Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Tỷ lệ thông tin tiêu cực trên không gian mạng ở Việt Nam dưới 10%
(Baonghean.vn) - Trước đây, có những lúc trên không gian mạng, tỷ lệ thông tin tiêu cực trên 30%. Bây giờ, chúng ta nhìn thấy, tác động, điều chỉnh nên cơ bản, thông tin tiêu cực tầm dưới 10%.
Thông tin trên được Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng cho biết khi trả lời tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn do Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức sáng 15/8 về việc thực hiện các nghị quyết, kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến hết năm 2018.
Đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội chủ trì phiên thảo luận. Cùng dự tại điểm cầu Hà Nội có đồng chí Vương Đình Huệ - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo các bộ, ngành. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Trả lời đại biểu Đinh Duy Vượt (Gia Lai) về quản lý thông tin trên mạng xã hội, Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, muốn quản lý được đầu tiên là phải nhìn thấy. Do đó, Bộ TT&TT đã đầu tư xây dựng, đưa vào vận hành Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia.
Trung tâm này có 2 chức năng gồm: Giám sát được các cuộc tấn công mạng vào Việt Nam và giám sát được thông tin trên không gian mạng: báo điện tử, mạng xã hội.
Trung tâm có khả năng xử lý mỗi ngày được khoảng 100 triệu tin, qua đó có thể phân loại, đánh giá được như tỷ lệ thông tin tích cực, tiêu cực. Trước đây, có những lúc trên không gian mạng, tỷ lệ thông tin tiêu cực trên 30%. “Bây giờ, chúng ta nhìn thấy, chúng ta tác động điều chỉnh nên cơ bản thông tin tiêu cực tầm dưới 10%”, Bộ trưởng cho biết.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chất vấn. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Đối với việc đấu tranh với các mạng xã hội nước ngoài, trong khi họ chưa có văn phòng đại diện tại Việt Nam, chưa đóng thuế, thuế thực thi luật pháp, trong 1 năm vừa qua, Bộ TT&TT rất tích cực.
Đối với Facebook, trước đây Nhà nước đưa ra yêu cầu, họ chỉ thực hiện khoảng 30%, bây giờ tỷ lệ thực hiện yêu cầu từ 70 - 75%; còn với Youtube trước đây khoảng 60%, bây giờ 80-85%...
Lý giải nguyên nhân, tại sao đặt vấn đề xây dựng các mạng xã hội Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, nếu như Việt Nam không có mạng xã hội của chính mình thì tất cả những gì chúng ta nói, nghĩ, đọc, thậm chí mua bán đều được lưu trữ ở nước ngoài.
Bây giờ, thông tin các mạng xã hội nước ngoài thu thập được dùng để quảng cáo, nhưng trong trường hợp đặc biệt, họ dùng việc khác và có thể nguy hiểm đến an ninh.
Việt Nam đặt mục tiêu xây dựng các mạng xã hội trong nước có số lượng người dùng tương đương mạng xã hội nước ngoài.
Phiên chất vấn được tổ chức trực tuyến đến 63 điểm cầu cả nước. Tại điểm cầu Nghệ An đồng chí Nguyễn Thanh Hiền - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh chủ trì. Cùng dự có các đồng chí: Cao Thị Hiền - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Trần Văn Mão - Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh và các đại biểu. Ảnh: Thành Duy |
Hiện nay, các mạng xã hội của Việt Nam có 65 triệu người dùng, trong 1 năm vừa qua tăng trưởng khoảng 30%. Các mạng xã hội nước ngoài cộng lại khoảng 90 triệu người dùng.
Nếu giữ mức tăng trưởng này thì khoảng năm 2020, chậm nhất tới năm 2021, tỷ lệ người dùng các mạng xã hội Việt Nam và nước ngoài là 50-50. Theo Bộ trưởng, hiện nay, có khá nhiều cơ hội để các công ty công nghệ Việt Nam phát triển các mạng xã hội.
Liên quan đến quản lý sim rác, Bộ trưởng đánh giá, đây là câu chuyện lớn nhiều năm. Một năm vừa qua, cơ bản cắt bỏ sim không đủ thông tin, tuy nhiên lượng lớn sim rác hiện đang nằm trên các kênh bán hàng. Từ nay đến tháng 9, Bộ TT&TT tập trung giải quyết sim rác bằng cách các nhà mạng sẽ mua lại.
Giải pháp mới để xử lý sim rác là giao trách nhiệm đến trực tiếp các tổng giám đốc của các công ty viễn thông, trong đó có một yêu cầu mà theo Bộ trưởng có tác động rất mạnh đến các nhà mạng là, nếu còn tồn tại sim rác thì nhà mạng đấy không được cấp phép các dịch vụ mới.