng. Người đi thả trúm không phải mang lươn ra chợ, mà dân buôn sẽ đến lấy tận nhà. Giá lươn hiện tại dao động từ 130 - 250 nghìn đồng/kg. Mặc dù phải lặn lội vất vả, chân lấm tay bùn, nhưng nghề thả trúm đã đem lại thu nhập đáng kể cho nhiều hộ dân ở Nam Anh. Một số gia đình từ 2 bàn tay trắng đã xây dựng được nhà cửa, nuôi con cái ăn học nhờ nghề thả trúm.

Huy Thư