Đối thoại tìm tiếng nói đồng thuận

Mai Hoa 17/08/2019 11:00

(Baonghean) - Tiếp xúc, đối thoại với nhân dân là một trong những biện pháp để cán bộ sâu sát cơ sở, tăng cường gắn bó với nhân dân, từ đó tập trung giải quyết các khó khăn, vướng mắc, bức xúc ngay từ cơ sở.

LỰA CHỌN TRỌNG TÂM ĐỐI THOẠI

Cuối tháng 7 vừa qua, cấp ủy, chính quyền huyện Nam Đàn tổ chức hội nghị đối thoại với cán bộ, nhân dân xã Nam Cát. Nhiều vấn đề nêu lên tại cuộc đối thoại xoay quanh đến mục tiêu hoàn thành xã nông thôn mới kiểu mẫu vào năm 2020 của huyện. Vấn đề “thời sự” được người dân quan tâm là nâng cấp hạ tầng lưới điện, đảm bảo chất lượng điện sinh hoạt của người dân, nhất là có 10 hộ dân ở xóm Mỹ Thiện được thành lập sau này không được đầu tư hạ tầng lưới điện, người dân tự đầu tư cột điện nên không đảm bảo an toàn, nhất là trong mùa mưa bão.

Người dân xã Nam Cát kiến nghị tại hội nghị đối thoại với cấp ủy, chính quyền huyện Nam Đàn. Ảnh: Mai Hoa
Người dân xã Nam Cát kiến nghị tại hội nghị đối thoại với cấp ủy, chính quyền huyện Nam Đàn. Ảnh: Mai Hoa

Đó còn là đề xuất quy hoạch các diện tích đất “đầu thừa, đuôi thẹo”, ao tù, nước đọng xen lẫn trong khu dân cư làm đất ở định giá cho người dân; vừa đảm bảo quy hoạch dân cư đẹp, vừa giúp cho các hộ gia đình khó khăn có đất ở.

Một số kiến nghị tăng mức hỗ trợ đầu tư xây dựng trường mầm non mới, bởi nếu theo cơ chế huyện hỗ trợ 50%, nguồn xã 50% là khó khả thi, vì tổng đầu tư xây dựng trường học lớn với 15 tỷ đồng, trong khi đó kinh tế địa phương còn khó khăn. Mặt khác, nhân dân Nam Cát cũng kiến nghị huyện đề xuất tỉnh đầu tư nâng cấp tỉnh lộ 539C - tuyến đường chạy dọc xã nay đã xuống cấp, để góp phần thúc đẩy việc xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu ở Nam Cát.

Quang cảnh cuộc đối thoại của Huyện ủy Nam Đàn với cán bộ, nhân dân xã Xuân Lâm. Ảnh: Mai Hoa
Quang cảnh cuộc đối thoại của Huyện ủy Nam Đàn với cán bộ, nhân dân xã Xuân Lâm. Ảnh: Mai Hoa

Cũng trong tháng 7 vừa qua, Huyện ủy Nam Đàn tổ chức đối thoại với cán bộ, nhân dân xã Xuân Lâm. Hai vấn đề nổi lên qua đối thoại đó là huyện cần làm rõ trách nhiệm, hướng giải quyết và thời gian giải quyết liên quan đến tồn đọng trong thực hiện chế độ bồi thường GPMB thuộc dự án đường ven sông Lam (hiện tại vẫn còn một số hộ dân chưa nhận bồi thường vì cho rằng chính sách chưa thỏa đáng); đồng thời giải quyết các trường hợp cấp đất trái thẩm quyền trên địa bàn xã.

Trực tiếp theo dõi 2 cuộc đối thoại nêu trên, nhận thấy các vấn đề nhân dân nêu cơ bản được lãnh đạo huyện, xã giải đáp, đồng thời nêu rõ phương án giải quyết, trách nhiệm của các cấp, kể cả trách nhiệm từ phía người dân.

"Mục đích và mục tiêu hoạt động đối thoại mà Ban Thường vụ Huyện ủy Nam Đàn đặt ra, bên cạnh để cán bộ tăng cường tiếp xúc, sâu sát cơ sở, gắn bó với nhân dân thì quan trọng là tập trung tháo gỡ, giải quyết các khó khăn, vướng mắc, bức xúc từ cơ sở, không ngại vấn đề “nóng”, khó khăn".

Đồng chí Lê Thị Hằng - Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Nam Đàn

Lãnh đạo xã Xuân Lâm thăm hỏi gia đình chính sách. Ảnh: Mai Hoa
Lãnh đạo xã Xuân Lâm thăm hỏi gia đình chính sách. Ảnh: Mai Hoa

Ở Nam Đàn, ngoài tổ chức đối thoại chuyên đề “những vướng mắc trong cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất” theo cụm xã, thời gian qua, huyện Nam Đàn đã xác định rõ một số địa bàn trọng tâm để đối thoại. Trong năm 2019 này, huyện đề ra kế hoạch đối thoại tại 7 xã.

Đơn cử xã Nam Thanh, 1 trong 7 xã nằm trong lộ trình xây dựng NTM kiểu mẫu, tuy nhiên tại đây, năng lực cũng như quyết tâm của hệ thống chính trị chưa cao dẫn đến tiến độ thực hiện đang còn chậm. Còn ở xã Xuân Hòa có những hạn chế trong quản lý, điều hành của chính quyền; sự đoàn kết, đồng thuận trong thực hiện một số nhiệm vụ chưa cao và phong trào địa phương chững lại…

Trên cơ sở kế hoạch chung của huyện, cấp ủy, chính quyền cơ sở cũng tổ chức hoạt động đối thoại với nhân dân định kỳ 1- 2 lần/năm. Theo tổng hợp từ Ủy ban MTTQ huyện, trong năm 2018, cấp ủy, chính quyền 24/24 xã, thị trấn tổ chức được 25 cuộc đối thoại (thị trấn tổ chức 2 cuộc) với tổng 556 nội dung đề xuất, phản ánh.

6 tháng đầu năm 2019, hoạt động đối thoại cũng đã diễn ra tại 24/24 xã, thị trấn với tổng 495 nội dung đề xuất, phản ánh.

LÀM RÕ TRÁCH NHIỆM, NGĂN NGỪA ĐIỂM NÓNG

Xác định đối thoại là để giải quyết, chứ không phải ghi nhận và tiếp thu, cho nên, trước khi tổ chức các cuộc đối thoại, từ cấp huyện đến cấp cơ sở đều triển khai nắm bắt tình hình cơ sở, chủ động thu thập thông tin, nghiên cứu trước để trả lời có chất lượng tại các cuộc đối thoại.

"Để đảm bảo hiệu quả đối thoại, cấp ủy, chính quyền với thái độ rất nghiêm túc, cầu thị, làm rõ trách nhiệm, không quanh co trong trả lời và các cuộc đối thoại đều được truyền thanh trực tiếp để người dân giám sát".

Đồng chí Nguyễn Duy Thảo - Bí thư Đảng ủy xã Xuân Lâm

Chính vì vậy, ở Xuân Lâm, sau đối thoại, cấp ủy, chính quyền tập trung giải quyết các vấn đề thuộc thẩm quyền và đề xuất huyện các vấn đề vượt quá thẩm quyền. Ví dụ sau cuộc đối thoại năm 2018, đến nay 3 vấn đề người dân yêu cầu liên quan đến việc thi công và quyết toán công trình kênh T6, xây dựng trường mầm non và tính toán lại phương án đóng góp của nhân dân trong quá trình chuyển đổi ruộng đất gắn với chỉnh trang đồng ruộng năm 2013 đã được xã giải quyết dứt điểm.

Cán bộ xã Vân Diên kiểm tra thi công công trình nâng cấp đường và hệ thống kênh mương. Ảnh: Mai Hoa
Cán bộ xã Vân Diên kiểm tra thi công công trình nâng cấp đường và hệ thống kênh mương. Ảnh: Mai Hoa

Từ các cuộc đối thoại do cấp huyện và cấp xã chủ trì, có tới 80 - 90% vấn đề được cấp ủy, chính quyền giải đáp, trả lời trực tiếp; 10 - 20% còn lại tiếp tục được huyện, xã giao các phòng, ban, bộ phận chuyên môn giải quyết hoặc kiến nghị, đề xuất với cấp có thẩm quyền giải quyết, tháo gỡ.

Tương tự ở xã Nam Lộc, sau cuộc đối thoại năm 2018, địa phương đã giao cho công chức địa chính tập trung hướng dẫn nhân dân hoàn thiện các hồ sơ thủ tục, thực hiện nghĩa vụ tài chính, đồng thời phối hợp với Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất huyện tháo gỡ vướng mắc trong cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân. Đến thời điểm này, trong số 236 hồ sơ tồn đọng đã có 202 trường hợp hoàn thiện, trong đó có một số đã được cấp giấy chứng nhận.

quote-Nguyễn Lâm Sơn - Phó thư Thường trực Huyện ủy Nam Đàn

Minh chứng là đầu năm 2019 địa phương triển khai xây dựng trường mầm non mới, phải lấy một phần diện tích sân bóng, mặc dù diện tích sân bóng được bù đắp, mở rộng sang hướng khác, song có một bộ phận nhân dân không đồng thuận. Qua đối thoại trực tiếp với người dân, cấp ủy, chính quyền đã giải thích cặn kẽ, làm rõ chủ trương, phương án của địa phương và được nhân dân đồng thuận và hiện nay, trường mầm non xã đang triển khai, dự kiến cuối tháng 9/2019 này sẽ đưa vào sử dụng một phần.

Đồng chí Nguyễn Lâm Sơn - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Nam Đàn khẳng định, để hoạt động đối thoại thực chất, giải quyết dứt điểm vấn đề thực tiễn đặt ra, ngoài trả lời và giải quyết trực tiếp tại cuộc đối thoại, sau các cuộc đối thoại, Ban Thường vụ Huyện ủy giao cho Ban Dân vận và Văn phòng Huyện ủy, Văn phòng UBND huyện tiếp tục theo dõi, đôn đốc các phòng, ban, ngành và địa phương giải quyết.

Huyện Nam Đàn đang trên đà xây dựng huyện NTM kiểu mẫu. Ảnh tư liệu

Mai Hoa