Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy: Tránh việc ứng dụng khoa học công nghệ chỉ dừng lại ở mô hình

Mai Hoa 13/08/2019 18:28

(Baonghean.vn) - Làm việc với Huyện ủy Thanh Chương, đồng chí Nguyễn Thị Thu Hường - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đề nghị địa phương này lồng ghép các chương trình, nguồn lực, tạo nguồn lực lớn hơn, tránh việc ứng dụng khoa học công nghệ chỉ dừng lại ở mô hình.

Báo cáo với đoàn kiểm tra của Tỉnh ủy, đồng chí Trình Văn Nhã – Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Thanh Chương nêu trăn trở, mặc dù khoa học và công nghệ được xác định là động lực, khâu đột phá của sự phát triển; tuy nhiên nguồn lực đầu tư chưa tương ứng, nhiều chương trình mới dừng lại ở mô hình thực nghiệm để rồ “chết yểu”.

Chiều 13/8, tiếp tục chương trình kiểm tra, rà soát, đánh giá thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU liên quan đến phát triển khoa học và công nghệ, Đoàn kiểm tra số 4 của Tỉnh ủy có cuộc làm việc tại huyện Thanh Chương. Đồng chí Nguyễn Thị Thu Hường - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Phó trưởng đoàn kiểm tra chủ trì cuộc làm việc. Ảnh: Mai Hoa

Xác định 5 nhóm sản phẩm chủ lực

Là huyện miền núi với sản xuất nông nghiệp là ngành kinh tế chính, cho nên việc tuyên truyền, đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ cao trên cây trồng và vật nuôi được cấp ủy, chính quyền huyện Thanh Chương quan tâm. Đây được coi là mũi trọng tâm, khâu đột phá nâng cao giá trị sản xuất, nâng cao thu nhập cho nhân dân.

Từ tác động của khoa học công nghệ, Thanh Chương đã hình thành được một số sản phẩm mang thương hiệu địa phương; đặc biệt là gà Thanh Chương, trám đen, chè xanh Thanh Chương, cam tổng đội đã được dán tem truy xuất nguồn gốc… Hiện tại, cam tổng đội đã hình thành được một số hợp tác xã, có dám tem truy xuất gốc, tạo thương hiệu trên thị trường.

Hay trám đen, nhờ tác động khoa học công nghệ để chế biến thành sản phẩm có thời gian sử dụng kéo dài thay cho việc bán tươi như trước đây, đồng thời nâng giá trị sản phẩm từ 15 - 20 nghìn đồng/kg, nay nâng lên 90 - 100 nghìn đồng/kg….

Song song với lĩnh vực nông nghiệp, việc ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ cao trong lĩnh vực giáo dục, y tế, bảo vệ môi trường…

Đoàn kiểm tra khảo sát mô hình chế biến trám đen của doanh nghiệp nông nghiệp Trọng Anh. Ảnh: Mai Hoa
Đoàn kiểm tra khảo sát mô hình chế biến trám đen của doanh nghiệp nông nghiệp Trọng Anh. Ảnh: Mai Hoa

Phát huy trí tuệ, đổi mới sáng tạo của người trẻ.

Tuy nhiên, vấn đề được đoàn kiểm tra Tỉnh ủy quan tâm nhiều nhất ở Thanh Chương, đó là mặc dù huyện đã xác định rõ được các sản phẩm chủ lực của địa phương, song việc sản xuất tạo thành khối lượng hàng hóa lớn, gắn với tìm kiếm đầu ra của thị trường còn hạn chế.

Công tác thu hút các doanh nghiệp, các dự án khoa học công nghệ mang tính động lực thúc đẩy phát triển ngành nông nghiệp chưa thực hiện được.

Việc đổi mới công nghệ trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ chuyển biến chậm, năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh sản phẩm trên thị trường thấp.

Trên cơ sở kiểm tra, đồng chí Nguyễn Thị Thu Hường cho rằng, nhận thức và ý thức về hiệu quả và tác động của khoa học và công nghệ đối với sản xuất và đời sống trong nhân dân chưa nhiều; vì vậy đề nghị huyện tiếp tục tuyên truyền, triển khai thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU, từ đó nâng cao nhận thức của doanh nghiệp và người dân, để chủ động khai thác và vận dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ cao vào sản xuất nhanh, bền vững hơn.

Đoàn kiểm tra mô hình trồng cam ứng dụng khoa học công nghệ tại xã Thanh Lương. Ảnh: Mai Hoa
Đoàn kiểm tra mô hình trồng cam ứng dụng khoa học công nghệ tại xã Thanh Lương. Ảnh: Mai Hoa

Đồng chí Nguyễn Thị Thu Hường cũng chỉ ra một số tồn tại, đề nghị huyện tiếp tục quan tâm chỉ đạo tích cực hơn trong thời gian tới. Đó là, mặc dù Thanh Chương là huyện nông nghiệp, nhưng hiện tại vẫn chưa triển khai được mô hình nông nghiệp công nghệ cao; đồng thời chưa thu hút được doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao; mặt khác việc ứng dụng khoa học và công nghệ chỉ tập trung lĩnh vực nông nghiệp, còn lĩnh vực khoa học nhân vân nhằm bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa, lịch sử, truyền thống hạn chế…

Bên cạnh đó, huyện cần quan tâm đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý điều hành của cấp ủy, chính quyền; xây dựng đội ngũ tâm huyết với khoa học và công nghệ; lồng ghép các chương trình, nguồn lực, tạo nguồn lực lớn hơn, tránh việc ứng dụng khoa học công nghệ chỉ dừng lại ở mô hình; đẩy mạnh phong trào khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo nhằm phát huy trí tuệ, sáng tạo của những người trẻ thúc đẩy phát triển khoa học và công nghệ trên đia bàn…

Mai Hoa